Xã hội
VĐV taekwondo hụt hẫng vì bị gạt khỏi danh sách khen thưởng
Dù giành HCV ba kỳ SEA Games liên tiếp nhưng nhiều VĐV taekwondo và judo đã bị gạt khỏi danh sách đề xuất nhận Huân chương Lao động hạng ba sau SEA Games 32 sẽ được trao vào ngày 23-5 tại Phủ Chủ tịch.
VĐV taekwondo hụt hẫng vì bị gạt khỏi danh sách khen thưởng - Ảnh 1.
Minh Hy (bìa phải) và Văn Huy (giữa) trên bục nhận HCV quyền sáng tạo đồng đội – Ảnh: NGỌC GIÀU

Lý do họ bị loại chỉ vì câu chữ trong quy định về tiêu chuẩn khen thưởng và đề nghị khen thưởng VĐV, HLV đạt thành tích xuất sắc tại các giải thể thao quốc tế theo thông tư 01/2015 ngày 30-3-2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

Cụ thể, khoản e, mục 1 điều 8 Tiêu chuẩn đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng ba ghi: “Đạt huy chương vàng tại ba kỳ SEA Games liên tiếp của môn thi có một nội dung thi đấu”.

Tổng cục TDTT đang cố giải thích

Tại SEA Games 32, taekwondo Việt Nam giành 4 HCV, trong đó có 2 HCV quyền sáng tạo đồng đội và quyền tiêu chuẩn đồng đội. Nữ võ sĩ Châu Tuyết Vân tỏ ra “vô đối” khi lần thứ sáu liên tiếp giành HCV. 

Ngoài ra, hai nam võ sĩ Nguyễn Ngọc Minh Hy và Hứa Văn Huy cũng lập kỷ lục cho chính mình khi lần thứ ba liên tiếp giành HCV ở nội dung quyền sáng tạo đồng đội.

Chiếu theo quy định khen thưởng Huân chương Lao động hạng ba, Minh Hy và Văn Huy phù hợp. Nhưng sau khi được đề xuất lên ban thi đua, cả hai đã bị bác. Lý do là Văn Huy còn thi đấu thêm nội dung quyền sáng tạo cá nhân nam và đoạt HCB. 

Còn Minh Hy thi đấu thêm nội dung quyền sáng tạo cá nhân nam và đoạt HCĐ. Đón nhận thông tin này, do hụt hẫng nên cả hai võ sĩ đã gửi đơn đến Tổng cục TDTT lẫn báo chí để “cầu cứu”.

Dư luận trong giới taekwondo cũng phản ứng bởi giành 3 HCV SEA Games liên tiếp là điều không dễ. 

Mặt khác, có thêm huy chương ở nội dung khác lại càng đáng quý. Chưa kể, nếu không được ghi nhận và khen thưởng do hiểu sai quy định, VĐV nếu lỡ thất bại ở kỳ SEA Games sau lại phải bắt đầu lại từ đầu. 

“Các anh giúp các VĐV lên tiếng! Được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba là vinh dự cả đời của VĐV”, một thành viên ban huấn luyện đội tuyển taekwondo Việt Nam nhắn nhủ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng cục trưởng Tổng cục TDTT và là trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 Đặng Hà Việt cho biết tổng cục đang cố giải thích cho ban thi đua về tiêu chí ở khoản e: “Đạt HCV tại ba kỳ SEA Games liên tiếp của môn thi có một nội dung thi đấu” cần được hiểu là “Đạt HCV tại ba kỳ SEA Games liên tiếp của môn thi có cùng một nội dung thi đấu”.

Ông Đặng Hà Việt nói: “Bên ngoài không hiểu cứ nói ngành thể thao tắc trách, thiếu trách nhiệm, không bảo vệ quyền lợi VĐV. Nhưng anh em làm thi đua của tổng cục cũng đang cố gắng giải trình với ban thi đua. Không chỉ taekwondo, judo cũng có hai VĐV Lê Anh Tài và Nguyễn Thị Thanh Thủy gặp vấn đề tương tự”.

Hiểu thế nào cho đúng?

Nếu như VĐV taekwondo và judo gặp vấn đề về câu chữ trong tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương Lao động hạng ba thì một trường hợp khác được đưa vào danh sách khen thưởng lại không hiểu căn cứ theo tiêu chuẩn nào. Đó là trường hợp của nữ võ sĩ Bùi Yến Ly.

Hai kỳ SEA Games 30 và 32, Yến Ly giành HCV muay Thái. Nhưng ở SEA Games 32, chủ nhà Campuchia không đưa muay Thái vào chương trình thi đấu mà thay vào đó là kun Khmer – môn võ truyền thống cũng có nét tương tự. Tại SEA Games 32, Việt Nam tham dự môn kun Khmer với các võ sĩ muay và giành 5 HCV, trong đó có HCV của Yến Ly.

Dù có thể giống nhau về cách đánh và luật thi đấu nhưng tên gọi hai môn võ này là khác nhau nên không thể gộp lại là HCV thứ ba liên tiếp cho Yến Ly. 

Còn nếu đã du di cho nỗ lực và đóng góp của VĐV ở môn này thì lại càng phải chú ý đến trường hợp của bốn VĐV taekwondo và judo khi họ hoàn toàn đủ tiêu chuẩn nhưng chỉ là cách hiểu chưa đúng về câu chữ.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục