Chuyện cảnh giác
Chuyện Cảnh Giác: Mạo danh Đài Truyền hình tuyển Cộng tác viên
Chắc hẳn nhiều người đã từng nghe qua các chiêu trò lừa đảo như: tuyển cộng tác viên (CTV) mua hàng ảo để tăng số lượng bán ra, tuyển CTV xem video quảng cáo tăng tương tác, tuyển CTV nhấn Like, Share bài đăng… Mục đích của các đối tượng này chủ yếu là đánh vào tâm lý thích “việc nhẹ lương cao” của nhiều người, để từ đó dẫn dụ con mồi sa bẫy.

Và thời gian gần đây, chiêu trò này lại biến tướng xuất hiện trở lại với một hình thức khác, đó là mạo danh nhân viên của các Đài Truyền hình lớn để tuyển dụng CTV xem video. 

Chị N. nhận được cuộc gọi giới thiệu là nhân viên bên Đài truyền hình, đang muốn tuyển cộng tác viên xem video để tăng lượt tương tác. Chị N. vốn nghiện xem ti vi, đặc biệt là chương trình giải trí và phim truyện nên đã đồng ý làm công việc này.

Trưởng nhóm yêu cầu chị N xem các video được đẩy lên trong nhóm, với nhiệm vụ mỗi video xem 1 phút, với thù lao 10 ngàn đồng. Xem đủ 4 video sẽ trả hoa hồng một lần.

Ngày đầu chị N xem hết 12 video, tổng nhận 3 lần chuyển khoản là 120 ngàn đồng, đến cuối ngày trưởng nhóm bảo chị hoàn thành nhiệm vụ tốt, công ty sẽ trả lương theo ngày là 150 ngàn đồng, số tiền nhanh chóng được chuyển vào tài khoản của chị. Như vậy, chỉ việc ngồi ở nhà xem phim mà nhận được 270 ngàn đồng. 

Sang đến ngày thứ hai, chị N xem được 3 cái video thì trưởng nhóm bảo hệ thống báo đỏ phải làm nhiệm vụ, tức là chị phải mua hàng qua app nhưng không phải đặt hàng trực tiếp mà là chuyển tiền vào một tài khoản tổng và tài khoản đó sẽ tự mua hàng. Chị N nghe xong nhắn lại với trưởng nhóm: “Nếu không làm nhiệm vụ này thì sao, vì tôi không có nhu cầu mua hàng”. Trưởng nhóm nhắn lại: “Đây là nhiệm vụ bắt buộc, nếu không tham gia sẽ cắt quyền truy cập vào app”.

Số tiền tối thiểu để làm nhiệm vụ là 500 ngàn, tối đa là 3 triệu/ngày, nếu nộp nhiều tiền thì sẽ nhận nhiều quà và sẽ được xem nhiều video hơn. Chờ mãi không thấy chị N nộp tiền để nhận nhiệm vụ mới, trưởng nhóm liên tục thúc giục. Biết đây là trò lừa, chị N dọa: “Lừa đảo, tôi sẽ báo công an”. Lập tức, tài khoản của chị bị “bay màu” và khóa toàn bộ quyền truy cập.

Người dân cần hết sức cảnh giác với các hình thức kiếm tiền bằng việc xem video, nhấn like, share, mua đơn hàng ảo… Bởi đây là thủ đoạn thường thấy của các đối tượng lừa đảo hiện nay, chỉ vì thích “việc nhẹ lương cao” mà đã có rất nhiều nạn nhân sập bẫy lừa của bọn chúng, thiệt hại oan uổng với số tiền lên đến hàng trục triệu, hàng trăm triệu hay thậm chí có trường hợp còn bị chiếm đoạt lên đến hàng tỷ đồng. 

Thông thường, các đối tượng sẽ sử dụng danh nghĩa của các đơn vị, tổ chức uy tín để câu dụ con mồi, khiến cho nhiều người tin tưởng làm theo.Ban đầu, bọn chúng sẽ chỉ yêu cầu nạn nhân chuyển khoản với số tiền nhỏ nhưng nhận đc thù lao, hoa hồng rất cao, sau đó sẽ tăng dần số tiền lên và nếu ai không kiềm được lòng tham thì sẽ sa vào bẫy lừa. 

Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác với các thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội, cần tìm hiểu cụ thể, xác minh kỹ lưỡng xem đó là do đơn vị / cá nhân nào đứng ra tuyển dụng, nội dung công việc có đúng sự thật hay không. Đồng thời, cần có sự cẩn trọng cao đối với các công việc có tính “việc nhẹ lương cao”. Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, người lao động cần lưu ý một số điều. Thứ nhất, người lao động cần biết rằng vị trí của mình ở phân khúc nào để tìm một công việc tương ứng với trình độ và chuyên môn. Thứ hai, khi tiếp nhận thông tin tuyển dụng một cách dễ dàng, bằng những kênh thông tin không chính thống, người tìm việc cần phải đặt dấu chấm hỏi ngay. Thứ ba, khi người lao động được tuyển dụng thì phải tìm hiểu xem doanh nghiệp đó ở đâu, nguồn gốc như thế nào.

(Hình ảnh trong bài viết là diễn viên tái hiện tình huống, chỉ mang tính minh họa, không phải nhân vật thật)

Quý vị đừng quên đón xem Chuyện Cảnh Giác được phát sóng vào lúc 16 giờ 40 phút vào Chủ nhật hằng tuần trên kênh Truyền hình Vĩnh Long 1.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục