Đời sống
Đề nghị quy định tỷ lệ lợi nhuận với mặt hàng thuốc
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị quy định biên độ lợi nhuận để doanh nghiệp, nhà phân phối tránh nguy cơ bị quy kết là nâng khống giá.

Góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) tại Quốc hội chiều 23/5, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm, Chủ tịch Hội dược học TP HCM) nói một số quốc gia quy định biên độ lợi nhuận cho phép với các nhà thuốc là 20%.

“Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc học tập kinh nghiệm các nước để quy định cụ thể, tránh trường hợp doanh nghiệp bị oan uổng hoặc không đủ dũng cảm để tiếp tục cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế”, bà Lan nói.

Theo nữ đại biểu TP HCM, hiện nay, nhiều cơ sở y tế, doanh nghiệp, nhà phân phối lo sợ sau mua sắm sẽ bị cơ quan điều tra kết luận “tăng giá so với giá CIF” và bị quy kết “ăn lời quá đáng” (CIF là mức giá được tính tại cầu cảng của nước nhập khẩu). Trong khi đó, câu chuyện cần khắc phục là mua bán lòng vòng qua nhiều tầng nấc trung gian khiến người mua sau cùng phải chịu mức giá rất cao thì dự án Luật Giá sửa đổi “chưa có chế tài”.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) phát biểu chiều 23/5. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Công Long (Thường trực Ủy ban Tư pháp) cho rằng kiểm tra yếu tố hình thành giá rất quan trọng trong quản lý Nhà nước. Việc này phòng ngừa thổi giá và trục lợi của nhà sản xuất, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh hoặc thiên tai.

Dẫn lại vụ việc Việt Á, ông Long nói đây là tiền lệ rất ám ảnh, khi nguyên liệu đầu vào doanh nghiệp nhập chỉ 0,95 USD, nhưng thành phẩm đưa đến CDC tỉnh, thành lên đến 470 USD. Chiêu trò thổi giá, các yếu tố hình thành giá “được ngụy tạo rất tinh vi”.

Theo Điều 31 tại dự thảo, việc kiểm tra yếu tố hình thành giá được thực hiện trong hai trường hợp. Một là giá hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá được kê khai có biên độ bất thường ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội; hai là các trường hợp phục vụ công tác quản lý điều hành theo chỉ đạo cơ quan chức năng.

Vật tư y tế không trong danh mục hàng hóa thiết yếu, tuy nhiên trong quá trình chống dịch, ý nghĩa của mặt hàng này quan trọng không kém thuốc và vaccine. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng rất khó kiểm tra được yếu tố “biến động bất thường ảnh hưởng kinh tế – xã hội”. Nhiều mặt hàng chỉ xuất hiện trong tình trạng dịch bệnh, sự cố, thảm họa, chưa có mặt trên thị trường “thì làm sao có giá tham chiếu”.

Đại biểu Nguyễn Công Long (thường trực Ủy ban Tư pháp) phát biểu chiều 23/5. Ảnh: Media Quốc hội

Vì vậy, đại biểu Long đề nghị cơ quan soạn thảo lấy tiền lệ phòng chống dịch Covid-19 vừa qua để xác định yếu tố hình thành giá đối với tất cả mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch bệnh, trong đó chỉ áp dụng đối với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục