Xã hội
Việt Nam lưu giữ hơn 80.000 nguồn gene đặc hữu, quý hiếm
Đến năm 2023, Việt Nam có tổng số nguồn gene thu thập và lưu giữ được là trên 80.000 (gấp 2,8 lần so với năm 2010), trong đó nhiều gene quý giúp lai tạo các giống mới năng suất, chất lượng, giá trị cao.

Đây là thống kê được đưa ra tại Hội thảo đánh giá Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene giai đoạn 2015 – 2024 và định hướng triển khai giai đoạn 2025 – 2030, diễn ra vào hôm qua.

Tính đến nay, Việt Nam đã bảo tồn, lưu giữ được 80.911 nguồn gene đặc hữu, quý, hiếm; trong đó có 47.772 nguồn gene thực vật nông nghiệp, 5.768 nguồn gene cây lâm nghiệp, 7.039 nguồn gene dược liệu, 891 nguồn gene vật nuôi, 391 nguồn gene thủy sản, 19.050 nguồn gene vi sinh vật. 

Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene giai đoạn 2015 – 2024 và định hướng triển khai giai đoạn 2025 – 2030 đã đánh giá ban đầu được gần 56.000 nguồn gene; nhiều nguồn gene được khai thác và ứng dụng trong sản xuất, đời sống như sâm ngọc linh, tôm mũ ni, cá hô, lúa bản địa chất lượng cao, cây vù hương, lợn ỉ… góp phần nâng cao giá trị gia tăng của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành nông nghiệp.

Trong giai đoạn tới, để góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục tăng cường, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ công tác bảo tồn, lưu giữ, đánh giá nguồn gene; gia tăng nguồn lực khoa học và công nghệ nhằm bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gene góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước.

Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin về các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế… mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích trong đời sống, xã hội thường nhật.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục