Đời sống
Bị phụ huynh xúc phạm, trường có được từ chối dạy học sinh hay không?
Sự việc Trường THPT Lạc Long Quân thông báo bằng văn bản sẽ dừng công tác giáo dục với học sinh nếu phụ huynh không làm việc về tin nhắn xúc phạm nhà trường đặt ra vấn đề pháp lý của quyết định này.

Mối quan hệ giữa trường ngoài dân lập và phụ huynh được điều chỉnh bằng quy định riêng?

Như phóng viên Dân trí đưa tin, sự việc xảy ra tại Trường THPT Lạc Long Quân, Sóc Sơn, Hà Nội. Theo văn bản thông báo của nhà trường, ngày 26/8, một phụ huynh lớp 12A3 đã có những tin nhắn trên nhóm lớp với nội dung làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường.

Nhà trường đã hai lần mời phụ huynh làm việc, cử giáo viên chủ nhiệm tới nhà đưa giấy mời, nhưng phụ huynh này không hợp tác. 

Ngày 25/9, nhà trường gửi thông báo có ghi: “Nay nhà trường gửi thông báo đến ông H., mời ông bố trí thời gian lên làm việc với Ban giám hiệu nhà trường trước ngày 29/9/2023.

Sau thời gian trên, nếu ông H. không lên làm việc với nhà trường thì nhà trường sẽ từ chối công tác giáo dục đối với học sinh K. lớp 12A3″ (tên phụ huynh và học sinh đã thay đổi).

Bị phụ huynh xúc phạm, trường có được từ chối dạy học sinh hay không? - 1
Thông báo Trường THPT Lạc Long Quân gửi phụ huynh ngày 25/9 (Ảnh: OFFB).

Nội dung này trong thông báo đã gây tranh cãi về việc trường có được phép “từ chối công tác giáo dục đối với học sinh”, nói cách khác là cho học sinh thôi học, trong trường hợp cụ thể này hay không.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Luật sư Hoàng Văn Liêm – Văn Phòng Luật Sư Quốc Tế L&P – nêu quan điểm: “Trường THPT  Lạc Long Quân là trường ngoài công lập. Mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh là mối quan hệ hợp đồng cung cấp dịch vụ, cụ thể là “dịch vụ giáo dục”.

Theo đó, nhà trường sẽ là bên cung cấp dịch vụ giáo dục như đã thỏa thuận với phụ huynh. 

Việc nhà trường từ chối công tác giáo dục đối với học sinh có thể hiểu là việc nhà trường đơn phương chấm dứt việc cung cấp dịch vụ giáo dục đã thỏa thuận trước đó với phụ huynh.

Căn cứ theo Điều 428, 520 của Bộ luật Dân sự 2015 thì bên cung cấp dịch vụ được quyền đơn phương chấp dứt hợp đồng dịch vụ khi: (i) bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ; (ii) các bên có thỏa thuận về các trường hợp chấm dứt.

Đối với trường hợp đầu tiên, bên sử dụng dịch vụ “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ” thì theo Khoản 2 Điều 423 Bộ luật Dân sự 2015, thuật ngữ này được hiểu là: “việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.” 

Mục đích cơ bản khi giao kết hợp đồng dịch vụ là bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Trường hợp này, có thể hiểu mục đích cơ bản khi giao kết hợp đồng của phụ huynh là mong muốn nhà trường cung cấp dịch vụ giáo dục cho con của họ; của nhà trường là nhận được đầy đủ học phí.

Do đó, việc phụ huynh không đến làm việc theo giấy mời của nhà trường để làm rõ tin nhắn gây ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường không phải là trường hợp “không đạt được mục đích của giao kết hợp đồng” để làm căn cứ chấm dứt hợp đồng; nhất là việc bị ảnh hưởng uy tín của nhà trường còn chưa rõ ràng.

Bị phụ huynh xúc phạm, trường có được từ chối dạy học sinh hay không? - 2
Một hoạt động ngoại khóa tại Trường THPT Lạc Long Quân, Sóc Sơn, Hà Nội (Ảnh: THPT Lạc Long Quân).

Trường hợp thứ hai là việc chấm dứt hợp đồng dựa trên những căn cứ mà các bên khi giao kết hợp đồng đã thỏa thuận. Nhà trường muốn chấm dứt cung cấp dịch vụ giáo dục vì lý do nào thì trước đó phải có thỏa thuận hợp pháp với phụ huynh về nội dung này. Khi đó, việc chấm dứt cung cấp dịch vụ giáo dục mới đúng pháp luật.

Nên đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu trong mọi quyết định

Nêu quan điểm cá nhân về sự việc xảy ra tại Trường THPT Lạc Long Quân, hiệu trưởng một trường tiểu học công lập cho biết: “Thông báo của nhà trường có phần nóng vội. Bởi trong hầu hết các trường hợp, việc dừng công tác giáo dục với học sinh là không nên. Nhất là trường hợp này, lỗi không ở học sinh”.

Vị hiệu trưởng cho hay, trường ngoài công lập có quyền từ chối cung cấp dịch vụ giáo dục theo những quy định, thỏa thuận riêng của nhà trường với phụ huynh. Tuy nhiên, đây luôn là việc bất đắc dĩ, không nhà trường nào mong muốn. 

Cụ thể với sự việc của Trường THPT Lạc Long Quân, nhà trường đã hai lần mời phụ huynh lên làm việc, đã cử giáo viên tới tận nhà mời, song vẫn không nhận được sự hợp tác của phụ huynh.

Bị phụ huynh xúc phạm, trường có được từ chối dạy học sinh hay không? - 3
Lễ khai giảng được tổ chức cho phụ huynh của Trường Xanh Tuệ Đức, Hà Nội (Ảnh: Minh Tuấn).

“Nhà trường đã thể hiện mong muốn đối thoại với phụ huynh qua các lần gửi giấy mời nhưng phụ huynh từ chối.

Như vậy nhà trường không thể biết phụ huynh có nhu cầu gì, có muốn tiếp tục gửi con cho nhà trường hay không. Và nếu tiếp tục thì hai bên cần làm gì để công tác giáo dục của nhà trường cũng như gia đình đạt hiệu quả.

Nếu phụ huynh nào cũng ứng xử như trường hợp trong vụ việc thì quả thực rất khó cho công tác giáo dục của nhà trường”, vị hiệu trưởng chia sẻ.

Ở góc nhìn khác, hiệu trưởng một trường liên cấp ngoài công lập cho rằng, mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và người học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập được thực hiện theo các quy định, cam kết riêng nhưng không được vi phạm Luật Giáo dục.

“Nếu phụ huynh thực sự có lời lẽ xúc phạm danh dự, uy tín của nhà trường, sau đó phụ huynh lại không làm việc với nhà trường theo lời mời thì phụ huynh vi phạm Luật Giáo dục về các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục và vi phạm quy định về trách nhiệm của gia đình trong giáo dục.

Do đó, nếu nhà trường căn cứ vào điều này cũng như quy định riêng để dừng công tác giáo dục với học sinh có thể không sai. 

Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, lợi ích của học sinh luôn phải được đặt lên hàng đầu. Mọi vấn đề, khúc mắc, bất đồng giữa nhà trường và gia đình đều cần được giải quyết trên cơ sở đảm bảo quyền lợi cao nhất của học sinh”, vị hiệu trưởng cho biết.

Cô Nguyễn Thị Hẹn, một giáo viên ngữ văn, nhận định: Trong bối cảnh xã hội hiện nay, mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình rất nhạy cảm. Một vụ việc dù nhỏ nhưng đi qua lăng kính mạng xã hội sẽ thành lớn. Những bình luận đa chiều trên mạng xã hội cũng khiến các vấn đề trở nên căng thẳng hơn, phức tạp hơn thực tế.

“Cả nhà trường lẫn phụ huynh cần nhận thức sâu sắc điều này để điều chỉnh cách ứng xử sao cho hài hòa. Bởi sau cùng, nếu mối quan hệ đó tốt đẹp thì con cái chúng ta hưởng lợi đầu tiên. Nếu mối quan hệ đó xấu xí, con cái chúng ta thiệt hại đầu tiên.

Là một giáo viên, đồng thời là một phụ huynh, tôi luôn mong muốn sự đối thoại thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng giữa nhà trường và phụ huynh.

Nhà trường có tôn trọng phụ huynh thì mới dạy dỗ được học sinh. Ngược lại, phụ huynh có tôn trọng nhà trường thì con cái mới tôn trọng thầy cô, yếu tố nền tảng cho mọi sự học.

Phụ huynh không tôn trọng, không tin tưởng nhà trường nhưng vẫn để con học trong môi trường đó mà không có hành động nào để thúc đẩy sự thay đổi tích cực là chưa làm tròn trách nhiệm của mình với con cái. 

Tôi nghĩ rằng, với trải nghiệm học đường của mình, các bậc cha mẹ đều hiểu không có trường học nào hoàn hảo. Môi trường nào cũng có những tồn tại, hạn chế. 

Điều quan trọng là phụ huynh chung tay với nhà trường điều chỉnh những khuyết điểm và thúc đẩy các ưu điểm để con trẻ có được một nơi học tập vui vẻ, hiệu quả. Và cũng để con trẻ học từ người lớn các bài học về ứng xử trong hành trình trưởng thành”, cô Nguyễn Thị Hẹn chia sẻ.

“Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học” là hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục theo khoản 1, Điều 22, Luật Giáo dục 2019.

Về trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội, Điều 90 Luật Giáo dục ghi: 

“Cha mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc, tạo điều kiện cho con hoặc người được giám hộ được học tập, thực hiện phổ cập giáo dục, hoàn thành giáo dục bắt buộc, rèn luyện, tham gia các hoạt động của nhà trường; tôn trọng nhà giáo, không được xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo.

Các thành viên trong gia đình có trách nhiệm xây dựng gia đình văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ của con em; người lớn tuổi có trách nhiệm giáo dục, làm gương cho con em, cùng nhà trường nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục”.

Khoản 3 Điều 91 quy định cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh có trách nhiệm: “Phối hợp với nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc giáo dục con hoặc người được giám hộ theo quy định”.

Khoản 1 Điều 89 quy định trách nhiệm của nhà trường: “Nhà trường có trách nhiệm thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục, quy tắc ứng xử; chủ động phối hợp với gia đình và xã hội để tổ chức hoặc tham gia các hoạt động giáo dục theo kế hoạch của nhà trường, bảo đảm an toàn cho người dạy và người học; thông báo về kết quả học tập, rèn luyện của học sinh cho cha mẹ hoặc người giám hộ”. 

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/bi-phu-huynh-xuc-pham-truong-co-duoc-tu-choi-day-hoc-sinh-hay-khong-20231004123122976.htm


Bình luận

Tin cùng chuyên mục