Chuyện cảnh giác
Chuyện Cảnh Giác: Mạo danh sếp, mượn tiền nhân viên
Đã bao giờ chúng ta bỗng nhiên nhận được những tin nhắn mượn tiền từ cấp trên, từ sếp, lãnh đạo công ty - nơi mình đang làm việc? Và hẳn nhiên khi nhận được những tin nhắn như thế này, đa phần chúng ta sẽ vì lý do cả nể, mà không ngần ngại cho cấp trên mượn tiền, để rồi sau cùng mới nhận ra, đó thực chất là một cái bẫy lừa.

Thời gian gần đây xuất hiện một số đối tượng giả mạo tài khoản Facebook, Zalo, Gmail của lãnh đạo, một số cơ quan nhà nước để kết bạn với cán bộ, nhân viên cấp dưới, sau đó chỉ đạo chuyển tiền phục vụ công việc cơ quan hoặc vay mượn xử lý công việc gấp cá nhân để chiếm đoạt.

Thông qua mạng xã hội, các đối tượng truy cập vào trang Facebook, Zalo cá nhân (tài khoản thật) của lãnh đạo thu thập thông tin và lấy hình ảnh cá nhân. 

Sau đó tạo một tài khoản Facebook, Zalo khác (tài khoản giả) với tên tương tự, sử dụng hình ảnh vừa lấy được làm ảnh đại diện, kết bạn với nhiều người trong danh sách bạn bè, chủ yếu là bạn bè trong nội bộ cơ quan của tài khoản thật.

Từ đây chúng thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách nhắn tin hỏi thăm, tạo lòng tin với những người vừa kết bạn được để mượn số tiền lớn; yêu cầu gửi tiền vào số tài khoản ngân hàng của một người khác đứng tên chủ tài khoản hoặc số tài khoản có họ tên tương tự lãnh đạo các sở, ngành được chúng mua lại trên mạng; đề nghị người vừa được kết bạn thực hiện ngay việc chuyển tiền vào các số tài khoản lạ để phục vụ công tác của cơ quan.

Hack tài khoản mạng xã hội, nhắn tin vay mượn tiền – đây vốn không phải là một thủ đoạn mới, song ngày càng biến tướng dưới những hình thức khác nhau, khiến nhiều nạn nhân “nhẹ dạ cả tin”, mất tiền oan uổng. Thậm chí, một số đối tượng lừa đảo lại còn ngang nhiên mạo danh cả lãnh đạo của những cơ quan nhà nước, để nhắn tin cho cấp dưới mượn tiền, chiếm đoạt tài sản.

Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác trước những tin nhắn mượn tiền, vay tiền qua mạng xã hội. Trước khi quyết định cho mượn, cho vay thì cần có bước xác minh rõ ràng, có thể là gọi điện thông qua video call hoặc gọi qua số điện thoại để xem có đúng người mượn tiền là người quen biết với mình hay không. Bên cạnh đó, nếu như chúng ta gọi điện qua video call hoặc gọi qua số điện thoại, mà người nhận tắt máy từ chối cuộc gọi, hoặc nghe cuộc gọi trong thời gian rất ngắn chỉ vài giây, vài chục giây thì cần hết sức cảnh giác. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện cuộc gọi, nếu chúng ta nhận ra có sự bất thường nào đó về giọng nói, về hình ảnh của đối phương thì cũng cần đặt nghi vấn, bởi hiện nay, một số đối tượng đã sử dụng những phần mềm mô phỏng rất rất giống hình người thật đang nói chuyện, một chiêu trò lừa đảo rất tinh vi.  

(Hình ảnh trong bài viết là diễn viên tái hiện tình huống, chỉ mang tính minh họa, không phải nhân vật thật)

Quý vị đừng quên đón xem Chuyện Cảnh Giác được phát sóng vào lúc 16 giờ 40 phút vào Chủ nhật hằng tuần trên kênh Truyền hình Vĩnh Long 1.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục