Xã hội
Tương nếp Úc Kỳ – đặc sản trăm năm vùng Việt Bắc
Tương nếp là đặc sản trứ danh của Úc Kỳ, Thái Nguyên với hơn 160 hộ dân sản xuất. Đây được xem là niềm tự hào của người dân xã ÚC Kỳ.

Tương nếp Úc Kỳ là đặc sản nức tiếng của huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên). Sản phẩm được chế biến rất công phu, với kinh nghiệm được truyền lại từ nhiều thế hệ. 

Khác với sản phẩm ở những địa phương khác, tương nếp Úc Kỳ có hương vị thơm ngọt đậm đà, nhuyễn đặc như mật và có màu vàng sậm hấp dẫn, món gia vị sẽ khiến du khách đi từ ngạc nhiên, lạ lẫm đến thích thú khi một lần được nếm thử.

Úc Kỳ là vùng đất thuần nông ven dòng sông Cầu thơ mộng. Từ bao đời nay người dân nơi đây vốn chân chất, thật thà và cũng rất công phu, tỉ mỉ khi làm ra loại tương nếp khác biệt khó nơi nào sánh được. Cánh đồng gạo nếp thầu dầu – một loại nếp cổ chân dài làm nên thương hiệu và bí quyết riêng có của đặc sản vang danh vùng Việt Bắc. Người dân Úc Kỳ làm tương quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là độ thu về. Đây được coi là thời điểm làm tương thích hợp nhất trong năm bởi nhiệt độ thời tiết vừa phải, “hương nắng” mùa thu sẽ khiến tương có vị thơm ngon hơn hẳn những mùa khác trong năm.  

Bà Dương Thị Khuyên – Xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên:

“Người ta rất quý cái tương nếp thầu dầu này nên là tôi lúc nào cũng chỉ chuyên gia làm nếp thầu dầu, không có nếp gì khác.”

Để làm được chum tương ngon, gạo nếp được lựa chọn kỹ lưỡng. Đó là những hạt gạo được phơi đủ nắng, không gãy, nát và có mùi thơm của gạo mới để chế biến thành tương. “Tốt mốc ngon tương” – đó là bí quyết làm nên loại tương đặc sản được những bậc cao niên gìn giữ và truyền lại cho con cháu từ bao đời nay. 

Bà Nguyễn Thị Hồng – Xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên: 

“Làm mốc rất công phu và vất vả lắm, đầu tiên là cơm xong dỡ ra đến ngày thứ hai mới được ủ, đến ngày thứ 3 mới được toanh ra.”

Ngoài gạo nếp đặc sản để làm mốc, đậu nành cần chọn những hạt căng mẩy, đều nhau, rang lên tới khi cắn hạt đậu thấy vàng giòn. Đậu được xay ra, ngâm cùng nước muối trong chum sành, đậy kín nắp khoảng nửa tháng, phơi nắng dịu, trừ lúc khuấy tương thì phải bọc kín bằng nilon ở miệng chum để tránh côn trùng và giữ được mùi thơm. 

Từ thời xa xưa, các cụ cao niên vẫn cho rằng tương ngon nhất phải là tương được đựng trong chum sành và phơi ở ngoài trời. Chum tương có màu vàng sậm sóng sánh, nhuyễn đặc như mật, đậm mùi thơm của nếp và đậu nành, khi ăn để lại vị ngọt hậu, nhớ mãi. 

Ông Dương Văn Hiên – Phó Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên: 

“Đối với làng nghề tương Úc Kỳ thì đã có từ xưa các cụ truyền lại, đến bây giờ thì nhân dân cũng làm rất đông, đối với Úc Kỳ, hộ làm tương trên 160 hộ, tương nếp thì gần 100 hộ sản xuất tương nếp Thầu Dầu. Đối với tương nếp Úc Kỳ là niềm tự hào của nhân dân trong xã Úc Kỳ, nhân dân làm chu đáo cẩn thận, khách trong tỉnh ngoài tỉnh và đi ra nước ngoài.”

Theo thời gian, làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ vẫn tồn tại và ngày càng phát triển hưng thịnh. Việc mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm không chỉ góp phần phát triển kinh tế ở địa phương mà còn tạo điều kiện để các giá trị văn hoá truyền thống được gìn giữ, kế thừa và phát huy trong đời sống hôm nay.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục