Đời sống
Sử dụng trí thông minh nhân tạo để bảo vệ tê giác
Nam Phi hiện là quốc gia có nhiều tê giác nhất trên thế giới, với hơn 20 ngàn cá thể sinh sống trong môi trường tự nhiên. Để bảo vệ loài vật đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng này, một khu bảo tồn thiên nhiên ở đất nước cầu vồng đang áp dụng các công nghệ hiện đại để chống lại nạn săn trộm.

Tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Karkloof ở miền Đông Nam Phi, những con tê giác này đang nhận được sự bảo vệ tối đa từ lực lượng an ninh, và cả một hệ thống các camera vận hành bằng phần mềm trí thông minh nhân tạo. Với công nghệ nhận dạng gương mặt, trí thông minh nhân tạo sẽ ngay lập tức báo động cho lực lượng an ninh của khu bảo tồn nếu phát hiện những dấu hiệu hay hoạt động khả nghi trong khu vực.

Ban quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Karkloof cho biết, trí thông minh nhân tạo cho phép lực lượng an ninh giám sát khu bảo tồn liên tục cả ngày lẫn đêm, đồng thời phản ứng nhanh hơn nếu có sự cố xảy ra. Kể từ khi công nghệ hiện đại này được áp dụng cách đây 2 năm, không có con tê giác nào bị bọn săn trộm sát hại tại đây.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Chính phủ Nam Phi, chỉ trong năm 2018 đã có tới 769 con tê giác bị giết chết để lấy sừng trên cả nước.

Chương trình Người đưa tin 24G phát sóng lúc 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin chính trị, đời sống, xã hội thường nhật mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích xoay quanh các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa,…

Topsao


Bình luận

Tin cùng chuyên mục