Chuyện cảnh giác
Chuyện Cảnh Giác: Chiêu lừa “bán mỹ phẩm online”
Lướt trên các trang mạng xã hội, có lẽ không ít lần chúng ta đã thấy qua những bài đăng tuyển dụng cộng tác viên bán hàng online - một công việc tưởng chừng rất phù hợp với chị em phụ nữ và mẹ bỉm sữa… Tất nhiên, vẫn có nhiều đơn vị tuyển dụng làm ăn đàng hoàng, tuy nhiên song song đó, vẫn đã và đang tồn tại một bộ phận kẻ xấu, đã lợi dụng hình thức việc làm này để giở chiêu trò, hòng chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân “nhẹ dạ cả tin". Câu chuyện sau đây sẽ bóc trần thủ đoạn tinh vi này.

Hoàn cảnh của chị Hương – nạn nhân trong câu chuyện, có lẽ cũng phần nào giống với nhiều mẹ bỉm sữa. Sau khi sinh con, do muốn dành nhiều thời gian chăm con nên đã chọn công việc làm tại nhà, đó là Cộng tác viên bán hàng online.

Thông qua mạng xã hội, chị Hương quen biết với Cường – Cường tự xưng là nhân viên thuộc một Công ty chuyên kinh doanh mỹ phẩm hàng xách tay.

Cường mô tả về công việc Cộng tác viên bán mỹ phẩm online một cách rất hấp dẫn. Cụ thể chị Hương chỉ cần chụp hình những sản phẩm, đăng tải bài viết quảng cáo lên Facebook. Nếu như không có khách thì chị Hương vẫn được hưởng tiền đăng bài quảng cáo là 50 ngàn đồng một ngày. Còn trường hợp có khách mua hàng, chị Hương sẽ được nhận tiền thưởng là 100 ngàn đồng một ngày, ngoài ra còn được hưởng hoa hồng 20% trên giá trị mỗi sản phẩm bán ra. Cường còn cho biết thêm, mỹ phẩm đều là hàng xách tay từ châu Âu nên giá thị trường dao động khoảng vài triệu đồng, vì vậy nếu hưởng 20% hoa hồng trên mỗi sản phẩm thì số tiền đó cũng tương đối cao.

Chỉ trong khoảng một tuần sau, lượng khách tăng lên liên tục, khiến chị Hương thu về số tiền vài triệu đồng.

Sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Mọi chuyện bắt đầu nảy sinh vấn đề khi chị Hương nhận được đơn hàng từ một vị khách “sộp” – tên là Nguyệt. Nguyệt đặt số lượng hàng lớn lên đến hơn trăm triệu đồng, nhưng lại viện cớ từ chối việc đặt cọc.

Do thấy đơn hàng lớn, mức hoa hồng sẽ rất cao, thế nên chị Hương đồng ý dùng tiền túi ứng trước để lấy hàng. Thế nhưng, ngay sau khi ứng số tiền hơn trăm triệu đồng thì Cường lẫn Nguyệt ngay lập tức biến mất không dấu vết, lúc này nạn nhân mới nhận ra bản thân đã bị lừa.

Sau khi dẫn dụ được chị Hương tham gia làm cộng tác viên bán hàng online, các đối tượng đã sử dụng sim rác giả làm khách gọi đặt hàng, ban đầu chỉ là vài đơn hàng ít ỏi để chị Hương có thêm niềm tin, nhưng về sau số lượng đơn hàng tăng dần, khiến chị Hương bị cuốn theo mà mất đi sự cảnh giác. Đỉnh điểm là đơn hàng cuối cùng với giá trị hơn trăm triệu đồng, đối tượng Cường đã hứa hẹn cho chị Hương được trả hàng hoàn tiền nếu như đơn hàng không thể bán ra. Thế nhưng trên thực tế sau khi nhận được số tiền chuyển khoản từ nạn nhân, Cường và cả công ty bán mỹ phẩm nhanh chóng biến mất tăm, không còn dấu vết. Và trên thực tế, Nguyệt cũng chẳng phải khách hàng sộp nào cả, mà Nguyệt chính là đồng bọn của Cường, cố tình gọi điện cho chị Hương đặt số lượng hàng lớn để dẫn dụ “con mồi sập bẫy”.

Câu chuyện của chị Hương trong tình huống vừa rồi chính là bài học cho tất cả chúng ta.Trước khi nhận lời làm cộng tác viên bán hàng online, người dân cần tìm hiểu thật kỹ về cơ sở kinh doanh, đến tận nơi làm việc chứ không chỉ trao đổi qua mạng xã hội, và tốt nhất chỉ nên tìm đến những công ty lớn, có thương hiệu, uy tín. Đề cao cảnh giác với những lời rao tuyển dụng có tính chất “việc nhẹ lương cao”, “bán không được hàng vẫn có tiền”… Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm nhiều đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm bán ra, tránh việc kinh doanh những sản phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Quý vị đừng quên đón xem Chuyện Cảnh Giác được phát sóng vào lúc 16 giờ 40 phút vào Chủ nhật hằng tuần trên kênh Truyền hình Vĩnh Long 1.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục