Phim
‘Delhi Crime’ lật lại vụ cưỡng bức nữ sinh rúng động Ấn Độ
Loạt phim dựng lại cuộc điều tra vụ án gây sốc ở Delhi năm 2012, phơi bày góc khuất luật pháp, xã hội nước này.
Delhi Crime gồm bảy tập, do Richie Mehta đạo diễn. Trên chuyến xe buýt cùng bạn trai về nhà, nữ sinh 22 tuổi Jyoti Singh Pandey bị sáu gã đàn ông cưỡng bức, tra tấn, qua đời hai tuần sau. Sự việc làm dấy lên làn sóng phản đối tình trạng bạo lực với phụ nữ, thói trọng nam khinh nữ của xã hội và sự tắc trách của chính quyền Ấn Độ. Dựa trên nhiều tài liệu, Richie Mehta tập trung khai thác nhân vật phó ủy viên cảnh sát Vartika Chaturvedi (Shefali Shah) – người nhận trọng trách phá án.

Delhi Crime gây sốc ngay từ tập một với cảnh hai nhân vật khỏa thân, người đầy máu nằm dưới mương. Cô gái sau đó được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Cảnh sát chỉ biết họ đã bị tấn công trên xe buýt. Nạn nhân nam bị đánh còn bạn anh bị xâm hại, tổn thương nghiêm trọng.

Đau đớn trước những gì chứng kiến, Vartika Chaturvedi quyết tâm nhận vụ án, thực thi công lý. Bảy tập là hành trình lắp ghép các manh mối, lần ra từng tên tội phạm, lùng bắt và đưa chúng ra tòa. Cảnh sát đến hiện trường, tìm kiếm các vết máu và lấy lời khai nhân chứng. Dư luận ngày càng phẫn nộ còn cô gái ngày càng yếu sức.

Không chỉ nói về nghiệp vụ phá án của cảnh sát, Delhi Crime còn là bức tranh thu nhỏ về xã hội Ấn Độ với những mặt tối, sáng. Có mẫu công chức mẫn cán như Vartika – sẵn sàng chịu trách nhiệm trước dư luận và làm việc không ngừng nghỉ vì công lý. Bên cạnh đó, những nữ cảnh sát thực tập như Neeti (Rasika Dugal) đại diện cho thế hệ phụ nữ nghèo cố gắng vươn lên để có cuộc sống tốt hơn thay vì an phận.
'Delhi Crime' lật lại vụ cưỡng bức nữ sinh rúng động Ấn Độ - ảnh 1
Diễn viên Shefali Shah (trái) trong phim và nguyên mẫu nhân vật – Vartika Chaturvedi.

Trái với nhóm phụ nữ cứng cỏi, hình ảnh về đàn ông Ấn Độ trong phim hơi ngả về hướng tiêu cực. Bên cạnh sáu kẻ hiếp dâm máu lạnh, các nam cảnh sát Ấn Độ thường xuyên được mô tả là thiếu chí tiến thủ, nông cạn, thờ ơ trước tội ác. Có người được cử xuống miền quê để bắt tội phạm nhưng chỉ lo tới bữa ăn, người khác thì đùn đẩy trách nhiệm. Delhi Crime nêu nhiều khuyết điểm, trì trệ của hệ thống lập pháp, hành pháp Ấn Độ – nơi phải cần đến một sự kiện thương tâm mới chịu thay đổi.

Đạo diễn Richie Mehta không tái hiện cảnh nạn nhân bị tấn công. Tuy nhiên, khán giả có thể hình dung được mức độ tàn bạo, vô nhân tính của những kẻ gây án khi nhìn thân thể tím tái của Deepika, nghe cách cô mô tả chi tiết cuộc tấn công trước khi qua đời, cũng như lời kể từ bạn trai của cô.

Loạt phim một lần nữa nhắc lại tình trạng thiếu an toàn của phụ nữ Ấn Độ – nơi có các vụ án hiếp dâm thuộc hàng cao nhất thế giới. Thông qua cuộc thẩm vấn các hung thủ, tác phẩm khắc họa lối sống, tư tưởng sai lầm của không ít đàn ông Ấn Độ – nguyên nhân của các thảm kịch. Trong mắt một kẻ hiếp dâm, sự thân mật của bộ đôi bị hại ở nơi công cộng lúc đêm là thiếu đứng đắn. Tội ác chúng gây ra chẳng qua là để trừng phạt điều đó.

Delhi Crime mang không khí nặng nề, u ám, không phải series dễ xem trọn vẹn. Tuy nhiên, đây là tác phẩm giàu ý nghĩa xã hội, khai thác sâu về sự kiện và diễn xuất chân thực. 100% giới phê bình chấm phim điểm tích cực trên Rotten Tomatoes. Sau khi phim ra mắt ở LHP Sundance 2019 (Mỹ), đơn vị phát hành trực tuyến Netflix mua lại tác phẩm để chiếu từ tháng 3.

Theo TPO


Bình luận

Tin cùng chuyên mục