Rừng tràm U Minh Hạ rộng khoảng 35.000 ha, nằm trên địa bàn một số xã thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời. Từ thời đi khẩn hoang, mở đất, cây tràm đã có mặt khắp nơi trên vùng đất này. Lúc đầu, ong tự đóng tổ trên những tán rừng tràm rồi người ta tìm đến để lấy mật mang về. Lâu dần, các tiền nhân phát hiện ra tập tính ong mật chỉ làm tổ ở những thân cây nghiêng như kèo nhà nên họ làm kèo để dụ ong mật tới. Từ đó, nghề gác kèo ong đã được ra đời.
Cây được chọn làm kèo phải suôn, đường kính 10-15 cm. Cây kèo là nơi để ong về làm tổ và gánh toàn bộ trọng lượng của tổ nặng 10–20 kg. Bên dưới kèo phải thông thoáng, không có bụi rậm hoặc cây chen vào. Ngoài cách làm kèo thì việc chọn địa điểm gác kèo rất quan trọng. Vị trí làm kèo tốt nhất ở nơi cây tràm thấp nhiều bông, có ánh nắng mặt trời chiếu xuống thân kèo.
Ngoài việc lấy mật ong rừng U Minh thì người gác kèo còn dùng nhộng ong để chế biến thành vô số món ăn ngon. Những món ăn hấp dẫn và đặc sắc nhất có thể kể đến như gỏi nhộng ong và ong lăn bột chiên giòn. Những món ăn này vẫn giữ được hương vị thuần khiết, nguyên bản của nhộng ong trong suốt quá trình chế biến.
Tồn tại hàng trăm năm, nghề gác kèo ong – di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gắn liền cuộc sống nhiều cư dân dưới tán rừng U Minh Hạ, không chỉ mang về nguồn kinh tế lớn cho người dân dưới tán rừng U Minh Hạ mà nó còn là nghề mang đậm bản sắc văn hóa ở Cà Mau.
Những vùng đất xinh đẹp và diệu kì, những câu chuyện văn hóa đỉnh cao, những món ăn độc đáo đầy dư vị – Một Việt Nam tươi đẹp và quyến rũ sẽ hiện dần qua những thước phim ấn tượng. Hãy đón xem Việt Nam mến yêu được phát sóng lúc 19h50 Thứ Bảy hàng tuần trên kênh THVL1.