Đời sống
Hủ tiếu sa tế thịt nai ở tiệm gốc Hoa 70 năm tuổi: Nước dùng được chế biến từ hơn 30 nguyên liệu, tô đặc biệt gần 100.000VNĐ nhưng ai ăn cũng “ghiền”
Nước dùng của tô hủ tiếu sa tế nai chính là điểm nhấn khiến món ăn này trở nên đặc biệt hơn cả. Đó là sự kết hợp của hơn 30 nguyên liệu và gia vị khác nhau tạo nên thứ nước dùng sền sệt, beo béo và đậm đà. Trong đó phải kể đến nước cốt dừa, sa tế, đậu phộng, hành, tỏi, sả, ớt, riềng... và các vị thuốc Bắc.

Nếu tìm “Hủ tiếu Tô Ký” trên bản đồ, bạn sẽ thấy tận 3 cửa tiệm cùng có cái tên này đều loanh quanh ở khu Chợ Lớn. Nhưng cũng đừng vì thế mà hoang mang sợ ăn phải hàng “nhái” bởi lẽ cả 3 tiệm đều là anh em với nhau, được truyền nghề đến nay đã 3 đời. 

Nhắc đến hủ tiếu có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến hủ tiếu Nam Vang đã quá quen thuộc ở Sài Gòn. Thế nhưng hủ tiếu sa tế nai lại là một phiên bản hoàn toàn khác, khác từ sợi hủ tiếu cho đến nước dùng hay các nguyên liệu ăn kèm. Cũng chính sự khác biệt đó lại mang đến một món ăn vừa ngon vừa lạ mà ai ăn rồi cũng cảm thấy gật gù thích thú.

Hủ tiếu sa tế thịt nai ở tiệm gốc Hoa hơn 70 năm tuổi: Nước dùng được làm từ 30 loại nguyên liệu, tô đặc biệt tận 85.000VNĐ nhưng ai ăn rồi cũng "ghiền" - Ảnh 1.
Tiệm hủ tiếu Tô Ký ở khu Chợ Lớn.

Hủ tiếu sa tế nai và kiểu nước dùng “sền sệt” được chế biến từ hơn 30 loại nguyên liệu và gia vị

Cả 3 tiệm hủ tiếu Tô Ký ở khu Chợ Lớn đều được được ông Tô Cẩm, người Triều Châu truyền đời lại. Ông Tô Cẩm gây dựng tiệm hủ tiếu từ những năm 1940 và cho đến nay, món hủ tiếu gia truyền của gia đình đã được truyền đến đời thứ 3. Cả 3 cửa tiệm về cơ bản công thức đều giống nhau, tuy nhiên sự gia giảm ở mỗi nơi có thể khác nhau đôi chút.

Hủ tiếu sa tế kiểu người Hoa với phần nước dùng được làm từ hơn 30 loại nguyên liệu khác nhau. 

Nước dùng của hủ tiếu sa tế chính là điểm nhấn khiến món ăn này trở nên đặc biệt hơn cả. Đó là sự kết hợp của hơn 30 nguyên liệu và gia vị khác nhau tạo nên thứ nước dùng sền sệt, beo béo và đậm đà. Trong đó phải kể đến nước cốt dừa, sa tế, đậu phộng, hành, tỏi, sả, ớt, riềng, ngũ vị hương… và các vị thuốc Bắc. 

Bột sa tế, linh hồn làm nên món nước dùng của món hủ tiếu sa tế.

Sợi hủ tiếu ở đây cũng khác với hủ tiếu Nam Vang. Nếu như hủ tiếu Nam Vang là sợi hủ tiếu khô, có độ dai thì ở món này người ta dùng loại sợi hủ tiếu tươi mềm, ăn khá giống bánh phở ngoài miền Bắc. Sợi hủ tiếu mềm kết hợp cùng nước dùng sền sệt lại hợp vô cùng.

Để món hủ tiếu sa tế có độ ngon trọn vẹn thì nồi nước dùng lúc nào cũng phải sôi sùng sục, chiếc tô trước khi mang ra cho khách cũng được tráng nước sôi để giúp giữ nóng lâu hơn. Mọi thứ đều được làm cầu kỳ, kỹ lưỡng, góp phần khiến cho tô hủ tiếu sa tế trở nên đặc biệt hơn.

Các nguyên liệu như thịt nai hay những loại rau ăn kèm đều là đồ tươi ngon mỗi ngày.

Ở tiệm hủ tiếu Tô Ký nằm trên đường Gò Công, Quận 5, chị Ong Thị Huệ Dung là người nối nghiệp và giữ nghề. Chị Dung cho biết buổi tối chị bán, còn buổi sáng là người chị gái làm. Đến nay chị Dung cũng đã gắn bó với nghề cũng được gần 30 năm.

Hủ tiếu sa tế là món có thể ăn vào bữa sáng, trưa hay tối đều được vì thế là tiệm hủ tiếu nhà chị Dung cũng mở cửa gần như cả ngày để phục vụ khách. Nhờ bởi hương vị độc đáo nhưng lại rất dễ ăn nên cửa tiệm lúc nào cũng đông khách ghé ăn. Từ khách người gốc Hoa ở khu Chợ Lớn cho đến những vị khách ở các quận khác cũng lặn lội đến đây để được ăn món hủ tiếu sa tế thơm ngon.

Chị Dung chia sẻ, những lúc rảnh rỗi 2 con của chị cũng phụ chị bán hủ tiếu. Chị cũng mong rằng sau này nếu con muốn thì chị cũng sẽ truyền lại nghề lại để giữ gìn cửa tiệm đã gắn bó với gia đình suốt mấy chục năm qua.

Chị Ong Thị Huệ Dung, là đời thứ 3 tiếp quản tiệm Tô Ký.

Nguồn: https://afamily.vn/hu-tieu-sa-te-thit-nai-o-tiem-goc-hoa-70-nam-tuoi-nuoc-dung-duoc-che-bien-tu-hon-30-nguyen-lieu-to-dac-biet-gan-100000vnd-nhung-ai-an-cung-ghien-20240512163245827.chn


Bình luận

Tin cùng chuyên mục