Là một trong năm thí sinh thực hiện dự án “Hy vọng”- xây dựng trường mầm non tại thôn Sà Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, thí sinh Phạm Ngọc Linh (SBD 569) đã có những chia sẻ xúc động sau khi hoàn thành hành trình.
“Đường lên Sà Phìn…
Đã vài ngày kể từ khi trở về từ chuyến đi Hà Giang, nhưng văng vẳng trong tôi vẫn là âm thanh huyền bí của rừng núi với tiếng khèn vang vọng từ phía xa, như lời yêu đương hẹn thề của đôi trai gái. Nhắm mắt lại, Hà Giang hiện lên rõ nét trong trí óc, là bức tranh ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp, duyên dáng tựa vào sườn núi như người thiếu nữ vùng cao e ấp. Và cả mùi đất ẩm sau cơn mưa, thứ mùi hương ngai ngái mà quyến rũ, như chứa đựng trong nó cả hồn đất đang dâng lên sức sống mãnh liệt.
Đường lên với Hà Giang khó khăn như trong những lời bài hát tôi vẫn nghe: con đường gập ghềnh sỏi đá pha lẫn với sình lầy dẫn đến thôn Sà Phìn – một trong những điểm cao nhất tỉnh Hà Giang. Đã nhiều lần tôi được nghe về những con đường chẳng một mảnh bê tông nơi đây, con đường mà người ta vẫn hàng ngày vượt khó để đến với miền xuôi. Tôi thoáng nghĩ tới những đêm mưa giông gió rét, có ông bà lão ốm nặng, những đứa trẻ lên cơn hen cơn sốt hay bà bầu lên cơn đau trở dạ, mà thấy cay cay mắt. Bác trưởng thôn cười thật hiền: “Bà con vẫn đi đó chứ, từ đây tới bệnh viện chừng chục cây…”
“Hương rừng thơm đồi vắng
Nước suối trong thầm thì
Cọ xoè ô che nắng
Râm mát đường em đi.”
Cảnh vật càng lên cao càng đẹp. Cả biển mây lững lờ điểm thắt vào cái màu xanh tươi mát của rừng núi như sợi vải lụa khẽ khàng quàng lên bờ vai đẫy đà tươi trẻ. Thấp thoáng có bóng nhà lợp lá cọ đơn sơ điểm vào bức tranh hùng vĩ ấy. Lá cọ, thứ đặc sản diệu kì mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này mà trong hành trình, chính chúng tôi có dịp được trải nghiệm vô cùng thú vị.
Lom khom đôi ba cô bác nông dân nón trắng phau làm nương làm rẫy, giữa buổi đang trưa…
“Hôm qua em tới trường
Mẹ dắt tay từng bước
Hôm nay mẹ lên nương
Một mình em đến lớp”
Điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân tới là điểm lớp học mầm non tạm của thôn. Trên đường đi, tôi cũng được bác trưởng thôn giới thiệu qua đây thực ra là ngôi nhà cấp 4 của bác, trước để bán hàng. Mà thấy “lũ trẻ tội tội”, bác hy sinh ngôi nhà và cũng là một phần thu nhập gia đình để có chốn cho con trẻ học. Ngôi nhà là một căn phòng nhỏ chừng 20 mét vuông, một chiếc bảng chữ cái đã sờn cũ, với dăm ba chiếc ghế nhựa chắp vá chẳng cùng bộ, đặt bên khung cửa sổ hướng ra ruộng đồng – nguồn ánh sáng duy nhất của cả căn lớp học, bởi nơi đây, lưới điện quốc gia chưa kéo tới.
Qua chia sẻ của hai cô giáo ở đây, các em bé được vận động đi học gần hết, nhưng có những em vượt cả quả đồi để tới trường. Mới 3, 4 tuổi thôi, các em đã tự mình tới trường, với hành trang là chiếc túi nhỏ, có cả cơm nắm nhà làm, với đôi dép tổ ong mòn đế. Tôi chợt nghĩ đến mỗi mùa khai giảng, mẹ tôi luôn sắm cho tôi một đôi dép xăng đan mới, tôi thích lắm, cứ mân mê chẳng dám chạy nhanh vì sợ hỏng giày. Vậy mà đã tháng Tám về, các em chẳng dám mơ đến một đôi dép mới, nhiều em còn chạy đôi chân trần trên nền đất nhiều sỏi đá. Ngày mưa ngày gió, các em cũng không nghỉ. Các cô vì thế cũng cố gắng vượt khó để đi từ thành phố lên tới lớp kịp giờ.
“Chim đùa theo trong lá
Cá dưới khe thì thào
Hương rừng chen hương cốm
Em tới trường hương theo.”
Chia tay cô giáo, chúng tôi được tự mình bước đi con đường các em vẫn ngày ngày đi học. Đường đi dốc, thi thoảng có những lạch suối, con thác nhỏ róc rách chảy ngang đường. Tôi chợt nghĩ, các em nhỏ ở đây cũng có phần may mắn khi được lớn lên trong thiên nhiên hùng vĩ thế này, nhưng khó khăn vẫn là phần nhiều. Đến chính tôi sống trong điều kiện vật chất đủ đầy mà nhiều khi còn ngại ngần đi học. Chẳng vì thế mà tỉ lệ trẻ em bỏ học buổi chiều ở miền cao lên đến hơn 80%. Và ý nghĩ đó làm tôi càng có thêm động lực để hoàn thành ngôi trường thật nhanh, để các em chẳng phải nghỉ một ngày học đáng quý nào.
“Trường của em be bé
Nằm lặng giữa rừng cây
Cô giáo em tre trẻ
Dạy em hát rất hay”
Thôn bản đã hiện ra trước mắt. Chúng tôi được ở tại ngôi nhà sàn nằm bên cạnh nhà văn hoá thôn. Chúng tôi nhanh chóng bắt tay vào các công việc thường nhật của bà con nơi đây để hiểu thêm về văn hoá địa phương. Trong khi các bạn đi hái chè, hái thảo quả, tôi may mắn được gặp bác Đặng Thị Trắm, trò chuyện và học cách đan sợi dây thổ cẩm truyền thống của người Dao. Mỗi sợi dây chỉ bán được mười mấy nghìn, mà mất đến cả tháng trời để đan. Vậy mà bác vẫn miệt mài làm, âu cũng vì muốn gìn giữ một nét văn hoá cổ xưa mà ông bà để lại. Bác không nói được nhiều tiếng Kinh, nhưng khi nghe thấy dự án có trường mới cho các em mầm non, đôi mắt bác ánh lên niềm vui. Vừa đan dây, bác vừa cười và nói: “Nếu trường mới có thì vui mà…”
Câu nói nếu xét về tiếng phổ thông thì giản đơn hết sức, nghe như tiếng con trẻ tập nói, nhưng đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc hơn cả.
Chiều chiều, ở thôn bản sương xuống mờ lối đi. Chúng tôi cùng các em nhỏ ra sạp tre dựng ngoài trời tập hát, chơi chi chi chành chành trong bộ trang phục truyền thống người Dao. Tiếng hát vang vọng núi rừng xen lẫn với tiếng gió vi vu, tiếng trẻ thơ cười hồn nhiên, trong trẻo như dòng suối mát lành. Nhìn thấy ngôi trường ngày một hoàn thiện, mà đôi bàn tay mình góp phần trộn vôi vữa, xếp từng viên gạch lên, tôi háo hức mơ về một ngày, tiếng hát tiếng ca ấy được vang lên dưới mái trường.
“Hương rừng thơm đồi vắng
Nước suối trong thầm thì
Cọ xòe ô che nắng
Râm mát đường em đi…”
Ngày cuối cùng cũng tới. Trời mưa suốt nên trường vẫn chưa kịp hoàn thành, trong lớp học, chúng tôi cũng kịp tự tay đóng những chiếc tủ nhựa cho kịp ngày bàn giao. Sân khấu được lợp bằng lá cọ do chúng tôi chính tay đi hái, lá to làm nền phía sau, lá nhỏ làm “đạo cụ biểu diễn” cho tiết mục múa hát ngẫu hứng của chúng tôi. Bà con đến sớm, nô nức như hội. Những cô mặc áo dân tộc đứng xòe ô bẽn lẽn ngó xem. Những đứa trẻ đến sớm nhất, í ới gọi tên chúng tôi. Ý nghĩ về đôi dép vẫn ám ảnh chúng tôi, nên món quà bí mật dành cho các em chính là những đôi dép mới để các em có được niềm vui nhỏ nhoi giống khi tôi còn nhỏ.
Suốt những ngày ở đây, chúng tôi được tặng những chiếc vé về tuổi thơ, đến mức thuộc tên hầu hết những đứa trẻ khắp thôn bản. Các em có chúng tôi đến, ngày ngày chạy qua nhà sàn nơi chúng tôi ở, tôi thích mân mê mái tóc đen bóng của các bé gái, tết cho các em các kiểu điệu đà. Tôi thích nhìn ngắm các em mỗi khi giương đôi mắt to tròn nghe những “câu chuyện thành phố”, chuyện máy bay, chuyện những miền đất các em chưa một lần đặt chân, hay thậm chí nghe thấy tên. Các em đều có ước mơ, đứa mơ làm cô giáo dưới phố, đứa muốn làm tiếp viên hàng không giống tôi để được sải đôi cánh bay lượn khắp bầu trời. Những ước mơ ấy, chúng đẹp vô ngần, và chúng tôi hân hạnh lắm khi được góp phần chắp cánh cho những mơ mộng đó.
Tôi tự hỏi: các em học ở tôi, hay chính chúng tôi đang được các em dạy về lòng yêu thương chân thành và sự lạc quan trước mọi hoàn cảnh?
Bài hát “đi học” cứ vang lên trong đầu tôi, ngân nga hòa lẫn cả tiếng gió, tiếng suối, tiếng cười con trẻ, tiếng người Dao mới quen đã thấy thân thương gần gũi:
“Hầu nhảu ti đọi thăng bủ đung đủng bêu” – Xin cảm ơn, cảm ơn vì bà con đã giúp đỡ!”.