Sao Châu Á
Những tiểu thuyết võ hiệp kinh điển trong sự nghiệp Kim Dung
Dù đã ra đi, tên tuổi của nhà văn Kim Dung vẫn sống mãi trong tim người hâm mộ với những tác phẩm đã đi vào huyền thoại dòng tiểu thuyết võ hiệp.
Những tiểu thuyết võ hiệp kinh điển trong sự nghiệp Kim Dung - ảnh 1

Cố nhà văn Kim Dung.

Thông tin nhà văn Kim Dung qua đời ở tuổi 94 thực sự là cú sốc lớn đối với giới văn học, điện ảnh toàn cầu. Từ lâu, tên tuổi của ông thực sự đã trở thành tượng đài không thể phá vỡ trong làng tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc, đến mức được tung hô là “võ lâm minh chủ”.

Ông ra đi, để lại cho hậu thế kho tàng văn học quý giá, với 15 kiệt tác tiểu thuyết võ hiệp. Trong đó, nhiều tác phẩm đã trở thành “nằm lòng” của những người mộ điệu, thậm chí được chuyển thể nhiều lần qua màn ảnh.

Tiếu Ngạo Giang Hồ

Những tiểu thuyết võ hiệp kinh điển trong sự nghiệp Kim Dung - ảnh 2
Tiếu Ngạo Giang Hồ được đánh giá là tác phẩm hay nhất của cố nhà văn Kim Dung, được ông bắt đầu chấp bút vào năm 1967 và hoàn thành vào năm 1969. Tên của tiểu thuyết lấy theo tên của một nhạc khúc không lời, viết cho đàn thất huyền cầm và sáo, do hai người bạn tri âm tri kỉ Lưu Chính Phong của phái Hành Sơn (Chánh giáo) và Khúc Dương (trưởng lão của Triêu dương thần giáo – thường gọi là Ma giáo) viết ra và diễn tấu.

Tiểu thuyết xoay quanh nhân vật Lệnh Hồ Xung, một chàng trai ngay thẳng, phóng khoáng, lãng tử, không bị ràng buộc bởi các tham vọng tầm thường, mà chỉ thích ngao du, thưởng rượu.

Tuy nhiên, không vì thế mà Lệnh Hồ Xung được sống cuộc đời như ý. Anh bị cuốn vào các âm mưu tranh quyền đoạt vị, rồi trở thành một kiếm khách lừng lẫy giang hồ.

Tác phẩm được chuyển thể ít nhất 14 lần. Mới đây nhất là bản truyền hình “Tân Tiếu ngạo giang hồ” do Trung Quốc đại lục sản xuất và ra mắt năm 2018.

Anh Hùng Xạ Điêu

Những tiểu thuyết võ hiệp kinh điển trong sự nghiệp Kim Dung - ảnh 3

Anh hùng xạ điêu là cuốn tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng của cố nhà văn Kim Dung, công bố năm 1957. Tác phẩm này mang bối cảnh của lịch sử Trung Quốc thời Tống – Liêu.

Xuyên suốt tác phẩm là hành trình trưởng thành của Quách Tĩnh – chàng trai khù khờ, chậm hiểu, nhưng thành thật và nghĩa hiệp. Ban đầu, Quách Tĩnh chỉ nổi trội ở tài bắn chim điêu, nhưng nhờ cơ duyên đã được học nhiều bí quyết võ công và trở thành anh hùng “đội trời, đạp đất”.

Trên đường phiêu bạt giang hồ, Quách Tĩnh gặp và yêu Hoàng Dung, cô gái tài trí hơn người, ứng biến nhanh nhạy. Cặp uyên ương quyết định vào sinh ra tử dù bị nhiều người phản đối và phải tranh đấu với nhiều âm mưu, thế lực.

“Anh hùng xạ điêu” được chuyển thể ít nhất 9 lần, mới nhất là bản truyền hình do Trung Quốc đại lục sản xuất năm 2017.

Ỷ Thiên Đồ Long Ký

Những tiểu thuyết võ hiệp kinh điển trong sự nghiệp Kim Dung - ảnh 4
Ỷ Thiên Đồ Long Ký ra mắt năm 1961, nội dung xoay quanh truyền thuyết về Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm là hai báu vật, mục tiêu khao khát của nhiều kẻ thủ đoạn trong võ lâm.

Tác phẩm này nói về các thế hệ sau của những nhân vật trong “Anh hùng xạ điêu”, khi Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao là do Quách Tĩnh và Hoàng Dung rèn thành, để cất giấu pho võ công thượng đẳng Cửu Âm Chân Kinh. Trải qua nhiều đời, hai báu vật này trở thành nguyên nhân cho sự hỗn loạn, tranh giành trong võ lâm.

Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết là chàng trai Trương Vô Kỵ. Chàng vướng vào mối tình phức tạp với bốn cô gái, cũng như những âm mưu thủ đoạn tàn khốc trong giang hồ.

Tác phẩm này được chuyển thể ít nhất 15 lần, mới nhất là bản truyền hình do Trung Quốc đại lục sản xuất, dự kiến ra mắt năm 2018.

Thiên Long Bát Bộ

Những tiểu thuyết võ hiệp kinh điển trong sự nghiệp Kim Dung - ảnh 5

Thiên Long Bát Bộ được xuất bản lần đầu vào năm 1963. Tác lấy bối cảnh thời Tống Triết Tông, giai đoạn đánh dấu chế độ phong kiến Trung Quốc chuyển từ thịnh sang suy, sáu nước: Lý, Tống, Liêu, Kim, Yên lúc thì liên kết đồng minh, lúc lại nhòm ngó, thôn tính lẫn nhau.

Tiểu thuyết xoay quanh cuộc đời của ba huynh đệ kết nghĩa Kiều Phong, Đoàn Dự và Hư Trúc. Mỗi người một số phận, một kết cục khiến người xem những chiêm nghiệm khó quên về mối quan hệ nhân quả giữa các nhân vật với gia đình, dân tộc, đất nước.

Có thể nói, Thiên Long Bát Bộ đã vượt qua giới hạn của tiểu thuyết lịch sử truyền thống, đồng thời cũng vượt qua giới hạn của tiểu thuyết võ hiệp, làm nên đỉnh cao trong sự nghiệp của Kim Dung.

Tác phẩm được chuyển thể ít nhất 8 lần, gần đây nhất là bản truyền hình phát sóng vào năm 2013.

Thần Điêu Đại Hiệp

Những tiểu thuyết võ hiệp kinh điển trong sự nghiệp Kim Dung - ảnh 6

Thần Điêu Đại Hiệp (hay Thần Điêu Hiệp Lữ) được đánh giá là tiểu thuyết võ hiệp viết về tình yêu hay nhất của Kim Dung.

Bối cảnh của Thần điêu hiệp lữ là vào cuối thời Nam Tống, khi quân Mông Cổ đã lớn mạnh, tiêu diệt hầu hết châu Á, châu Âu, đang trực tiếp uy hiếp an nguy của Nam Tống. Truyện xoay quanh tình yêu vượt qua định kiến xã hội của Dương Quá và cô cô Tiểu Long Nữ, giữa những cuộc chiến tang thương đẫm máu cả trên giang hồ lẫn chiến trường.

Thần Điêu Đại Hiệp được chuyển thể ít nhất 14 lần. Bản mới nhất sẽ được phát sóng trên truyền hình vào thời gian tới.

Tuyết Sơn Phi Hồ

Những tiểu thuyết võ hiệp kinh điển trong sự nghiệp Kim Dung - ảnh 7

Tuyết Sơn Phi Hồ ra mắt năm 1959. Trong số tiểu thuyết của “võ lâm minh chủ” Kim Dung, đây là tác phẩm gây tranh cãi nhiều nhất về các cách dẫn dắt câu chuyện, lẫn cái kết bỏ ngỏ.

Tên tác phẩm được lấy theo ngoại hiệu của Hồ Phỉ – một thanh niên trí tuệ và võ công hơn người. Hồ Phỉ chính là người hóa giải được mối thâm thù nhiều đời của bốn họ Hồ, Miêu, Phạm và Điền, vốn là bốn vệ sĩ trung thành của Sấm Vương Lý Tự Thành.

Tác phẩm được chuyển thể ít nhất bảy lần. Dự án phim truyền hình mới nhất được công bố năm 2015.

Lộc Đỉnh Ký

Những tiểu thuyết võ hiệp kinh điển trong sự nghiệp Kim Dung - ảnh 8
Lộc Đỉnh Ký là tiểu thuyết võ hiệp cuối cùng của Kim Dung, sáng tác từ năm 1969 tới 1972.

Nếu ở các tác phẩm khác, nhân vật chính là các hiệp khách võ công cao cường, nhân tâm hiệp cốt, trừ gian diệt bạo, ở Lộc Đỉnh Ký, nhân vật chính xuất thân hèn kém và hoàn toàn không phải người chính trực.

Vi Tiểu Bảo là một nhân vật có khắc họa khá đặc biệt, tuy không biết chữ, chẳng biết võ công, nhưng nhờ có miệng lưỡi trơn như mỡ, óc thực dụng, tính ích kỷ, tiểu nhân điển hình cộng với đầu óc linh hoạt ứng biến nhanh nhạy mà đạt được nhiều thành công, danh lợi.

Tác phẩm võ hiệp cuối cùng của Kim Dung này được chuyển thể ít nhất 12 lần, mới nhất là bản truyền hình “Tân Lộc Đỉnh Ký” phát sóng vào năm 2014.

Theo TPO


Bình luận

Tin cùng chuyên mục