Trong các món ăn của người đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên, mỗi một món sẽ gắn với một vị thuốc nào đó. Cây cà đắng mọc trong rừng tháng 3, tháng 4 hàng năm, người dân đem về chế biến gỏi giữ nguyên được độ tươi, giòn là bài thuốc chữa bệnh về khớp hữu hiệu.
Cà đắng được thái mỏng, ướp đá để giữ độ giòn. Thịt trâu rừng hun khói được nướng, xé nhỏ. Cùng với rau đắng, ớt, nước chấm pha. Ba nguyên liệu trên được trộn với nhau mang đến món gỏi thơm ngọt của thịt, giòn thanh chát nhẹ của cà đắng.
Trên những đỉnh núi cao phía Bắc Kon Tum như Tu Mơ Rông, đỉnh Ngọc Linh Liên Sơn, nơi quanh năm lạnh là điều kiện thuận lợi đê cây sâm dây ngọc linh phát triển. Cây ngọt, thơm, giàu dinh dưỡng có tác dụng bồi bổ sức khỏe, phòng ngừa bệnh. Thịt cuộn sâm dây ngọc linh chiên áp chảo sẽ vàng mềm bên ngoài nhưng bên trong giòn, ngọt. Chỉ nghe thôi cũng đủ kích thích vị giác của tất cả mọi người.
Cá niêng đắng được nấu với cái cay của ớt hiểm, vị đắng của rau đắng. Cay đắng kết hợp lại hòa giải nhau mang đến vị đắng và cay nhẹ khi ăn nhưng dư vị là ngọt hậu khó có thể quên.
Tất cả tạo nên một mâm cơm mang đủ dư vị của núi rừng. Ai một lần đến với Kon Tum chắc chắn sẽ không thể bỏ qua được một lần được thử những món ăn đặc trưng của mảnh đất đỏ bazan.