Trước khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng đất đai, nhà ở, bên mua và bên bán thường sẽ thỏa thuận với nhau để bên mua đặt cọc một khoản tiền nhất định cho bên bán. Hợp đồng đặt cọc không nhất thiết phải công chứng mà có thể chỉ cần giấy viết tay, thực hiện bằng miệng. Đặt cọc nhằm tạo sự ràng buộc trách nhiệm giữa hai bên. Tuy nhiên, khoản tiền cọc này đôi khi lại trở thành miếng mồi để bên bán lừa đảo bên mua. Ở những khu vực “sốt đất”, nhiều người thường “lướt sóng” mua bán nhà đất qua hình thức đặt cọc, còn gọi là đặt cọc chồng cọc.
Ban Biên tập Chuyện cảnh giác tuần này gửi đến quý khán giả tập “Lần mua nhà nhớ đời”, câu chuyện kể về vợ chồng anh Long mua nhà của ông Khánh, đặt cọc 100 triệu, mọi giấy tờ đã làm được gần xong, nếu bên nào huỷ hợp đồng thì sẽ đền gấp đôi cọc.
Vài hôm sau có tên Tiến gọi cho anh Long và ngỏ ý muốn mua căn nhà với giá rất cao, anh Long tuy lưỡng lự nhưng vẫn chấp nhận bán, vì theo như anh nghĩ, trước sau gì thì căn nhà mà anh đang dự định mua cũng sẽ thuộc về mình.
Vậy nên Tiến và anh Long đã ký hợp đồng với nhau, với giá trị cọc vô cùng cao, nếu như ai huỷ hợp đồng sẽ phải đền gấp đôi. Vài ngày sau, ông Khánh gọi cho anh Long nói rằng không muốn bán căn nhà nữa và chấp nhận đền gấp đôi tiền cọc cho anh Long. Lúc này anh Long mới hốt hoảng, nếu căn nhà không thuộc về mình, thì anh Long phải đền tiền cọc cho Tiến.
Đón xem tình huống “Lần mua nhà nhớ đời” được phát sóng vào lúc 16h40 Chủ nhật ngày 03/10/2021 trên kênh THVL1 để cùng vạch trần màn kịch của kẻ gian để có bài học cảnh giác cho bản thân mình quý vị nhé!
Có thể thấy, phương thức mua bán nhà đất không chính quy này thường mang đến lợi nhuận nhanh chóng. Người mua trước mới đặt cọc, thấy giá tăng là chốt lời bán cho người mua sau bằng hình thức ký hợp đồng nhận cọc. Cứ như thế, những người mua sau đó thấy có lãi lại đẩy hàng cho người kế tiếp.
Thông qua tình huống trên, Ban biên tập Chuyện cảnh giác khuyến cáo, rủi ro của việc mua bán nhà đất cọc chồng cọc nằm ở chỗ chỉ cần một bên “hủy kèo” hay lừa tiền đặt cọc, toàn bộ các hợp đồng cọc sau sẽ bị phá vỡ như hiệu ứng domino.
Bên cạnh đó, người “lướt sóng” thích cọc giấy tay để huỷ cho dễ, đỡ phức tạp về pháp lý. Hợp đồng cọc đa phần do bên bán đặt ra nên khá sơ sài, các cam kết còn yếu và nửa vời, nước đôi và nó chỉ là một thỏa thuận dân sự thể hiện thương lượng giữa người bán và người mua, tiềm ẩn nhiều rủi ro rất lớn.
Hãy đón xem Chuyện Cảnh Giác vào lúc 16h40 Chủ nhật hàng tuần trên kênh THVL1 để cùng vạch trần những thủ đoạn lừa đảo tinh vi của kẻ gian. Và nếu có gặp phải hay từng chứng kiến những vụ việc lừa đảo, hãy mạnh dạn chia sẻ về cho Ban Biên Tập chương trình thông qua email chuyencanhgiacvn@gmail.com để chúng ta cùng rút ra những bài học cảnh giác bổ ích quý vị nhé!