Đời sống
Nắng nóng kỷ lục, bảo vệ sức khỏe thế nào?
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, những ngày qua nắng nóng liên tục xảy ra trên cả nước, nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-39 độ C.
Nắng nóng đỉnh điểm khiến người dân phải che chắn kỹ lưỡng khi ra đường - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Nắng nóng đỉnh điểm khiến người dân phải che chắn kỹ lưỡng khi ra đường – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Tại Hồi Xuân (Thanh Hóa) nhiệt độ cao nhất trong ngày 6-5 đo được trên 44,10C, đây là mức kỷ lục tại Việt Nam.

Thói quen tránh nóng bằng việc thường xuyên sử dụng máy lạnh có thực sự tốt? Làm sao để hoạt động, chơi thể thao an toàn trong thời tiết nắng nóng?

Coi chừng sốc nhiệt

Mới đây nhất, Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) đã cấp cứu thành công cho một nam sinh ở Long An bị tổn thương gan, thận do bị sốc nhiệt sau khi tập chạy trong thời tiết nắng nóng. Nắng nóng kéo dài, nguy cơ xuất hiện những ca bệnh tương tự trong những ngày tới.

Bác sĩ Nguyễn Văn Chi, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay: “Nếu chúng ta ở trong môi trường nắng nóng kéo dài, các cơ chế cân bằng nhiệt của cơ thể sẽ không còn hiệu quả. Khi nhiệt độ tăng lên trên 41 độ C kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến các chức năng của các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận; nếu nhiệt độ tăng quá cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn nghiêm trọng, dẫn đến hôn mê, co giật”.

Theo bác sĩ Chi, những người có nguy cơ cao gặp sốc nhiệt là người phải làm việc kéo dài trong môi trường nắng nóng như nông dân, lao động ngoài trời, công nhân làm việc trên cao, ngoài trời, vận động viên thi đấu, luyện tập…

Dấu hiệu đầu tiên của sốc nhiệt là vã mồ hôi, nhiệt độ tăng dần. Ngoài ra, một số biểu hiện thường gặp như đau đầu, chóng mặt, choáng váng, da đỏ, nóng và khô, yếu cơ hoặc chuột rút… Tình trạng nặng hơn có thể có biểu hiện mất phương hướng, thậm chí co giật. Trong các mùa hè nắng nóng trước đây đã ghi nhận nhiều trường hợp có biểu hiện này do sốc nhiệt.

Để phòng tránh sốc nhiệt trong mùa nắng nóng, bác sĩ Chi khuyến cáo những người thường xuyên làm việc ngoài trời, di chuyển trên đường cố gắng tránh thời điểm từ 11 giờ đến 15 giờ, lúc cường độ nắng nóng cao nhất. Chú ý mặc quần áo chống nắng, che chắn nắng khi làm việc ngoài trời.

“Đặc biệt cần uống đủ nước để phòng mất nước, trung bình cần uống từ 2,5 – 3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng. Nếu phải làm việc ngoài trời, sau một khoảng thời gian cần vào chỗ mát tạm nghỉ 10-15 phút để cơ thể hạ nhiệt, bổ sung thêm nước. Nên chia thành từng ngụm nhỏ, bổ sung nước thường xuyên, không để khi cơ thể quá khát mới bổ sung nước”, bác sĩ Chi khuyến cáo.

Chú ý khi tập thể dục

Bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc – khoa y học thể thao, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) – cho biết khi chơi thể thao trong thời tiết nắng, nóng và cơ thể không được chăm sóc đúng cách có thể dẫn đến sự cố đáng tiếc, nặng hơn nữa là sốc và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Ngoài việc cơ thể bị mất nước thì say nắng, say nóng cũng là một vấn đề nan giải vì nhiều người dân còn chủ quan. Tuy nhiên, các hậu quả do say nắng, say nóng hoàn toàn có thể phòng tránh nếu như người chơi thể thao hiểu được cách tự bảo vệ bản thân.

Bác sĩ Lộc khuyến cáo, đối với những người đam mê các môn thể thao ngoài trời cần lưu ý tập trong giai đoạn này nên mặc các loại quần áo mỏng, thoáng mát để dễ thoát nhiệt, bắt đầu từ các bài tập nhẹ và nâng cường độ dần dần. 

Đối với người chạy bộ, nên chạy chậm để cơ thể điều hòa nhiệt độ từ từ rồi mới chạy nhanh. Khi chạy bộ hoặc luyện tập trên 60 phút thì cần uống nước…

“Nhiều nghiên cứu cho thấy tập luyện thể thao vào thời điểm sáng sớm vừa giúp tránh các tác hại do thời tiết nắng nóng, vừa giúp cho người chơi thể thao có tinh thần tốt hơn và ngủ ngon hơn”, bác sĩ Lộc nhấn mạnh.

Sử dụng máy lạnh ra sao?

Theo bác sĩ Đinh Thế Tiến, khoa nội Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cần lưu ý khi sử dụng máy lạnh trong mùa nắng nóng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí sốc nhiệt. Việc bước từ phòng lạnh ra ngoài trời đột ngột có thể dẫn tới sốc nhiệt.

Để tránh tình trạng này, người dùng nên tắt điều hòa trước khi ra ngoài khoảng 20-30 phút, đồng thời mở cửa để không khí lưu thông giúp cơ thể thích nghi với nhiệt độ ngoài trời. 

Nếu đi từ ngoài vào phòng lạnh, nên mở cửa phòng lạnh và ngồi trước cửa phòng một lát để nhiệt độ cơ thể hạ dần dần, thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ – bác sĩ Tiến cho hay.

Bên cạnh đó, không nên để nhiệt độ phòng chênh lệch quá lớn với nhiệt độ ngoài trời, có thể dẫn đến cảm lạnh, sốc nhiệt. Theo các chuyên gia, nhiệt độ chỉ nên chênh lệch khoảng 7 độ so với môi trường bên ngoài.

Không nên ở trong phòng máy lạnh liên tục. Mùa hè nhiều người không muốn bước ra khỏi phòng lạnh, tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu ngồi trong phòng máy lạnh quá lâu có thể gây ảnh hưởng đến da, dễ mắc các bệnh về hô hấp. Cũng không để điều hòa rọi thẳng vào người.

Vị trí lắp đặt điều hòa cũng rất quan trọng, nhiều người lắp điều hòa và điều hướng gió thẳng vào người, đầu… để nhanh mát. Tuy nhiên, việc đưa gió lạnh trực tiếp vào cơ thể trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe gây cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng…, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục