Những câu chuyện thú vị và giàu cảm xúc khi ngày còn “chân ướt, chân ráo” bước vào HHVN chính là ký ức không thể phai nhòa trong tâm trí của Hà Kiều Anh.
Là HHVN từng đăng quang khi tuổi đời còn rất trẻ, cảm giác của chị như thế nào?
Không một từ ngữ nào có thể diễn tả sự sung sướng, bất ngờ và hạnh phúc của tôi tại thời điểm đó. Bởi lẽ, là một cô học sinh 15 tuổi còn quá nhiều bỡ ngỡ, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại có thể đạt được một danh hiệu cao quý như thế. Đến tận giây phút này, tôi vẫn chưa bao giờ quên được cái đêm hôm đó khi tên mình được xướng lên với danh hiệu Hoa hậu Việt Nam.
Năm đó, với vai trò là thí sinh, còn năm nay, chị đã là một giám khảo, cảm giác của chị có khác nhau không? Nếu có, khác biệt đó như thế nào?
Thời gian trôi qua thật nhanh, thấm thoắt đã 26 năm. Tôi còn nhớ, đó là cuộc thi HHVN đầu tiên được tổ chức trên phạm vi toàn quốc, trước đó mình chỉ làm ở các tỉnh phía Bắc. Trong không khí đón chờ và ủng hộ của toàn dân, khi đạt được danh hiệu, tôi nhận được sự chúc mừng và ủng hộ nhiệt liệt từ phía mọi người. Cảm giác rất hãnh diện! (Cười).
Khi được vinh dự giữ vai trò giám khảo, được ngắm tất cả các thí sinh, mọi cảm giác bồi hồi bỡ ngỡ ngày nào của tôi chợt ùa về. Giờ đây, trong tôi là một mớ cảm xúc hỗn độn: bùi ngùi, xúc động xen lẫn vui mừng.
Phần thi áo tắm năm đó diễn ra như thế nào? Quan niệm của người Việt Nam khi đó chưa thật sự mở, các cô gái có phải đối mặt với nhiều khó khăn hay không?
Đối với một người con gái trẻ, khi diện trang phục áo tắm lên sân khấu thì thật sự rất mắc cỡ. Run sợ là một cảm giác không thể tránh khỏi khi phải trình diễn trước đông người như vậy. Tuy nhiên, ai cũng có những nỗi sợ hãi cần phải vượt qua và việc chiến thắng bản thân là tiền đề để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, bộ áo tắm ngày xưa cũng không hoàn toàn lộ liễu mà được che chắn khéo léo bằng khăn nên tôi nghĩ không cần phải quá lo sợ.
Chị nghĩ nên giữ lại hay bỏ đi phần thi áo tắm?
Nếu đã là cuộc thi Hoa hậu, chúng ta cần biết thể hình của các cô gái như thế nào. Đặc biệt đối với cuộc thi có phạm vi toàn quốc, thì nên để cho người dân được ngắm nhìn, chiêm ngưỡng và “tiếp tay” giúp Ban giám khảo chấm thi. Cộng với việc diện áo tắm là quá đỗi bình thường, cũng không mấy sexy hay lộ liễu. Dưới ánh nhìn nghệ thuật, diện áo tắm là một việc rất đẹp đẽ.
Bên cạnh đó, trong trang phục áo tắm, các cô gái trở nên khỏe mạnh, tự tin và tỏa sáng tạo nên một phong thái hoàn toàn khác. Trên thế giới, tất cả các nước đều có phần thi áo tắm. Theo ý kiến của riêng mình, tôi nghĩ phần thi này cần được giữ lại.
Theo chị, khi đăng quang, các cô gái trẻ sẽ có được những cơ hội gì và những thách thức nào đang chờ đợi các cô phía trước?
Khi còn trẻ, các em sẽ có thời gian nhiều năm trau dồi và hoàn thiện mình để càng ngày càng xinh đẹp. Còn trẻ đồng nghĩa với việc chưa có nhiều kinh nghiệm, từ đó sẽ dễ vấp ngã. Va vấp là sẽ có, tuy nhiên, ai cũng cần những va vấp đó để trưởng thành. Điều quan trọng là khi người con gái ấy có tâm, có học thức và đạo đức thì chắc chắn sẽ không đi quá xa cũng như vượt qua những tiêu chuẩn về đạo đức.
Một người con gái đội lên đầu chiếc vương viện là mang theo cả một sức nặng. Đơn cử như tôi, 26 năm trôi qua, sức nặng đó vẫn còn. Đã là HHVN thì danh hiệu đó sẽ theo mình đến hết cuộc đời. Vì vậy, mỗi người cần ý thức được vị thế của bản thân trước công chúng. Tôi nghĩ các cô gái sẽ phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Tuy nhiên, không sao cả, khi ta còn trẻ thì ta có quyền mắc sai lầm và sẽ dễ được tha thứ hơn. Chúng ta cũng nên có cái nhìn đừng quá khắt khe và tạo cơ hội để các em có nhiều điều kiện phát triển, đừng dùng ánh mắc soi mói để nhìn mọi việc. Bởi, dưới ánh mắt soi mói, mọi thứ đều có lỗi. Hãy nhìn cuộc đời bằng một màu hồng.
Cảm ơn chị vì buổi phỏng vấn ngày hôm nay!