Trong dân gian, người con gái thường dùng những cây cỏ thảo dược có trong vườn nhà để dưỡng da, lưu cho mình bí quyết làm đẹp. Bồ kết, vỏ bưởi để gội cho tóc mượt; cánh hoa để dưỡng da hay mật ong, chanh để mang đến làn da trắng sáng mềm mại…
Trong chốn hoàng cung hoàng tộc của các triều đại Việt Nam xưa cũng giữ bí quyết làm đẹp riêng của các cung tần, mĩ nữ. Tuy nhiên, với điều kiện bảo mật nên phần lớn là ghi nhớ không đầy đủ. Chỉ đến triều Nguyễn, triều đại cuối cùng của Việt Nam, cuộc chuyển giao của thời đại là cơ hội cho những bí quyết trong cung cấm được truyền ra ngoài. Một trong số đó là bí quyết làm đẹp.
Ẩn số đó còn lưu truyền trong gia đình của một người cung nữ xưa nắm giữ công thức làm phấn cho công chúa và hoàng hậu. Khi triều Nguyễn cáo chung kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình, bà trở về nhà với cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, vì không muốn một cách làm đẹp quý giá như vậy biến mất, bà đã truyền cho những người con gái. Tuy nhiên, không phải ai cũng được truyền dạy. Cô con gái nào có cái tâm trong sáng, kiên nhẫn và không nóng nảy mới được học.
Chúng tôi đã có dịp đến Huế và gặp gỡ với chị Nguyễn Phương Khanh, con gái đời thứ 4 trong gia đình của người cung nữ ấy.
Chị Phương Khanh chia sẻ về phấn nụ với chương trình
Ấn tượng đầu tiên khi gặp là làn da hồng hào, mịn màng của chị dù không trang điểm. Chị cho biết, ngoài chế độ ăn ngủ điều độ là quan trọng nhất thì mình vẫn giữ cách chăm sóc da như cung nữ xưa mà mẹ truyền dạy. Phấn nụ được chị sử dụng hàng ngày vừa để trang điểm vừa dưỡng da tự nhiên.
Quy trình làm vô cùng tỉ mỉ đòi hỏi người làm dành toàn bộ cái tâm mình vào từng bước.
Người làm phấn nụ phải có tâm trong sáng, kiên trì và nhẫn nại
Bột cao lanh đem nướng lên bằng than đến khi chín với màu trắng tuyết, rồi đem nghiền mịn. Gạn đi gạn lại nhiều lần để bỏ tạp chất.
Vào mỗi sáng sớm, khi mặt trời chưa lên, người cung nữ sẽ đi hái hoa hồng, hoa sen, hoa cúc trong vườn. Những bông hoa không quá già cũng không quá non.
Hoa được thu hoạch khi còn sương, chưa có nắng để giữ nguyên tinh chất
Cùng với đó là những loại cây như nha đam, gừng, nghệ… Nước mưa được lấy lắng cặn trong và tinh khiết. Nước dừa tươi vừa được hái về. Với lượng vừa đủ, những nguyên liệu này được đun để tạo ra tinh chất.
Những nguyên liệu làm ra phấn nụ
Quá trình chưng cất tinh chất hoa
Bột cao lanh sẽ được trộn với tinh chất hoa ấy, nén lại trong khuôn. Quá trình nén bằng tay hoàn toàn thủ công để những hạt bột được nén chặt từ từ. Viên phấn mang hình hài nụ hoa ra đời. Trải qua phơi nắng ủ sương, viên phấn mang đủ tinh túy của trời và đất trở nên mịn màng tơi xốp.
Phấn nụ được phơi đủ nắng đủ sương
MC Thúy Vi trải nghiệm làm phấn nụ
Viên phấn nụ được dùng để trang điểm, dưỡng da cả mặt lẫn toàn thân. Những khi trời lạnh, viên phấn còn có thể dưỡng ẩm rất tốt. Khác với nhiều mĩ phẩm, người dùng phấn nụ cũng phải kiên trì. Những tinh chất được thấm từ từ. Da sau thời gian dài sử dụng sẽ mịn màng, sáng da đúng như câu nói của những người xưa về vẻ đẹp là “mặt hoa da phấn”.
Viên phấn nụ có hình dạng nụ hoa
Theo chị Phương Khanh chia sẻ, dù ngày nay mĩ phẩm nhiều nước có ở Việt Nam nhưng phấn nụ vẫn được rất nhiều người sử dụng. Với ưu điểm lành tính, vừa trang điểm vừa dưỡng da hoàn toàn từ tinh chất nên mang vẻ đẹp và hương thơm nhẹ cho làn da.
Phấn nụ có màu trắng và hồng mang đến vẻ đẹp tươi hồng hào tự nhiên
Theo thời gian, người đến với phấn nụ còn có thể cảm nhận được mùi hương rất riêng mang tên “hoài niệm”. Qua bao thăng trầm, phấn nụ vẫn sống mãi trong lòng của người yêu Huế, yêu cái đẹp giản dị mà thanh tao từ viên phấn này.
Chương trình Việt Nam mến yêu được phát sóng vào lúc 19h50’, thứ 7 hàng tuần trên kênh Truyền hình Vĩnh Long 1. Cảm ơn Hãng điều hòa Casper đã đồng hành cùng chương trình.