Xã hội
UNESCO trao bằng ghi danh Nghệ thuật làm gốm người Chăm
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm người Chăm và khai mạc Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận 2023 tại TP Phan Rang – Tháp Chàm.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm người Chăm. Ảnh: Trần Huấn.

Tối 15/6, tại Quảng trường 16/4, TP Phan Rang – Tháp Chàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự lễ đón nhận bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và khai mạc Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận năm 2023.

Cùng dự có Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Trần  Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng… và lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận.

Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng,
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng… cùng đại diện các bộ ngành dự lễ. Ảnh: Xuân Ngọc.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND Ninh Thuận cho biết, người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận duy trì nghề thủ công làm gốm được truyền qua nhiều đời. Tháng 11/2022, tổ chức UNESCO đã chính thức ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.

Việc tổ chức đón bằng của UNESCO sẽ tạo sự lan tỏa đến người dân, du khách nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các cấp, các ngành, địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND Ninh Thuận phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Xuân Ngọc.

Ngoài ra, địa phương cũng có cây nho là một trong những cây đặc thù. Nhằm bảo tồn, duy trì, năm 2014, lần đầu tiên tỉnh tổ chức lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận. Từ đó trở thành lễ hội truyền thống, 2 năm tổ chức một lần. “Thông qua sự kiện, Ninh Thuận cũng kỳ vọng thu hút nhiều hơn du khách, nhà đầu tư đến với vùng đất hội tụ những giá trị khác biệt này để khai phá các tiềm năng về nông nghiệp, hạ tầng, kinh tế biển còn rất lớn tại đây”, ông Nam nói.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chúc mừng tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận cũng như cộng đồng người Chăm nhiều năm qua gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm. Việc UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm người Chăm vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể khẩn cấp là sự khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam trong kho tàng di sản văn hóa thế giới…, và chúng ta cần có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh: Xuân Ngọc.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay, Lễ hội Nho – Vang ninh Thuận 2023 theo thời gian trở thành nét văn hóa đặc trưng của Ninh Thuận, cũng là cơ hội để địa phương quảng bá, đưa thương hiệu ra thị trường trong nước và thế giới. Tuy nhiên, Ninh Thuận phải định vị được những giá trị văn hóa đặc sắc từ nghệ thuật gốm Chăm đến những vườn nho trên địa bàn.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Ninh Thuận cần có kế hoạch cụ thể, thiết thực trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, tạo lập môi trường văn hóa trong cộng đồng, đặc biệt là trong không gian văn hóa gia đình và cả trên không gian mạng.

Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh Nghệ thuật gốm người Chăm. Ảnh: Xuân Ngọc.

Trong buổi lễ, đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận nhận bằng vinh danh của UNESCO. Cùng với đó là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Ninh Thuận – Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục