Phim
‘Bảo hộ’ phim Việt
Nhân phim Việt đang "làm mưa làm gió" tại các hệ thống rạp với Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh (doanh thu hiện đã hơn 216 tỉ đồng), vấn đề cạnh tranh công bằng trong tỷ lệ suất chiếu phim tại rạp theo quy định bắt buộc của luật Điện ảnh mới (hiệu lực từ đầu năm nay) được nhìn nhận lại song song với sự cần thiết và hiệu quả của việc "bảo hộ" phim Việt.

Hiện Nghị định 131/2022/NĐ-CP (hiệu lực thi hành từ 1.1.2023) quy định chi tiết một số điều của luật Điện ảnh có điều khoản về tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam trong hệ thống rạp chiếu phim trên toàn quốc. Theo đó, ở điều 9 ghi rõ: “Tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam trong hệ thống rạp chiếu được thực hiện theo lộ trình sau: Giai đoạn 1: Từ ngày 1.1.2023 đến hết ngày 31.12.2025 phải bảo đảm đạt ít nhất 15% tổng số suất chiếu trong năm; Giai đoạn 2: Từ ngày 1.1.2026 trở đi, bảo đảm đạt ít nhất 20% tổng số suất chiếu trong năm”. Đặc biệt, phim Việt Nam chiếu tại rạp phải được ưu tiên chiếu vào khung thời gian từ 18 giờ đến 22 giờ, tức là khung giờ vàng.

Tỷ lệ suất chiếu được “bảo hộ” chưa thỏa chủ rạp lẫn nhà làm phim

Thực tế hiện nay, khi có phim Việt thu hút khán giả thì rạp sẽ sắp xếp suất chiếu nhiều, ngay cả bom tấn ngoại thì suất chiếu cũng không bằng (và ngược lại). Chẳng hạn với Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh của đạo diễn Lý Hải chiếu dịp lễ 30.4 – 1.5 vừa qua, phim được các rạp trên toàn quốc ưu ái đến hơn 4.600 suất chiếu mỗi ngày, kéo dài suốt gần 10 ngày. Phim Con Nhót mót chồng của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng với diễn xuất của Thu Trang – Thái Hòa chiếu cùng thời điểm mà lễ cũng được sắp xếp tới 3.600 suất chiếu (nhưng hiện tại phim này đang bị cắt chỉ còn 900 suất chiếu, dù vẫn có khán giả đón xem, với doanh thu 65 tỉ đồng). Trong khi đó, các phim ngoại hot khác như Trạm tàu ma, Tình người duyên ma ngoại truyện, Mèo siêu quậy ở viện bảo tàng, Ngục tối và rồng: Danh dự của kẻ trộm… chỉ được sắp xếp từ 200 – 300 suất chiếu mỗi ngày, thậm chí có phim ngoại khác còn ít suất chiếu hơn rất nhiều. Khi Vệ binh dải ngân hà 3 chiếu rạp từ 5.5, các rạp mới dành hơn 1.700 suất chiếu cho bom tấn Marvel của Hollywood này, và giảm chút ít suất chiếu phim Việt nhưng vẫn còn rất cao, như Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh hiện vẫn đang có tổng cộng khoảng 3.200 suất chiếu mỗi ngày.

'Bảo hộ' phim Việt - Ảnh 1.
Đoàn phim Con Nhót mót chồng giao lưu tại rạp

Với quy định tỷ lệ suất chiếu phim Việt tại rạp như luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 và Nghị định 131/2022/NĐ-CP đưa ra, nhiều ý kiến trong giới làm phim lẫn chủ rạp đều còn nhiều băn khoăn, chưa thỏa mãn. Về phía các nhà rạp, ông Nguyễn Sơn, đại diện cụm rạp Cinestar, cho biết: “Rạp chúng tôi luôn mong muốn góp phần phát triển điện ảnh nước nhà, nhưng lợi nhuận doanh nghiệp cũng là vấn đề sống còn. Việc quy định tỷ lệ 20% tổng suất chiếu trong năm với phim Việt phải tùy thuộc số lượng phim ra rạp của năm đó. Dù luôn ủng hộ phim Việt nhưng có những phim Việt chúng tôi mở suất chiếu ra mà không có khách xem, nên buộc lòng phải cắt suất để ưu tiên cho phim khác. Với những năm có phim Việt hot thu hút khán giả, chúng tôi mới đảm bảo được tỷ lệ này”. Đại diện rạp CGV cũng nói: “Nếu phim Việt dở quá thì làm sao bắt buộc chiếu nhiều suất mà rạp trống, không có khán giả được. Còn khi có phim đặc sắc như Bố già, Nhà bà Nữ, Hai Phượng, Lật mặt 6… thì rõ ràng không cần ép buộc, chúng tôi vẫn sắp xếp lịch chiếu dày đặc vào các ngày, áp đảo các phim ngoại khác, nâng doanh thu phim Việt lên tới kỷ lục 475 tỉ đồng như trường hợp Nhà bà Nữ”.

Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất phim và đạo diễn cũng không đồng tình mức 15 – 20% tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam trong hệ thống rạp, và lo sợ việc quy định này sẽ là “cái cớ” để chủ rạp ép các phim không quá hot, cho rằng rạp không sai luật khi đã cho chiếu tỷ lệ 15 – 20%; và giới làm phim nói rằng mức đó là rất thấp để phim thu hồi đủ vốn chứ chưa nói có lãi. Nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan, đại diện Hãng HK Film, muốn tăng tỷ lệ phần trăm này lên cao hơn, khi phân tích: “Trung bình mỗi ngày tất cả rạp chiếu có khoảng 8.000 suất chiếu. Nếu lấy mốc từ 15 – 20% tức là các phim Việt chỉ có khoảng 1.500 suất chiếu. Mỗi năm hiện có 30 – 40 phim Việt ra rạp, trong thời gian tới có thể lên 50 phim, trung bình mỗi phim chỉ chiếu từ 10 ngày đến hai tuần và nếu mỗi ngày phim Việt chiếu 2.000 suất, khả năng thu hồi vốn dường như không có, phải 3.000 – 4.000 suất/ngày mới đủ vốn. Vì thế, con số 15 – 20% đang rất thấp, dưới mức cần có”.

'Bảo hộ' phim Việt - Ảnh 2.
Một suất chiếu kín rạp của phim Lật mặt 6

Bài toán nào giúp việc “bảo hộ” phim Việt đạt hiệu quả ?

Có thể thấy, việc Chính phủ và luật Điện ảnh Việt Nam quy định tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam bắt buộc trong hệ thống rạp chiếu phim trên toàn quốc là hướng đi đúng đắn, nhằm giúp phim Việt có “chỗ đứng”, không quá bị chèn ép so với số lượng phim ngoại đang dày đặc chiếu ở rạp hiện nay, và cũng là để có được sự cạnh tranh tối thiểu ở mức công bằng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là các đạo diễn, nhà làm phim Việt phải nâng cao chất lượng phim làm ra, vì phim có hay thì mới có khán giả, chính sách “bảo hộ” phim Việt của nhà nước mới hiệu quả.

Hiện tại, có tới hơn 80% thị phần cụm rạp chiếu phim ở Việt Nam thuộc về công ty nước ngoài như CJ CGV (nắm 51% thị phần với 81 rạp với 475 phòng chiếu phim tại 30 tỉnh, thành), Lotte (chiếm khoảng 30% thị phần với hơn 42 rạp trên toàn quốc)…, chỉ có một ít thị phần nhỏ là các công ty Việt Nam (Mega GS, BHD, Galaxy lần lượt có 2, 10 và 19 rạp trên toàn quốc) và nhỏ lẻ vài ba rạp quốc doanh thuộc hệ thống rạp chiếu của nhà nước. Vì thế, để thực thi được tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam bắt buộc tại rạp, có lẽ còn phụ thuộc vào quy luật thị trường, sản phẩm tốt, phù hợp nhu cầu khán giả, phim Việt mới có vị trí, suất chiếu nhiều để trụ rạp như mong muốn.

Thế nhưng, nhà sản xuất K.N nêu ý kiến: “Khi chủ rạp, nhà phát hành phim chiếm một thị phần quá lớn, họ có quyền chi phối thói quen, sở thích, thị hiếu và phim nào ra rạp ở Việt Nam. Nếu không có cách thức phù hợp và cứng rắn thì phim Việt sẽ bị lép vế ngay trên chính thị trường của mình, khó tránh khỏi sự cạnh tranh khốc liệt của phim nhập ngoại do sự phân bổ lịch chiếu bất lợi”. Thực tế đã từng có nhiều đơn vị sản xuất phim Việt cho rằng việc xếp lịch chiếu không cân xứng giữa phim ngoại và phim nội khiến phim Việt vắng khách, bị “đá văng” ra khỏi rạp và doanh thu phim Việt bị sụt giảm nghiêm trọng. Vậy nên, chính sách “bảo hộ” phim nội vẫn vô cùng cần thiết cho một nền điện ảnh còn non trẻ, đang bước đầu phát triển như Việt Nam, bên cạnh việc phải có chiến lược thay đổi, nâng tầm từ những cái cơ bản nhất trong đầu tư cho điện ảnh Việt.

Nhìn sang các nước, có thể thấy cách họ “bảo hộ” khiến điện ảnh nội địa có điều kiện phát triển mà điện ảnh Việt có thể học hỏi. Chính phủ nhiều nước đã có những chính sách bảo hộ đặc biệt với nhiều ưu đãi cho điện ảnh. Trung Quốc đã từng yêu cầu các rạp phim chấp hành chính sách hỗ trợ phim nội địa, quy định rõ lượng thời gian chiếu phim quốc nội không được ít hơn 2/3 tổng lượng thời gian chiếu phim của rạp trong một năm, dành thời điểm cụ thể trong năm chỉ chiếu phim nội, thành lập quỹ ngân sách đặc biệt hỗ trợ các nhà làm phim… Chính phủ Hàn Quốc quy định hạn ngạch (quota) bảo vệ gần như tuyệt đối cho điện ảnh nội địa phát triển, trong đó quy định tỷ lệ suất chiếu phim nội phải nhiều hơn phim nhập tại các rạp chiếu phim, đồng thời giám sát chặt chẽ việc nhập phim, bên cạnh việc giảm thuế và các chi phí hỗ trợ, khuyến khích các tập đoàn kinh tế đầu tư kinh phí sản xuất cho phim nội địa… giúp điện ảnh Hàn Quốc có những “bước nhảy thần kỳ” đáng học hỏi. 


Bình luận

Tin cùng chuyên mục