Đời sống
Bất cập và giải pháp trong lưu trữ, bảo quản thuốc
Tủ thuốc trực tại các khoa lâm sàng vẫn chưa chống ánh sáng, 20% các sự cố sai sót trong gây mê hồi sức liên quan tới dán nhãn ống tiêm...

Tủ thuốc trực chưa chống ánh sáng, sắp xếp thiếu khoa học

Trong khuôn khổ Hội nghị khoa học kỹ thuật lần thứ 30 được tổ chức tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày 16 và 18/10, tại buổi Hội thảo khoa học Dược, thầy thuốc ưu tú – bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Hữu Tùng – Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã nhấn mạnh rằng, đây là lần đầu tiên bệnh viện diễn ra buổi trao đổi về dược học với qui mô lớn để các dược sĩ cùng nhìn lại, báo cáo và trao đổi kinh nghiệm sử dụng dược lâm sàng đối với chuyên khoa nhi.

Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 tại buổi hội thảo. Ảnh: Thanh Huyền.
Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng – Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 tại buổi hội thảo – Ảnh: Thanh Huyền

Tại buổi hội nghị, dược sĩ Nguyễn Thị Thuỳ Dương đến từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã chia sẻ về hoạt động cải tiến tủ thuốc trực tại các khoa lâm sàng tại bệnh viện. Theo dược sĩ Thuỳ Dương, thuốc tiếp xúc với ánh sáng sẽ giảm hiệu quả và sinh ra chất có hại. Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiến hành khảo sát và thấy 90% các khoa lâm sàng chưa bảo quản tủ thuốc trực chống ánh sáng. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng không thống nhất sắp xếp nhãn thuốc, vị trí hộp thuốc nhãn quay lung tung dễ gây nhầm lẫn.

Dược sĩ Thuỳ Dương khuyến cáo các bệnh viện cần tham khảo xây dựng tủ thuốc trực theo từng đặc thù của mỗi khoa lâm sàng. Các đơn vị nên bố trí một mặt bàn khoảng 2m để chuẩn bị thuốc cho 1 khoa có 24 giường, làm như vậy sẽ giúp giảm thiểu được sai sót. Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã rút kinh nghiệm từ ghi nhận thực tế, xây dựng qui trình quản lý tủ thuốc trực, dán kính mờ để ánh sáng không tiếp xúc với thuốc ở tủ thuốc trực.

Thuốc cũng được thống nhất về nhãn, sắp xếp vị trí hợp lý. Không chỉ thế, hộp thuốc bố trí thanh lưu động để phân định thuốc mới và thuốc cũ, thuận tiện hơn cho nhân viên y tế trong việc lựa chọn, tránh được thuốc cận date do bị bỏ quên. Kể từ khi áp dụng qui trình này, bệnh viện giảm được sai sót về sử dụng thuốc cho người bệnh và cải thiện được tinh thần cho nhân viên y tế. 

Đại diện khoa Dược của Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, bảo quản thuốc quan trọng nhất là duy trì nhiệt độ và độ ẩm phù hợp, nhất là trong mùa mưa. Để thực hiện điều này, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã bố trí thêm những máy hút ẩm tại khoa Dược. Bệnh viện đã xây dựng kho lạnh thay cho các tủ lạnh (điều kiện bảo quản từ 2 – 8 độ C) để bảo quản vắc xin. Kho Dược của bệnh viện được trang bị hệ thống cảnh báo tự động nhằm theo dõi nhiệt độ, độ ẩm. Ngoài ra, Khoa Dược còn có những cải tiến mới, ứng dụng phần mềm tự động cảnh báo cho thủ kho khi đăng nhập để biết được thuốc nào cận date hoặc số lượng sắp hết. 

Liên quan tới việc sắp xếp, phân loại thuốc để tránh nhầm lẫn khi sử dụng, dược sĩ Phạm Thị Hà Duyên – Bệnh viện Nhi Đồng 1 lưu ý, đối với gây mê hồi sức, 20% sai sót y khoa xảy ra do dán nhãn ống tiêm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu sai sót trong sử dụng thuốc xảy ra ở trẻ em thì nguy cơ tử vong cao hơn người lớn. Mỗi nhóm thuốc có màu riêng biệt nên dược sĩ Hà Duyên cho rằng nhân viên y tế cần dán nhãn màu thuốc tiêm – truyền để tránh sai sót xảy ra.

Tủ trữ thuốc tại một bệnh viện
Tủ trữ thuốc tại một bệnh viện

Việc ghi nhãn cũng cần tuân theo qui chuẩn riêng biệt (kích thước nhãn, vị trí tên thuốc, vị trí đơn vị nồng độ…) Sau khi chuẩn bị thuốc xong, nhân viên y tế mới dán nhãn ống tiêm, dán làm sao để không che vạch chia thể tích mà vẫn nhìn rõ được tem thuốc (tốt nhất là nên dán ở dưới gốc ống tiêm). Dược sĩ Hà Duyên nhấn mạnh việc sử dụng nhãn tiêm chỉ phân biệt nhóm thuốc (tăng khả năng nhận diện), không dùng cho việc phân biệt thuốc nên nhân viên y tế vẫn cần đọc kỹ nội dung trên nhãn. 

Quản lý dư phẩm thuốc gây nghiện, tâm thần thế nào?

Trong phần thảo luận của hội nghị, rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho các báo cáo viên. Chẳng hạn, một dược sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 thắc mắc rằng nhiều bệnh viện cơ sở vật chất đã cũ, không phải khoa nào cũng có kho lạnh để bảo quản thuốc. Như vậy, có cách nào để đảm bảo về nhiệt độ cũng như độ ẩm cho thuốc không?

Dược sĩ Nguyễn Thị Bích Nga – Trưởng khoa Dược Bệnh viện Nhi Đồng 1 đưa ra giải pháp rằng, đa số các tủ thuốc trực được đặt ở phòng giao ban của các khoa lâm sàng. Ở phòng giao ban thường lắp máy lạnh và có 1 tủ lạnh. Về kiểm soát độ ẩm trong tủ thuốc trực, do thể tích tủ không quá lớn nên các đơn vị có thể dùng vôi hoặc hạt hút ẩm cũng đủ hiệu quả. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, mỗi tủ trực có gắn thiết bị theo dõi nhiệt độ và độ ẩm giá khoảng 2 triệu đồng. Mỗi năm chi phí kiểm định thiết bị này khoảng 500 ngàn đồng. Đây không phải số tiền quá lớn nên hầu hết các bệnh viện có thể áp dụng được.

PGS – TS Phạm Đình Luyến đã hỏi, hiện nay Khoa Dược Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang quản lý bao bì các thuốc gây nghiện, thuốc tâm thần thần như thế nào? Bởi đối với trẻ em, khi sử dụng thuốc rất hay lẻ liều nên vẫn còn dư phẩm. Dược sĩ Nguyễn Thị Bích Nga – Trưởng Khoa Dược Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, trước đây bệnh viện mình làm theo cách ghi chép sổ sách thủ công. Tuy nhiên, hiện nay tất cả đã được theo dõi trên phần mềm quản lý thuốc (có cột trả vỏ, trả dư phẩm). Ví dụ đối với Morphin có dư phẩm, theo qui định không sử dụng hết thì sau 24 giờ phải huỷ bỏ…

Tất cả đều được thống kê rõ ràng trên phần mềm này. Mặc dù vậy, dược sĩ Nga chia sẻ vẫn còn tồn tại một vấn đề. Đó là khi khoa lâm sàng đem trả Morphin dư, khoa Dược làm thế nào để biết đó là Morphin mà không phải là nước pha loãng ra. Hiện nay, khoa dược có theo dõi trên camera và kiểm tra ngẫu nhiên, còn lại đa số vẫn phải dựa trên niềm tin là chính. 

Tại buổi hội thảo, PGS – TS Phạm Đình Luyến – Bộ môn Quản lý dược – Khoa Dược Đại học Y dược TPHCM cảnh báo, theo WHO (tổ chức y tế thế giới) 1 đơn thuốc hợp lý thì chỉ cần 1 – 2 loại thuốc. Thế nhưng hiện nay trên thế giới, ước tính mỗi đơn thuốc trung bình được kê trên 3 loại thuốc. Tại Việt Nam, từ năm 2018 có hơn 200 triệu người được khám/ năm. Tới nay, có gần 300 triệu người được khám/ năm. Qua đó, tương đương có 300 triệu đơn thuốc được kê. Nếu kê đơn không hợp lý sẽ rủi ro cho người bệnh và lạm dụng thuốc bảo hiểm y tế.Thực trạng hiện nay không chỉ với các bệnh nhân lão khoa mà nhi khoa cũng có những bệnh này kết hợp bệnh kia, thế nên khi kê đơn bác sĩ phải cho nhiều loại thuốc. Chính vì vậy dẫn tới nguy cơ tương tác thuốc và những rủi ro ngoài mong muốn cho người bệnh. PGS Phạm Đình Luyến đưa ra giải pháp rằng, các bác sĩ nên có ứng dụng phân tích mạng lưới đồng kê đơn, mạng lưới tương tác thuốc, mạng lưới thuốc và bệnh theo 5 cấp (nhóm giải phẫu, nhóm điều trị, nhóm dược lý, nhóm hoá học và hoạt chất).

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/bat-cap-va-giai-phap-trong-luu-tru-bao-quan-thuoc-a1503469.html


Bình luận

Tin cùng chuyên mục