Do có mong muốn xuất khẩu lao động, nên chị Thảo lên mạng tìm hiểu cách thức làm visa. Thông qua mạng internet, chị Thảo liên hệ với Trang – tự xưng là nhân viên một công ty chuyên làm visa xuất khẩu lao động, có trụ sở tại Nhật. Trang báo mức giá trọn gói làm visa xuất khẩu lao động là 50 triệu đồng – đây là mức giá được xem là thấp hơn so với mặt bằng chung, chính vì vậy chị Thảo đã mượn tiền gia đình để chuyển khoản cho Trang làm thủ tục.
Không lâu sau, chị Thảo nhận được bộ hồ sơ đầy đủ giấy tờ, kể cả visa.
Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó, Trang tiếp tục đưa ra lý do bị trục trặc ở phía lãnh sự quán, nên cần chị Thảo chuyển thêm số tiền 50 triệu đồng để nhờ vả công ty bên nước ngoài đứng ra bảo lãnh.
Chị Thảo rơi vào tình thế khó, bởi trước đó đã đóng số tiền lên đến 80 triệu đồng, nếu giờ không tiếp tục đóng thì coi như mất trắng, nhưng nếu tiếp tục đóng thì tổng tiền đã lên đến hơn trăm triệu đồng. Suy đi tính lại, sau cùng chị Thảo vẫn quyết định đóng thêm 50 triệu đồng. Và đây cũng là lúc kẻ gian lộ mặt, Trang hoàn toàn biến mất không dấu vết.
Giấc mơ đổi đời từ xuất khẩu lao động chưa kịp thành hình thì chị Thảo đã phải ôm nợ vì “mắc bẫy” những kẻ lừa đảo. Người dân cần lưu ý, khi có nhu cầu đi học tập, làm việc ở nước ngoài, cần chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường lao động ngoài nước, tìm hiểu xem quốc gia định đến có chính sách đối với người nhập cảnh trong thời gian đó hay không, thông tin chi tiết như thế nào… Bên cạnh đó, nên liên hệ với những cơ quan chức năng có thẩm quyền để làm visa, hoặc tìm đến những công ty kinh doanh dịch vụ làm visa uy tín, có trụ sở, văn phòng đại diện, chứ không nên làm visa thông qua mạng xã hội. Và khi nhận thấy những cá nhân, đơn vị làm visa có dấu hiệu mập mờ, không rõ ràng cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý và ngăn chặn.