Chuyện cảnh giác
Chuyện Cảnh Giác: Chiêu lừa tài xế lấy điện thoại
Chuyện Cảnh Giác tuần này mang đến một bài học đắt giá dành cho những ai đã và đang hành nghề dịch vụ taxi hay xe ôm. Chỉ vì vội tin người để rồi bị lừa mất tài sản theo một cách thức mà chẳng ai ngờ đến.

Nạn nhân trong câu chuyện cảnh giác tuần này chính là anh Trung (tên nạn nhân đã được thay đổi) – làm nghề tài xế taxi. Hôm đó, anh Trung gặp một vị khách lạ – tên là Nhựt.

Ban đầu, Nhựt yêu cầu chở đến một địa chỉ nhà bình thường. Lúc trên xe, cả 2 người trò chuyện cũng rất vui vẻ, cho đến khi vị khách này nghe một cuộc điện thoại, nội dung nói điện thoại dễ khiến người ta liên tưởng đến nghề nghiệp của Nhựt là CSGT. Cụ thể, nội dung cuộc gọi cho biết, hiện đang có vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, nên cần Nhựt trực tiếp xử lý.

Lúc này, Nhựt đổi hướng đi, yêu cầu anh Trung chở đến Trụ sở Đội CSGT.

Đáng chú ý, khi nghe anh Trung kể về việc vừa bị công an tạm giữ xe máy vào tuần trước do vi phạm luật giao thông, Nhựt đã nhiệt tình giúp đỡ, hứa sẽ giúp anh Trung lấy xe ra mà không cần phải đóng phạt gì cả.

Khi đến nơi, Nhựt lại tiếp tục nhờ anh Trung sang Trụ sở Đội Cảnh sát Điều tra để rước 2 cán bộ sang đây, sau đó cùng Nhựt xuống hiện trường vụ tai nạn xử lý. Bất ngờ là lúc này, điện thoại của Nhựt hết pin, chính vì vậy đã vờ mượn điện thoại của anh Trung, để có thể liên lạc được với đồng đội trong lúc tình hình khẩn cấp. Nhựt hứa khi anh Trung rước 2 cán bộ chở lại đây, Nhựt sẽ trả lại điện thoại.

Nhưng sau cùng, khi anh Trung đến Trụ sở Đội Cảnh sát Điều tra thì hoàn toàn không có ai để rước, lúc này, anh Trung cũng không cách nào tìm được Nhựt, số điện thoại của anh cũng không còn liên lạc được. Anh mới bàng hoàng nhận ra mình đã bị lừa. 

Nạn nhân chia sẻ: Tới khi mà tui quay lại chỗ trụ sở Đội CSGT lúc nãy thì thấy không có ai đứng chờ mình hết, tui cũng vô trong hỏi kiếm anh Nhựt đội trưởng, thì 1 đồng chí công an mới cho tui biết là ở đây không có ai tên Nhựt hết. Lúc đó tui mới vỡ lẽ ra là mình đã bị lừa, vừa mất cái điện thoại, còn mất luôn tiền 2 cuốc xe. Sau đó khi tui trình báo sự việc lên công an, thì họ mới nhận định rất có thể ban đầu sau khi nghe tui nhắc đến chuyện làm nghề taxi lâu lâu hay bị công an phạt, nên hắn đã nảy sinh ý định lừa đảo tui, giả mạo là công an giao thông. Thậm chí, cuộc điện thọai mà hắn ta nói chuyện với ai đó trên xe cũng là giả, rồi tới cả chuyện điện thoại hết pin cũng là giả luôn. Chưa hết đâu, để có được lòng tin của tui, kẻ lừa đảo lại còn giả vờ nói là sẽ giúp tui giải quyết vụ việc tui bị công an phạt xe. Mà đáng nói nha, lúc xuống xe, khi hắn ta mượn điện thoại của tui gọi điện, rõ ràng tui thấy hắn bấm số gọi ai đó, mà tui còn nghe được loáng thoáng tiếng người nói chuyện bên kia nữa, chứng tỏ là lúc này tên lừa đảo đã kết nối được với 1 tên đồng bọn khác để phối hợp với nhau, lừa tui khiến cho tui tin tưởng mà giao điện thoại của mình cho hắn. Mất cái điện thoại cả chục triệu và nhận được bài học nhớ đời.

Qua tình huống vừa rồi, những người làm nghề dịch vụ, đặc biệt là tài xế taxi, xe ôm cần nâng cao sự cảnh giác hơn nữa, không nên vội tin tưởng khách qua những cuộc nói chuyện chóng vánh. Bên cạnh đó, cần cẩn trọng khi khách hàng có những hành động nhờ vả như: mượn tiền, mượn điện thoại hay thậm chí là mượn xe, nhờ giữ đồ giùm… tốt nhất nên khéo léo tìm cách từ chối. 

Quý vị đừng quên đón xem Chuyện Cảnh Giác được phát sóng vào lúc 16 giờ 40 phút vào Chủ nhật hằng tuần trên kênh Truyền hình Vĩnh Long 1..


Bình luận

Tin cùng chuyên mục