Xưa kia khi thành phố đô thị chưa quá phát triển, nhiều vùng kể cả nội thành thủ đô, cây cối vẫn mọc um tùm. Thành ra khi ấy lũ trẻ con lại có nhiều trò để chơi, nhiều thức quà tuổi thơ để ăn, cứ giơ tay hái bừa trên cây trong vườn hay ngoài đường là cũng có đồ để nhâm nhi rồi, mà lại còn miễn phí cơ. Nghĩ về ngày xưa sao mà “thèm thuồng” thế!
Không biết còn nhiều người nhớ không, nhưng ngày xưa lũ trẻ làng quê Việt thường hay đi hái quả thù lù mọc dại ngoài bờ ngoài ruộng ăn, đặc biệt là tụi trẻ ở ngoài Bắc. Ngày xưa mẹ đi chợ mua 1 bịch thù lù to đùng có 2 ngàn, lũ trẻ ăn chán chê, vậy mà không ngờ rằng bây giờ thù lù thành 1 loại quả được bày bán “sang chảnh” trong siêu thị nước ngoài đấy.
Gần đây, bài đăng của 1 fanpage cộng đồng trên Facebook về chủ đề “Đồ Việt ở nước ngoài giá cả như thế nào?” đã nhận được sự quan tâm rộng rãi. Trong đó, bình luận của 1 cô nàng Việt kiều sống tại Trung Quốc thu hút cư dân mạng về loại quả thù lù mọc dại ở Việt Nam, nhưng khi sang nước ngoài lại được tách thân, sấy khô và đóng ni-lông, bầy trên giá bán với giá không hề rẻ.
Cây thù lù thường chỉ cao hơn đầu gối một chút và phân nhánh lùm xùm, thân cây có góc cạnh. Đặc biệt, quả thù lù tròn bóng, căng mọng và có lớp vỏ trong suốt, được bao bọc trong một lớp đài to, nhìn giống như lồng đèn vậy. Khi chín, quả thù lù hơi ngả vàng, cắn nghe cái “bụp”, ăn vào vừa ngọt vừa chua, lại hơi ngậy (trái sống thì có vị đắng).
Không rõ tự bao giờ và vì sao quả thù lù được gọi là “thù lù”, chỉ biết đám trẻ con thời ấy còn có cả 1 bài đồng dao: “Thù lù, thù lủ, thù lu/ Ai mà hổng có, tui cho thù lù”. Cây thù lù còn có tên gọi khác là cây tầm bóp, cây lồng đèn, thù lù cạnh, thù lù cái… Ở nước ngoài thường gọi là “physalis angulata” hoặc “gold en gooseberry”, “quả cô nương” (tiếng Hán)…