Rối loạn nhịp điệu sinh học là gì?
Nhịp điệu sinh học của một con người là nhịp điệu giữa việc ngủ và thức dậy so với chu kỳ sáng và tối của con người.
Khi gặp phải tình trạng rối loạn nhịp sinh học thì sẽ có sự mất tương ứng giữa chu kỳ ngủ và thức của người bệnh đối với chu kỳ sáng tối. Dẫn đến tình trạng mất ngủ, buồn ngủ nhiều hơn vào ban ngày.
Rối loạn nhịp điệu sinh học có khả năng tự điều chỉnh lại cho phù hợp hoặc cũng có thể cần phải đến những cơ sở y tế để được đưa ra chỉ định điều trị phù hợp.
Bệnh lý giấc ngủ nhịp điệu sinh học do lệch múi giờ
Nguyên nhân được cho là do người bệnh di chuyển nhanh từ khu vực này sang khu vực khác chênh lệch nhau hơn 2 múi giờ.
Cách khắc phục tình trạng này là người bệnh nên tìm hiểu trước về sự chênh lệch múi giờ. Từ đó tập thay đổi giờ ngủ của bản thân trước và sau khi đến địa điểm mới.
Ngoài ra, người bệnh cần tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào sáng sớm nhiều hơn, đồng thời để cơ thể được tiếp xúc với bóng đêm vào buổi tối trước khi đi ngủ để quen được với múi giờ mới. Một số bệnh nhân có thể cần phải sử dụng thuốc ngủ có tác dụng ngắn hạn hay Modafinil là một chất kích thích trong thời gian đầu đến nơi mới.
Bệnh lý giấc ngủ nhịp điệu do giờ làm theo ca
Một số yếu tố có thể làm tăng mức độ nặng nề của sự rối loạn này đó là tần số đổi ca tăng lên, mức độ thay đổi nhiều, số lần làm việc buổi đêm liên tiếp nhau, thời lượng của ca làm kéo dài, việc thay đổi chế độ ngủ.
Để cải thiện tình trạng này thì người bệnh nên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào ban ngày. Bên cạnh đó, cần giữ môi trường ngủ được yên tĩnh, đủ độ tối để đi vào giấc ngủ dễ dàng. Một số công cụ hỗ trợ đó là kính mát khi đi làm buổi sáng, mặt nạ ngủ, những công cụ làm giảm tiếng ồn khi ngủ.
Bệnh lý nhịp điệu sinh học do các giai đoạn ngủ thay đổi
Bệnh nhân gặp phải tình trạng thời gian của một giấc ngủ không đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết của cơ thể, biểu hiện bằng việc bệnh nhân thức dậy và đi ngủ sớm hơn, hay muộn hơn so với bình thường.
Các hội chứng có thể gặp phải đó là:
- Hội chứng các giai đoạn ngủ bị trì hoãn: Bệnh nhân ngủ muộn, dậy muộn trong thời gian dài, thường gặp ở những đối tượng thanh thiếu niên do phải dậy sớm và thức khuya cho việc học tập, khiến ban ngày rất buồn ngủ.
- Hội chứng giai đoạn ngủ nhanh: Bệnh nhân đi ngủ rất sớm và dậy cũng rất sớm, thường gặp ở người lớn tuổi, có thể điều trị bằng liệu pháp ánh sáng vào buổi tối và đeo kính mát vào ban ngày.
- Hội chứng ngủ và thức không trong 24 giờ: Thời gian ngủ và thức của bệnh không không điều độ. Tuy không thay đổi về thời lượng nhưng chu kỳ thường lớn hơn 24 giờ, hay gặp ở những bệnh nhân bị mù.
Rối loạn nhịp điệu sinh học tuy không phải là một bệnh lý cấp tính ảnh hưởng đến tính mạng con người nhưng mang đến cho người bệnh cảm giác khó chịu, dễ dẫn đến những rối loạn về tâm thần cũng như giảm năng suất làm việc học tập. Vì vậy, bệnh nhân nên được tư vấn về việc thay đổi lối sống cũng như dùng một số loại thuốc để hỗ trợ điều trị tình trạng này trong trường hợp cần thiết.
(Nguồn ảnh trong bài viết: Internet)
Quý vị đừng quên đón xem “Bạn khỏe không?” được phát sóng vào lúc 19 giờ 35 phút vào thứ hai hằng tuần trên kênh Truyền hình Vĩnh Long 1.