Điển hình như “trào lưu” tự cấp chứng nhận không phá rừng và buộc các đối tác cung ứng phải tuân theo luật chơi.
Theo thống kê của Tổ chức Greenpeace, hiện có 9 hệ thống tiêu chuẩn (HTTC) tự nguyện phổ biến nhất thế giới gồm ISCC, Fairtrade, Rainforest Alliance & UTZ, RSPO, ISPO/MSPO, RTRS, ProTerra, FSC, PEFC và hàng trăm chứng chỉ khác do mỗi công ty thương mại/nhà phân phối bán lẻ tự xây dựng.
Cảnh báo từ thực tiễn
Hai thương hiệu siêu thị hàng đầu tại EU là Aldi Nord và Aldi Süd thuộc tập đoàn bán lẻ ALDI của Đức đã sớm tự đặt ra quy chuẩn về sản phẩm có nguồn gốc không phá rừng và đơn phương yêu cầu các đơn vị chăn nuôi cung cấp thịt gia cầm, bò và heo phải tuân thủ từ mùa hè năm 2021.
Theo đó trong giai đoạn chuyển tiếp, nếu bên cung cấp không thể chứng minh nguồn gốc thức ăn chăn nuôi, cụ thể là đậu nành, đến từ vùng không phá rừng thì có thể mua các khoản tín dụng do chính Aldi phát hành để bù đắp.
Điều này có nghĩa sản phẩm dù có nguồn gốc từ nơi phá rừng vẫn được dán nhãn xanh của Aldi và đặt cùng kệ với các sản phẩm bền vững với mức giá cao đổ lên đầu người tiêu dùng. Ở vị trí hoàn toàn “làm chủ cuộc chơi”, cách làm của Aldi đã vô tình tạo xu hướng khiến nhiều công ty phân phối lẻ cũng “học theo”.
Tuy nhiên tới đầu tháng 1-2023 Văn phòng Nông nghiệp và Thực phẩm Liên bang Đức (BLE) đã thanh tra HTTC của Aldi và chỉ ra những điểm bất hợp lý khiến tập đoàn này phải tự động rút toàn bộ hệ thống chứng nhận.
Trước hành động của BLE, Udo Hemmerling, phó tổng thư ký Hiệp hội Nông dân Đức (DBV), bày tỏ sự đồng tình và cho rằng giữa các bên cần có tiếng nói bình đẳng, cùng nhau xây dựng về một giải pháp khả thi trong ngành chăn nuôi nhập khẩu bền vững.
Quá nhiều bất cập
Hạn chế điển hình nhất của các HTTC hiện có là thiếu tính nhất quán và thiếu các tiêu chuẩn tối thiểu chung giữa “một rừng” chứng nhận. Chỉ xét riêng phạm vi 9 HTTC phổ biến nhất thế giới hiện nay được liệt kê ở trên đã cho thấy nhiều điểm khác nhau đáng kể.
Cụ thể 4/9 HTTC (Fairtrade, ISPO/MSPO, FSC, PEFC) vẫn dán nhãn xanh cho sản phẩm trên đất phá rừng hoặc chuyển đổi rừng thành rừng trồng và 6/9 HTTC (gồm ISCC, Fairtrade, RSPO, ISPO/MSPO, FSC, PEFC) vẫn dán nhãn sản phẩm xanh dù đến từ đất trồng chuyển đổi hệ sinh thái tự nhiên, trong khi đây là những điểm bị liệt vào định nghĩa suy thoái rừng của Luật Chống phá rừng.
Bên cạnh đó 7/9 HTTC (ISCC, Rainforest Alliance, RSPO, ISPO/MSPO, RTRS, ProTerra, PEFC) chưa coi trọng sự tham gia đại diện của khu vực tư nhân (bao gồm người bản địa, cộng đồng nông thôn, hộ sản xuất nhỏ và người lao động) trong việc giám sát và thiết lập hệ thống tiêu chuẩn sản xuất bền vững.
Theo đó có tới 5/9 HTTC (gồm Fairtrade, ISPO/MSPO, RTRS, ProTerra, PEFC) vẫn còn coi nhẹ việc tôn trọng quyền an sinh cư trú của người bản địa, trong khi đây là điểm được nhấn mạnh tại Luật Chống phá rừng.
Ngoài ra vì mục tiêu kinh tế, hầu hết các chứng nhận đều cho phép trộn lẫn các nguyên liệu thô được chứng nhận và không được chứng nhận, theo đó gây cản trở khả năng truy xuất nguồn gốc (theo Greenpeace). Dĩ nhiên điểm này sẽ không còn phù hợp với Luật Chống phá rừng khi việc truy xuất nguồn gốc được yêu cầu mức độ chính xác cao nhất.
Tính minh bạch là một trong những hạn chế lớn nhất của HTTC hiện nay. Không chỉ Greenpeace mà cả Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cũng đã thu thập chứng cứ trong suốt 9 tháng năm 2022 nhằm vạch ra những lỗ hổng cố hữu của hoạt động kiểm toán.
Trong đó có lỗ hổng cho phép các công ty “chuẩn bị sẵn” bối cảnh và điều kiện cho cuộc kiểm toán, hình ảnh được sử dụng thực chất chỉ phản ánh điều kiện tại một điểm cụ thể vào thời điểm đã được sắp đặt.
Ngoài ra nguyên tắc kiểm toán bị coi thiếu minh bạch khi 6/9 HTTC (ISCC, RSPO, ISPO/MSPO, RTRS, ProTerra, PEFC) không tiến hành luân chuyển chéo kiểm toán viên và cả 9/9 HTTC đều không đảm bảo nguyên tắc kiểm toán độc lập bằng cách thiết lập “tường lửa” đảm bảo khách quan và chống tiêu cực phát sinh trong kiểm tra giám sát, xử phạt, thu hồi chứng chỉ hoặc trục xuất những thành viên vi phạm.
Giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam
Cũng như nhiều hiệp hội nông sản khác, Diễn đàn dầu cọ bền vững EU (FONAP) phải thừa nhận HTTC được họ sử dụng rộng rãi nhất như RSPO, ISCC không đạt quy chuẩn nông sản bền vững.
Theo đó FONAP và các diễn đàn/hiệp hội nông sản khác vẫn đang nỗ lực cải thiện các HTTC này. Trong bối cảnh đó, rõ ràng rất cần sự hỗ trợ của các chính phủ, luật pháp quốc gia, và sự giám sát rộng lớn của cộng đồng quốc tế để có thể tiến tới những cam kết đồng bộ theo Luật Chống phá rừng.
Đặc biệt Luật Chống phá rừng có nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp tại quốc gia bản địa, do đó ở vai trò là nước xuất khẩu, Chính phủ Việt Nam cần rà soát lại các cơ sở pháp lý liên quan.
Đồng thời kêu gọi EU hỗ trợ cho phép gia hạn thời gian chuyển giao hay nới lỏng tỉ lệ giám sát trong giai đoạn đầu để vừa đảm bảo quyền lợi cho nông dân, vừa có thời gian để huy động nguồn lực tháo gỡ những hạn chế và hỗ trợ bà con thích nghi tốt hơn với luật mới của EU.
Trong giai đoạn chuyển giao từ nay tới 2025 (khi Luật Chống phá rừng chính thức có hiệu lực), doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung vẫn buộc phải chọn lựa tham gia một trong các HTTC tự nguyện được chính quyền EU khuyến khích.
Tuy nhiên việc tham gia này cần chuyển hướng sang tập trung toàn diện hơn là chạy theo số lượng, tức là nên tham gia một HTTC cho toàn bộ quy trình của một sản phẩm, thay vì tham gia nhiều tiêu chuẩn khác nhau cho từng phần quy trình cung ứng của sản phẩm đó.
Bởi thực tế việc chạy theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau không chỉ lãng phí mà còn tạo ra sự thiếu đồng bộ, gây khó khăn trong việc ràng buộc trách nhiệm pháp lý của bên cấp chứng chỉ khi có sai phạm.
Sức mạnh tập thể luôn hiệu quả trước mọi thách thức, nhất là khi Luật Chống phá rừng đề cao vai trò và tiếng nói của cộng đồng bản địa.
Do đó đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để mỗi người nông dân Việt Nam thông qua các hội nông sản và hợp tác xã có quyền bày tỏ rõ những vấn đề phù hợp hay không phù hợp với thực trạng sản xuất và đời sống tại địa phương lên chính phủ EU.
Nếu như lâu nay Việt Nam thường chỉ lo ứng phó với việc bị giám sát và xét duyệt bởi hàng loạt rào cản xuất nhập khẩu từ EU, thì nay cũng là lúc chúng ta phải tìm cách chuyển vị thế chủ động hơn.
Tức mỗi người dân cần biết và thực hiện quyền giám sát của mình để tránh bị bên cấp chứng chỉ và các công ty đối tác EU dồn vào thế “chèn ép” trong cuộc chơi của riêng họ.