Người nổi tiếng
Du lịch mạo hiểm Việt Nam, kinh nghiệm từ đội bóng Thái Lan mắc kẹt trong hang động
Câu chuyện mắc kẹt của đội bóng Thái Lan trong hang động Tham Luang - một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Thái Lan, sẽ là lời cảnh báo, bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc tổ chức các chuyến du lịch mạo hiểm.

Có hay không lũ lụt ở các hang động tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Công ty Oxalis Adventure, công ty hàng đầu tại Việt Nam đang khai thác dòng khách du lịch thám hiểm các hang động cho biết, ông và các chuyên gia hang động từng thấy lũ lụt ở Hang Khe Ry thuộc Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. “Chúng tôi không tổ chức tour thám hiểm trong hang này, nhưng đôi khi nó gây ra một số trận lũ ở hang Sơn Đoòng vì Sơn Đoòng nằm ở hạ lưu của hang động này. Nước từ hang Khe Ry chảy từ biên giới Việt Lào nên có thể ở Việt Nam không có mưa, nhưng vì hang động này trải dài từ biên giới Lào vào Việt Nam, vì vậy mưa ở Lào có thể làm tăng lượng nước trong hang Sơn Đoòng”, ông Á nói.

Để an toàn cho người tham gia các chuyến du lịch mạo hiểm, các chuyên gia của công ty thường phải kiểm tra mực nước từ lối ra của hang Khe Ry trước khi cho du khách đi bộ qua sông. Nếu mực nước cao, sẽ cho du khách đi theo lối đi bộ trên cao đã được chuẩn bị sẵn để vào cửa hang Sơn Đoòng, nên nếu hang Khe Ry có ngập lụt cũng sẽ không nguy hiểm. Nếu mực nước dâng cao hơn nữa, thì sử dụng cầu treo lắp ráp rất cao phía trên của hang Sơn Đoòng để băng qua sông.

Sơn Đoòng là một hang động lớn, nên trong mùa du lịch từ tháng 1 đến tháng 8 hàng năm, các công ty thường không gặp phải vấn đề gì ngay cả khi nước ở suối dâng cao đến 80m. Tuy nhiên, ông Á cũng cho rằng không vì thế mà chủ quan bởi vào mùa mưa, tức là từ tháng 9 đến hết tháng 12 mực nước của các con sông khá cao. Do đó, tuyệt đối không nên đi tour vào khoảng thời gian này. Các đoàn nên tuân theo các quy tắc, để tránh tai nạn lũ lụt đáng tiếc như ở Thái Lan.

Những sự cố đáng tiếc

“Rừng vàng, biển bạc” hay vẻ đẹp kỳ vĩ và bí ẩn của những hang động luôn tạo ra một sức hút khó lòng cưỡng lại đối với những người theo chủ nghĩa xê dịch. Tuy nhiên, giá dành cho một tour du lịch mạo hiểm hiện nay ở các công ty du lịch khá cao nên nhiều phượt thủ thường chọn hình thức đi tự túc. Nhưng điều này vô cùng nguy hiểm khi hầu hết những người đi tự phát đều có rất ít hoặc không có kinh nghiệm trong leo trèo, băng rừng hay những địa hình nguy hiểm khác.

Cách đây vài tháng, một nam “phượt thủ” mất tích khi tham gia trekking (hình thức đi bộ đường dài trên nhiều bề mặt địa hình) tại cung đường Tà Năng – Phan Dũng. Nam du khách này đi “phượt” cùng một nhóm bạn gồm bảy người từ ngày 11/5, nhưng đến ngày 12/5 thì mất tích. Gần 100 người gồm công an, kiểm lâm, tình nguyện viên,… đã được huy động để tiến hành tìm kiếm trên các tuyến đường khác nhau trong nhiều ngày; huy động cả flycam, chó nghiệp vụ. Đến ngày 20/5, thi thể của “phượt thủ” được tìm thấy ở tầng thứ tư của thác 7 tầng ở núi Công Chúa (xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Tại đây, vào cuối năm 2017, một nữ “phượt thủ” cũng đã tử nạn khi cố gắng vượt suối.

Giữa năm 2016, một du khách người Anh vốn là một vận động viên leo núi chuyên nghiệp. Du khách này đã tử nạn khi quyết định một mình leo dọc tuyến dây cáp chinh phục đỉnh Phan Xi Păng mà không mang theo bất cứ thiết bị bảo hộ nào. Rõ ràng, trong du lịch mạo hiểm, chỉ một chút chủ quan, thiếu cẩn trọng thì rủi ro sẽ đến với bất kỳ ai.

Các nhóm “phượt” này đi lại theo hình thức tự phát, không đăng ký với chính quyền địa phương, không sử dụng các dịch vụ của công ty du lịch, cũng không thuê hướng dẫn viên dẫn đường do đó các cơ quan chức năng rất khó để quản lý.

Việt Nam có quy định đảm bảo an toàn cho du khách

Tại cuộc họp báo thường kỳ Quý II – năm 2018, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng: những sự việc đáng tiếc xảy ra ở loại hình du lịch mạo hiểm thời gian vừa qua cần đặt trách nhiệm, vai trò của chính quyền địa phương, công ty du lịch, hướng dẫn viên, người tham gia… lên cao. Các tai nạn xảy ra với du khách trong quá trình khám phá du lịch mạo hiểm thường xảy ra ở các địa bàn giáp ranh, hoặc tại các địa phương còn lơ là trách nhiệm quản lý…

Cũng theo đại diện của Tổng cục Du lịch Việt Nam, không phải đến thời điểm này, du lịch Việt Nam mới chú trọng đưa ra những cảnh báo với người tham gia loại hình du lịch mạo hiểm. Trong nghị định 168/2017/NĐ-CP đã quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, có quy định rõ ràng các biện pháp bảo đảm cho khách du lịch như: dụng cụ, trang thiết bị bảo hộ, người hướng dẫn, Sở Văn hóa giám sát, người quản lý khu vực, công ty đưa người đến có trách nhiệm ra sao… Do vậy, với sự việc xảy ra với đội bóng thiếu niên Thái Lan, du lịch mạo hiểm Việt Nam không đưa ra thêm các cảnh báo với du khách.

Theo một số chuyên gia, ngành du lịch cần tổ chức khảo sát, quy hoạch các điểm tổ chức du lịch mạo hiểm để có phương án quản lý cụ thể. Cần có quy định về chứng chỉ riêng của hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm, bảo đảm họ không chỉ là người có khả năng giao tiếp, hướng dẫn, thông thạo địa hình mà còn có kinh nghiệm, kỹ năng hỗ trợ, xử lý rủi ro phát sinh.

Thông qua truyền thông, ngành du lịch cần tuyên truyền để giúp du khách không chủ quan với an toàn của bản thân. Đồng thời, du khách nhất thiết phải được kiểm tra hoặc tham gia đầy đủ một số huấn luyện cần thiết trước khi tham gia tour, cam kết thực hiện quy định của đơn vị tổ chức, điểm đến và chỉ dẫn của hướng dẫn viên trong quá trình khám phá, tránh tình trạng tự ý thay đổi lịch trình, đi kiểu tự phát… Chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt trong công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên, có chế tài xử lý nghiêm khắc các sai phạm… Điều đó không chỉ giúp bảo đảm sự an toàn cho du khách, mà còn góp phần khai thác tốt những lợi ích về sinh thái, kinh tế và văn hóa, đưa loại hình du lịch tiềm năng này phát triển bền vững ở nước ta./.

Topsao


Bình luận

Tin cùng chuyên mục