Tiktok hiện đang là một trong những trang mạng xã hội thu hút lượng lớn người tham gia tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những tích cực mà nó mang lại, Tiktok vẫn tồn tại những mặt tiêu cực vô cùng lớn. Cụ thể khi nữ Tiktoker Đinh Hằng cho rằng Tiktok đã khiến cô bị body shaming và face shaming nhiều hơn 15 năm cô tồn tại trên các trang mạng xã hội.
Theo thống kê số liệu mới nhất từ Advertising Vietnam, Tiktok là 1 trong 6 ứng dụng mạng xã hội lớn nhất trên thế giới. Ứng dụng này phát triển mạnh mẽ nhất khi đại dịch Covid-19 diễn ra vào năm 2020 đến hiện nay, thông qua các đoạn video, người dùng đã lan tỏa những khoảnh khắc vui vẻ, thông điệp tích cực đến cộng đồng khi đất nước trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ này, Tiktok dần trở nên “biến chất” khi nhiều người lạm dụng nó để công kích người khác và cổ xúy cho những lời nói, hành động thiếu ý thức của mình.
Cụ thể, một nữ Tiktoker Đinh Hằng đã cho rằng: “Mình sang Tiktok được vài tháng nhưng số lượng mình bị face shaming và body shaming nhiều hơn tất cả 15 năm mình tồn tại trên các trang mạng xã hội.”
Đinh Hằng là một trong những nữ blogger nổi tiếng trong cộng đồng những người mê “xê dịch”, thời gian mà Travel blogger vẫn chưa được định danh là một nghề chính thức. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cô đã từng trải nghiệm với công việc truyền thông và viết lách. Tuy nhiên, không lâu sau đó Đinh Hằng đã rẽ hướng sang con đường Travel Blogger và gặt hái được nhiều thành công sau đó.
Đến năm 2022, cô chính thức gia nhập Tiktok bắt đầu bằng các đoạn video chia sẻ về những chuyến hành trình của cô tại các quốc gia trên thế giới, cũng như chia sẻ các kinh nghiệm khi đi du lịch của mình. Phần lớn, người xem đều rất thích thú trước những nội dung và thông điệp mà cô truyền tải. Tuy nhiên, một số thành phần khác lại thi nhau chỉ trích và công kích cô vì vẻ bề ngoài không được xinh đẹp hay nói cách khác là body shaming.
“Body shaming” hiện đang là một thuật ngữ khá phổ biến hiện nay, được hiểu là việc sử dụng lời nói, ngôn ngữ để chê bai, chế giễu ngoại hình, khuyết điểm của người khác hoặc chính bản thân mình.
Thực tế thì bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của vấn nạn body shaming, đặc biệt là đối với những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trong xã hội. Vì nhiều người cho rằng họ là người của công chúng thì càng phải chú trọng đến ngoại hình hơn ai hết. Body shaming đôi khi không chỉ là những là những lời chỉ trích nặng nề mà còn là những lần đùa vui “vô thưởng vô phạt”.
Mặt khác, một vài người quan niệm rằng body shaming chỉ là đóng góp để người ta trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là quan điểm nông cạn và thiếu sâu sắc. Bởi họ đâu biết rằng, những lời nói đó vô tình trở thành con dao sắc nhọn, gây sát thương đến tinh thần của người khác. Có thể nói, tổn thương một ai đó khác hẳn với cách khuyên bảo một ai đó.
Ngày nay, với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ thì mạng xã hội lại trở thành một “nơi lý tưởng” cho những kẻ thích tấn công người khác, mà công cụ cụ thể là ngôn từ.
Ngoài ra, một số đối tượng dựa vào vấn nạn body shaming này đã tìm cách trục lợi bằng cách quảng cáo các liệu trình, thực phẩm làm đẹp. Hậu quả dẫn đến nhiều người bị lừa gạt hay tệ hơn phải hy sinh cả tính mạng của mình.
Đôi khi, bạo lực không chỉ là những hành vi tác động vật lý đến người khác mà còn xuất phát từ chính những lời nói, ngôn ngữ của mỗi con người. Vì vậy, mỗi cá nhân cần phải thức và có trách nhiệm với hành vi ngôn ngữ của mình. Đặc biệt, cái đẹp không tồn tại bất kỳ chuẩn mực nào, vì vậy cũng đừng dùng thước đo để đánh giá cho điều này.