Trước đó, top 60 thí sinh đã gửi video về ban tổ chức, mang đến những góc nhìn đa chiều khi chia sẻ về chủ đề “Nữ quyền”. Sau đó, các cô gái bước vào vòng thi trực tiếp với hai chặng đầy thử thách.
Vòng 1 Người đẹp Hùng biện diễn ra vào sáng 13.12, mỗi thí sinh có 1 phút để bộc lộ quan điểm, chia sẻ về ước mơ, khát vọng và suy nghĩ trước ban giám khảo. Kết quả, 20 thí sinh xuất sắc nhất được chọn bước tiếp vào vòng 2 diễn ra ngày 14/12.
Đây là sân chơi trí tuệ dành cho các thí sinh thể hiện khả năng thuyết trình, tư duy và bản lĩnh, đồng thời chia sẻ quan điểm về những vấn đề xã hội cùng những câu chuyện cá nhân đầy cảm hứng.
Vòng thi Người đẹp Hùng biện Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024 có sự góp mặt của: Thạc sĩ Phạm Kim Dung – Trưởng ban tổ chức, Hoa hậu Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên – Thành viên BGK, Hoa hậu Lê Nguyễn Bảo Ngọc – Thành viên BGK, Á hậu Phạm Ngọc Phương Anh – Thành viên BGK, NSƯT NTK Đức Hùng – Thành viên BGK, MC Nhà báo Tấn Tài – Thành viên Ban cố vấn. Nam vương Tuấn Ngọc phụ trách vai trò dẫn chương trình.
Góc nhìn đa chiều về xã hội tại phần thi Người đẹp Hùng Biện
Tại vòng 2 phần thi Người đẹp Hùng biện, Top 20 thí sinh được phân nhóm theo ba chủ đề: Gia đình và giáo dục, Kinh tế xã hội, và Môi trường. Mỗi thí sinh bốc thăm một hashtag đại diện cho vấn đề họ sẽ trình bày trong thời gian quy định. Đây là cơ hội để họ thể hiện khả năng giao tiếp, lập luận chặt chẽ, và sự nhanh nhạy trong việc xử lý câu hỏi khó từ ban giám khảo.
Từ những vấn đề gần gũi như áp lực đồng trang lứa, bạo lực học đường đến những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo, các cô gái đều thể hiện sự am hiểu và quan tâm sâu sắc.
Lê Hoàng Thu Anh (SBD:31, Hà Nội), hiện đang là Giảng viên – Thạc sĩ Đại học Ngoại ngữ – Đại học Hà Nội, đã nêu quan điểm về vai trò giới đã có nhiều thay đổi khi nhận được câu hỏi về trách nhiệm nội trợ. Cô cho rằng trách nhiệm nội trợ là yếu tố đầu tiên trong “Công dung ngôn hạnh”. Nhưng hiện nay, trách nhiệm này không nên bị áp đặt mà nên được tự nguyện và lựa chọn. Phụ nữ hiện đại còn có sự nghiệp riêng, tự do quyết định và xây dựng tương lai, trong khi vẫn giữ được giá trị truyền thống của gia đình.
Ở phần chủ đề Kinh tế – xã hội, Trần Lê Huyền My (SBD: 49, Lâm Đồng), đã nhấn mạnh rằng xã hội hiện nay thường đặt ra những kỳ vọng lớn về thái độ, bằng cấp, và đặc biệt là áp lực từ đồng trang lứa và mạng xã hội hào nhoáng. Tuy nhiên, cô cho rằng điều quan trọng là mỗi người cần nhận thức và tin tưởng vào giá trị bản thân, tự định vị mình và không mải mê chạy theo những xu hướng, vì chính điều đó sẽ giúp họ tạo dựng được sự khác biệt.
Ở phần chủ đề môi trường đòi hỏi kiến thức, Nguyễn Thị Thảo Trang (SBD:27, Điện Biên) đã chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề đô thị hóa. Cô đưa ra quan điểm tích cực rằng đô thị hóa không chỉ mang lại nhiều lợi ích, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, mà còn là cơ hội để nâng cao ý thức cộng đồng, giúp mọi người cùng nhau chung tay bảo vệ và gìn giữ môi trường sống bền vững.
Những “cỗ máy nói” tại Hoa Hậu Quốc Gia Việt Nam
Sau vòng thi đầu tiên, 10 thí sinh xuất sắc nhất đã được lựa chọn để tiếp tục vào vòng trong. Vòng loại tiếp theo đầy kịch tính với lựa chọn trả lời câu hỏi song ngữ trong 3 phút hoặc đơn ngữ trong 1 phút 30 giây. Câu hỏi về vai trò của mạng xã hội, sự cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, hay vẻ đẹp hiện đại đã mang đến cơ hội để các thí sinh thể hiện bản lĩnh và trí tuệ.
Phan Lê Kim Ngọc (SBD:651) và Nguyễn Ngọc Kiều Duy (SBD:652), hai thí sinh đại diện Cần Thơ từng đạt danh hiệu Hoa khôi, đã mạnh dạn lựa chọn trả lời song ngữ xuất sắc.
Kim Ngọc nhận câu hỏi từ nhà báo Tấn Tài về câu tục ngữ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Cô cho rằng phụ nữ hiện đại không cần phải chọn giữa ngoại hình và trí thức. “Tại sao phải chọn tốt gỗ hơn tốt nước sơn khi chúng ta có thể có cả hai?”, Kim Ngọc chia sẻ. Cô khẳng định quan điểm rằng phụ nữ hiện đại có thể thành công trên cả hai phương diện mà không cần phải từ bỏ điều gì.
Nguyễn Ngọc Kiều Duy nhận câu hỏi từ NSƯT NTK Đức Hùng về việc chọn một nghề hay nhiều nghề. Cô cho rằng trong xã hội ngày nay, không chỉ bằng cấp mà còn kỹ năng sống thực tiễn mới quyết định thành công. Với sự tự tin, cô nhấn mạnh rằng sự đa năng và phát triển bản thân toàn diện sẽ mang đến nhiều cơ hội trong xã hội hiện đại.
Thạc sĩ Phạm Kim Dung chia sẻ trước khi công bố top 4: “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi đứng trước màn hình livestream, cùng với các giám khảo, và chứng kiến các thí sinh vẫn thể hiện sự tự tin, dũng cảm trong việc chia sẻ những suy nghĩ của mình trong thời gian ngắn ngủi. Dù rất đau lòng khi phải đưa ra quyết định, nhưng đó là quy luật của cuộc thi, và mỗi thí sinh đều xứng đáng.”
Nhà Báo – MC Tấn Tài, thành viên ban cố vấn, cũng đánh giá cao chất lượng các thí sinh năm nay. Theo anh, những tiêu chí quan trọng cho thí sinh vào Top 4 là sự bình tĩnh, tự tin và khả năng sử dụng nguồn năng lượng mạnh mẽ nhất trong cuộc thi.
Màn ứng xử sớm của Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024
Sau vòng thi căng thẳng, Top 4 xuất sắc nhất đã được lựa chọn để bước vào vòng thi cuối cùng. Các thí sinh vẫn được lựa chọn đơn và song ngữ nhưng cả 4 cô gái sẽ nhận được một câu hỏi duy nhất và trả lời lần lượt. Trong lúc thí sinh đầu tiên trả lời thì các thí sinh còn lại sẽ được vào phòng chờ để đảm bảo tính công bằng. Câu hỏi chung cho Top 4 như sau: “Theo bạn, ngoài nhan sắc ra, những yếu tố cộng thêm để có thể lan tỏa nhan sắc này là gì?”
Trần Lê Huyền My (SBD:49, Lâm Đồng), hiện đang theo học thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Dù là lần đầu tham gia cuộc thi sắc đẹp, cô đã thể hiện khả năng thuyết trình song ngữ xuất sắc, trả lời các câu hỏi với sự bình tĩnh và tự tin, nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả.
Khi chia sẻ về tiêu chuẩn cái đẹp, Huyền My cho rằng mỗi người có một quan điểm khác nhau, nhưng có một vẻ đẹp không thể phủ nhận đó chính là vẻ đẹp được yêu quý. Cô nhấn mạnh rằng vẻ đẹp này đến từ trái tim yêu thương, sự tự tin, bản lĩnh, trí thức và khả năng giao tiếp. Tất cả những yếu tố này cùng kết hợp tạo nên sự hấp dẫn thực sự.
Trong khi đó, Quản Trần Gia Hân (SBD:60, Đồng Nai) cũng chia sẻ quan điểm của mình về vẻ đẹp. Cô cho rằng nhan sắc là món quà tuyệt vời mà cha mẹ ban tặng, nhưng trí thức và cống hiến mới là những yếu tố giúp lan tỏa vẻ đẹp. Nếu chúng ta vận hành cả ba yếu tố này với trái tim yêu thương, thì sẽ mang lại giá trị cho xã hội. Cô cũng nhấn mạnh quan điểm rằng ngày nay, phụ nữ không chỉ sở hữu nhan sắc mà còn có thể phát triển trí thức để trở thành người đẹp toàn diện.
Á hậu Phương Anh và Hoa hậu Bảo Ngọc, với tư cách ban giám khảo, đều đánh giá cao các câu trả lời của các thí sinh. Cả hai cho rằng các thí sinh đều có cách trình bày riêng, nhưng vẫn đúng trọng tâm và đầy thuyết phục.
Tuy nhiên ở phần này, hai thí sinh đến từ Cần Thơ mặc dù vẫn lựa chọn trả lời song ngữ tuy nhiên vẫn chưa đủ thuyết phục Ban giám khảo ở câu hỏi Top 4. Vì vậy, Trần Lê Huyền My (SBD:49, Lâm Đồng) và Quản Trần Gia Hân (SBD:60, Đồng Nai) đã xuất sắc vào Top 2 chung cuộc.
Quản Trần Gia Hân và Trần Lê Huyền My – Ai sẽ giành suất đầu tiên vào Top 30 với chiến thắng “Người đẹp Hùng biện”
Câu hỏi tranh biện trong cuộc thi năm nay gây chú ý với chủ đề “Làm thiện nguyện – im lặng hay truyền thông?”, một vấn đề thực tế và rất đáng suy ngẫm.
Trần Lê Huyền My, với lá thăm “từ thiện im lặng”, cho rằng hoạt động thiện nguyện nên xuất phát từ cái tâm và không cần sự phô trương. Ngược lại, Quản Trần Gia Hân lại chọn lá thăm “từ thiện truyền thông”, cho rằng truyền thông có thể lan tỏa tấm lòng từ thiện rộng rãi và đến với nhiều người hơn, tạo ra những cơ hội lớn cho cộng đồng.
Mặc dù có sự khác biệt trong quan điểm, cả Huyền My và Gia Hân đều thể hiện màn tranh biện xuất sắc, với những lập luận thuyết phục và chặt chẽ. Cuối cùng, chiến thắng trong cuộc thi Người đẹp Hùng biện đã gọi tên Quản Trần Gia Hân, người đã khéo léo kết hợp giữa lý trí và cảm xúc, mang lại một màn thuyết trình ấn tượng và sâu sắc.
Các màn tranh luận và thuyết trình không chỉ phản ánh những nhận thức sâu sắc mà còn mang đến những cảm xúc chân thật, qua từng câu chuyện cá nhân đầy cảm hứng. Vòng thi Người đẹp Hùng biện là cơ hội đầu tiên để các thí sinh rèn luyện và chuẩn bị tinh thần vững vàng cho đêm chung kết, nơi họ sẽ đối diện với những thử thách ứng xử và tranh biện quyết liệt để giành lấy ngôi vị cao nhất.
Với format mới, Hoa hậu Quốc gia Việt Nam đã tạo ra một sân chơi đầy giá trị, không chỉ giúp các thí sinh phát triển tư duy, bản lĩnh mà còn khẳng định tinh thần học hỏi, sáng tạo, và gắn kết chặt chẽ với các giá trị truyền thống của dân tộc.