Cùng bàn luận và tìm ra phương pháp hữu ích để giúp trẻ giảm hoặc tránh tình trạng thừa cân béo phì, qua cuộc trò chuyện thú vị giữa Tiến sĩ, Bác sĩ Đào Thị Yến Phi – Nguyên Trưởng bộ môn Dinh dưỡng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM và diễn viên Kỳ Thiên Cảnh, cùng với MC Phụng Yến.
Nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em xuất phát từ chế độ ăn uống và thói quen hằng ngày trong cuộc sống, như:
- Trẻ ăn nạp nhiều năng lượng trong một ngày, trẻ ăn nhiều đồ ngọt, chất béo, ăn vặt thường xuyên
- Trẻ lười ăn rau, bỏ bữa sáng và ăn nhiều vào buổi tối
- Cho trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày
- Trẻ không có đủ khuôn viên và thời gian cho việc vận động
Hậu quả của thừa cân béo phì sẽ khiến trẻ trở nên tự ti với bạn bè, có nguy cơ dẫn đến chứng bệnh trầm cảm. Ngoài ra, với một thân thể nặng nề sẽ gây khó khăn cho trẻ trong quá trình hoạt động, thậm chí có nguy cơ dẫn đến việc dậy thì sớm, và điều này sẽ khiến trẻ bị hạn chế về chiều cao lúc trưởng thành. Đồng thời, béo phì cũng có khả năng gây ra nhiều bệnh lý về mỡ, tiểu đường…
Vấn đề nằm ở chỗ phụ huynh không dễ dàng thay đổi được chế độ ăn uống đã thành thói quen của trẻ. Và bên cạnh đó, trong giai đoạn cơ thể đang phát triển, trẻ béo phì vẫn cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Chính vì vậy, cần có cách điều chỉnh chế độ ăn uống từ từ và hợp lý cho trẻ.
- Khác với người lớn trong việc điều trị béo phì, trẻ không cần phải ngay lập tức giảm cân mà thay vào đó bố mẹ có thể giúp trẻ giữ nguyên cân nặng, nhưng chú trọng hơn việc phát triển chiều cao. Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy điều chỉnh khẩu phần ăn của bé, giảm các loại thực phẩm làm tăng cân nặng và tập trung hơn vào những thực phẩm có tác dụng tăng chiều cao. Không cho trẻ ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên xào, thay vào đó có thể hấp, luộc, cho trẻ ăn ít gia vị và những loại đồ ăn vừa chứa chất béo vừa nhiều đường như bánh ngọt, bánh nướng, khoai tây chiên, xúc xích, kem… Để đảm bảo trẻ vẫn có đủ chất thì bạn có thể thay thế các loại thực phẩm có thành phần dinh dưỡng nhưng ít đường và chất béo hơn như khoai lang, ngô. Có thể cho trẻ ăn nhiều rau xanh, các loại trái cây thực phẩm chứa nhiều chất xơ.
- Bên cạnh đó, cần chú ý đến việc thay đổi khẩu phần ăn của trẻ, phải thực hiện một cách từ từ và hợp lý vì nếu thay đổi chế độ dinh dưỡng quá đột ngột sẽ gây hại cho quá trình phát triển thể chất bình thường của trẻ.
- Trong quá trình thay đổi này, sữa rất cần thiết vì sữa cung cấp các vi chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ như canxi, các vitamin và khoáng chất khác rất tốt cho sự phát triển thể chất của trẻ. Hãy hạn chế các loại sữa béo vì đó là một trong những thủ phạm gây ra chứng béo phì.
- Hãy tăng cường các bữa ăn chính cùng gia đình, hạn chế các bữa ăn vặt để trẻ quen dần với điều này. Hãy cho trẻ ngồi ăn cùng gia đình để trẻ cảm thấy vui vẻ không nhớ về các món ăn vặt.
- Hạn chế không cho trẻ uống nước ngọt có ga, và không ăn tối trước khi đi ngủ; hạn chế cho trẻ đi ăn nhà hàng, thực phẩm đóng gói sẵn; gia đình không nên dự trữ đồ ăn vặt trong nhà.
- Bên cạnh chế độ ăn uống, thì các bậc phụ huynh cũng cần lưu tâm hơn đến việc tập luyện thể dục của trẻ béo phì:
Hãy lên kế hoạch tập thể dục cho trẻ béo phì giảm cân ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu.
– Có thể cho trẻ tập các bài tập vào sáng và chiều.
– Tạo điều kiện cho trẻ tham gia những bộ môn thể thao mà trẻ yêu thích.
– Nên hướng dẫn trẻ tập làm các công việc ở nhà.
– Cho trẻ tập các bài tập với thời lượng hợp lý, không nên ép trẻ tập quá nhiều sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu và không muốn luyện tập cho những lần kế tiếp.
– Không nên bắt trẻ học quá nhiều, tạo điều kiện để trẻ được vui đùa chạy nhảy sau những giờ học căng thẳng.
Quý vị đừng quên đón xem “Bạn khỏe không?” được phát sóng vào lúc 19 giờ 35 phút vào thứ hai hằng tuần trên kênh Truyền hình Vĩnh Long 1.