Đời sống
Không dám đi bước nữa vì chưa có nhà
Sau 3 năm ly hôn, cứ ngỡ trái tim sẽ “nghỉ ngơi” một thời gian dài thì tôi gặp cô ấy. Vợ tương lai không ngừng hối thúc tôi chuyện kết hôn.
Ành minh họa
Tôi cần giải ra bài toán kinh tế trước khi đi bước nữa (ảnh minh họa)

Cô ấy là em gái người bạn học của tôi. Một lần tôi gọi hỏi thăm bạn thì cô ấy bắt máy. Khi đó, bạn tôi đang điều trị trong bệnh viện, và cô em gái ở cạnh chăm sóc chị.

Qua vài lần tôi gọi để hỏi thăm tình hình sức khỏe của bạn, cô ấy chủ động kết bạn với tôi trên mạng xã hội, từ đó chúng tôi thành bạn bè.

Thì ra, cô ấy cũng dang dở một lần như tôi, có một bé bằng tuổi con tôi. Cùng hoàn cảnh, càng dễ trải lòng với nhau. Sau những cuộc gọi dài, chúng tôi nhận ra cần có nhau.

Sau mùa dịch, tôi bay ra Đà Nẵng để gặp cô ấy. Sau lần đầu chạm mặt, chúng tôi đã hút vào nhau như chẳng thể tách rời. Tôi đã có chút so sánh và nhận ra, ngay cả với vợ trước, thuở ban đầu của chúng tôi cũng không nồng nàn đến như vậy. Có lẽ đây mới chính là một nửa của mình chăng?

Sau đó tôi trở lại với đời sống thường nhật, nhưng công việc mỗi lúc càng khó khăn. Vợ cũ của tôi nhận nuôi con, nhưng cô ấy cũng thất nghiệp nên về quê, gửi bé lại cho tôi để tiện việc học hành của con. Có con nhỏ, ít nhiều cản trở công việc của tôi vì vẫn phải đưa đón con đúng giờ.

Vợ tương lai của tôi không ngừng hối thúc chuyện kết hôn. Chúng tôi cũng tính với nhau, sau khi lấy nhau, mẹ con cô ấy sẽ vào sống cùng tôi tại TPHCM. Điều đó hiển nhiên vì chẳng ai muốn yêu nhau mà mỗi người mỗi nơi. Nhưng hiện tôi vẫn chưa mua được nhà nên đang ở trọ. Việc tôi cân nhắc chính là bài toán về kinh tế. Nếu cô ấy vào đây, với chuyên môn hiện có của cô ấy thì rất khó tìm công việc ổn định. 

Tôi làm trong lĩnh vực bất động sản, hiện thu nhập tạm đủ để trang trải cho con tôi, con cô ấy, và đứa con chung của chúng tôi ra đời sau này. Nhưng liệu điều ấy có bền vững? Vì sẽ có lúc thu nhập của tôi bấp bênh. Dù tôi lo đủ cho cả gia đình, tôi vẫn muốn cô ấy có công việc riêng, thu nhập có thể thấp thôi, nhưng cần có để chủ động tài chính, nhất là với đứa con riêng của cô ấy.

Dù yêu và muốn đón cô ấy vào càng sớm càng tốt, nhưng với trải nghiệm một lần dang dở của mình, tôi biết cần phải có nền móng vững vàng, cuộc hôn nhân mới có thể bền chặt. Hơn nữa, lập gia đình lần 2, tôi càng phải cẩn trọng, vì chẳng thể để con tim vụn vỡ thêm lần nào nữa.

Nói đâu xa xôi, chỉ cần nghĩ đến cảnh cô ấy bầu bì, ở nhà chăm 2 con, nấu ăn chờ chồng về mà lỡ tôi không về kịp, chắc chắn cô ấy sẽ mặt nặng mặt nhẹ, không khí gia đình ngột ngạt ngay. Một thân một mình đến thành phố này, cô ấy không có cha mẹ ở gần hay bạn bè để qua lại, tất cả sẽ dựa vào mình tôi. Cuộc sống càng dễ rơi vào bí bách.

Tôi cũng đã tính xem thu nhập chừng bao nhiêu mỗi tháng để đảm bảo kinh tế không ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Bài toán nhẩm tính của tôi lên tới trên 40 triệu đồng mỗi tháng. Tiền học của con gái tôi gần 10 triệu đồng, đón con cô ấy vào, chẳng thể để bé học trường kém hơn được, rồi thì đứa trẻ con chung của chúng tôi sẽ chào đời, tiền nhà trọ… đủ thứ chi tiêu.

Kết quả bài toán khiến tôi chần chừ mãi. Vài người thân bảo tôi từ từ, thời buổi đang khó khăn, sao lại tự gây áp lực? Đợi tình hình kinh tế chung ổn định hơn, khi đó thu nhập cũng tốt hơn lên rồi tính.

Nhưng đợi đến khi nào? Công việc của tôi gặp khó từ mùa dịch, đến tận bây giờ. Không phải riêng tôi, mà chung quanh đều khó khăn vậy, thậm chí có được mức thu nhập hiện tại của tôi cũng là mơ ước của biết bao người rồi.

Có người khuyên tôi đợi đến khi mua được căn hộ chung cư, cũ cũng được, miễn là có chỗ ở để không oằn thêm lưng lo tiền thuê nhà mỗi tháng…Nhưng vợ tương lai không ngừng hối thúc, cô ấy giận dỗi bảo rằng tôi chỉ muốn qua đường… Cô ấy cũng nói sẽ cùng tôi xây những viên gạch đầu tiên cho mái ấm hạnh phúc, cùng đồng hành với tôi chứ không đòi hỏi gì. Vậy cớ gì tôi lo những chuyện còn xa xôi?

Tôi rối bời quá, có phải tôi đã lo quá xa như cô ấy nói không?  

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/khong-dam-di-buoc-nua-vi-chua-co-nha-a1503294.html


Bình luận

Tin cùng chuyên mục