Xã hội
Thời tiết năm nay cực đoan, diễn biến phức tạp
Liên quan đến đợt nắng nóng bất thường ở TPHCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước, phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Quyết - Phó trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ.

Xin ông cho biết nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nắng nóng kéo dài ở TPHCM và nhiều tỉnh, thành trong mấy tuần qua?

Ông Lê Đình Quyết: Đợt nắng nóng ở TPHCM vừa qua là do áp cao tây Thái Bình Dương trên tầng cao hoạt động mạnh, có trục gần với khu vực Nam bộ. Áp cao này là trường phân kỳ (không khí chuyển động đi xuống tầng thấp) hạn chế sự hình thành, phát triển mây nên ban ngày, trời ít mây, nắng mạnh. Ở một số thời điểm, có sự kết hợp hình thế thời tiết này với hoạt động mạnh của áp thấp nóng phía tây, hoặc có một rãnh áp thấp ở phía bắc nối với vùng áp thấp nóng phía tây có cường độ mạnh di chuyển và mở rộng về phía đông nam, gây nắng nóng đặc biệt gay gắt ở các tỉnh Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và có thể cả Nam bộ. 

Trong tháng Năm này, dự báo sẽ còn xuất hiện một số đợt nắng nóng nhưng mỗi đợt không kéo dài
Trong tháng Năm này, dự báo khu vực Nam bộ sẽ còn xuất hiện một số đợt nắng nóng nhưng mỗi đợt không kéo dài

* Theo ông, tình trạng nắng nóng sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới?

– Thời gian qua, đã xuất hiện những ngày mà nhiệt độ cao nhất ngày ở mức rất cao, có khi lên tới trên 40 độ C. Ngày 6/5, nhiệt độ ở Hồi Xuân (Thanh Hóa) là 44,1 độ C; ngày 7/5, nhiệt độ ở Tương Dương (Nghệ An) là 44,2 độ C. Mức nhiệt độ này chưa từng xảy ra ở nước ta từ trước tới nay. Nhiệt độ ở TPHCM là 38 độ C, là mức vẫn thường xảy ra nhưng ở Biên Hòa (Đồng Nai), nhiệt độ ngày 6/5 là 39,4 độ C, là mức nhiệt cao thứ hai trong lịch sử (tháng 3/1998, nhiệt độ 39,6 độ C).

Đối với khu vực Nam bộ, nắng nóng nhất thường tập trung vào các tháng Ba, tháng Tư và nửa đầu tháng Năm. Trong tháng Năm này, dự báo sẽ còn xuất hiện một số đợt nắng nóng nhưng mỗi đợt không kéo dài, phổ biến ở mức 35-37 độ C. 

* Nắng nóng kéo dài gây ra những tác động gì đáng lưu ý, thưa ông?

– Nắng nóng được xếp vào loại hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Nhiệt độ không khí cao nhất ngày đạt từ 35-37 độ C gọi là nắng nóng, từ 37-39 độ C gọi là nắng nóng gay gắt, trên 39 độ C gọi là nắng nóng đặc biệt gay gắt. Nắng nóng kéo dài từ 2 ngày trở lên được gọi là đợt nắng nóng. 

Nhiệt độ không khí cao gây ra những tác hại, ảnh hưởng xấu đến cây trồng, vật nuôi, sức khỏe của con người. Nhiệt độ cao kèm theo độ ẩm không khí thấp sẽ làm giảm năng suất nhiều loại cây trồng, vật nuôi; nắng nóng ở mức cao, kéo dài nhiều ngày, vượt ngưỡng chịu đựng sẽ làm cho một số cây trồng, vật nuôi chết, thậm chí khiến người già tử vong. Nắng nóng gây khô hạn, thiếu hụt nguồn nước, nguy cơ gây cháy rừng rất cao. Những ngày xảy ra nắng nóng, thường bầu trời trong suốt, tia UV cũng sẽ ở mức cao, dễ gây tổn hại da, cháy da, ảnh hưởng đến mắt. 

* Người dân ở TPHCM cần làm gì để ứng phó với các đợt nắng nóng sắp tới?

– TPHCM là đô thị lớn, có nhiều nhà cao tầng, tường gạch, đường bê tông, rất nhiều nhà gắn kính, mật độ xe đông, nhiều xưởng sản xuất, nhà hàng, trong khi diện tích cây xanh thấp tạo nên sự cộng hưởng làm gia tăng sức nóng. 

Do đó, cần thực hiện các biện pháp công trình như làm trần chống nóng. Tạo mảng xanh là cách chống nóng hiệu quả. Trong điều kiện nắng nóng, người dân cần sắp xếp công việc hợp lý, tránh lưu thông ngoài đường vào khung từ 12 – 15g hằng ngày. Người dân cần liên tục theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động ứng phó, như kê cao đồ đạc để phòng ngập lụt, tham gia các buổi tập huấn về khí tượng thủy văn để phòng tránh thiên tai, như phòng tránh sét đánh khi đang làm ngoài đồng, đi trên đường…

* Ông có cảnh báo gì về thời tiết trong năm nay?

– Năm 2023, dao động ENSO tác động tới thời tiết và khí hậu khá rõ. Hiện tượng này đổi pha rất nhanh: cuối 2022, đang ở trạng thái pha lạnh (La Nina) chuyển sang trung tính và có xu hướng chuyển sang pha nóng (El Nino) vào các tháng cuối năm nay. Diễn biến thời tiết, khí hậu sẽ phức tạp, sẽ xuất hiện nhiều trận mưa lớn, triều cường, nước biển dâng cao bất thường (vùng ven biển Tây Nam Bộ). Bão, áp thấp nhiệt đới có thể sẽ ít hơn so với mọi năm nhưng đường đi, cường độ sẽ phức tạp, khó dự đoán. Xuất hiện nhiều giông, sét, tố, lốc vào các tháng mùa mưa, đặc biệt là các tháng chuyển mùa. Cần có phương án chuẩn bị tình trạng thiếu nước vào cuối năm do mưa ít hơn so với trung bình nhiều năm.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục