Có thể nói Leon Lê (tên đầy đủ là Leon Quang Lê) là một người có 100% chất “nghệ”. Chỉ nhìn thoáng qua cũng có thể thấy anh là một nhân vật thuộc về thế giới nghệ thuật hoàn toàn. Từ tư thế đứng, dáng đi, dáng ngồi, cơ thể và gương mặt, cách anh quan tâm trò chuyện.. đều khác với số đông. Cơ thể anh cho biết nó thường xuyên nhảy múa. Gương mặt anh cho thấy một con người có nội tâm hết sức dịu dàng. Vị đạo diễn hiện đang tạo được sự chú ý với bộ phim điện ảnh đầu tay “Song Lang“, công chiếu vào ngày 17 tháng 08/2018. Nét đặc sắc của phim là sự kết hợp lần đầu giữa yếu tố ngôn tình và nghệ thuật cải lương cổ truyền. Là một nhân vật bí ẩn và mới mẻ với số đông công chúng, nhưng thật ra Leon không phải là tay mơ với những người làm phim tại Việt Nam nói riêng và người làm nghệ thuật nói chung. Trước Song Lang (2018), anh đã có 3 phim ngắn là Not Another Kung Fu Movie (2007), Dawn (2012) và Talking to My Mother (2014).
Năm 2012, Dawn của anh đã giành được giải thưởng phim ngắn LGBT hay nhất, phim ngắn quốc tế hay nhất và giải đạo diễn xuất sắc nhất. Năm 2014, Dawn tiếp tục giành giải thưởng Dàn dựng xuất sắc nhất và Dàn diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Asians on Film Festival ở Los Angeles, Mỹ.
Lục lại hồ sơ, Leon Quang Lê sinh năm 1977 tại Việt Nam. Năm 13 tuổi, anh sang Mỹ định cư cùng gia đình, sau đó theo học ngành nhạc kịch Broadway. Học được 2 năm, anh có công việc đầu tiên và bỏ học. Anh đã nghĩ rằng mình sẽ đi hát hết hợp đồng rồi quay lại học tiếp, nhưng chuyện đó đã chẳng xảy ra.
Từ Los Angeles, Leon bắt đầu chuyển qua New York sống và theo đuổi nghề diễn viên. Leon đã làm việc như một vũ công/ca sĩ/diễn viên chuyên nghiệp của nhà hát American Musical, tham gia các tour diễn nhạc kịch Broadway và Off-Broadway tại Mỹ và trên thế giới. Anh cũng xuất hiện trong nhiều phim Mỹ và Việt Nam.
Leon tự xem mình là người may mắn dù gặp rất nhiều chướng ngại cho việc làm nghề: gốc Á Đông, bắt đầu học trễ so với tuổi. Thông thường trẻ em theo đuổi con đường này được cho học chuyên môn từ độ tuổi 4-5-6. “Các gia đình Việt Nam ở Mỹ chỉ muốn cho con đi làm bác sĩ hoặc làm nail, không ai muốn con cái làm nghề cực khổ và nghèo như diễn viên cả. Thống kê ở nước ngoài cho biết chỉ có 2% diễn viên sống được bằng nghề. 10 người trong lớp của Leon Lê, thì có 8 người ra trường bỏ nghề, không theo đuổi con đường nghệ thuật” – Leon cười nói.
Là một trong số ít các diễn viên gốc Việt trên sân khấu nhạc kịch Mỹ, sau gần 20 năm làm nghề, Leon Lê bắt đầu chán. Chuyên môn của anh phân theo vũ công/ca sĩ/diễn viên, và thế mạnh của Leon là vũ công. “Nghề này chỉ có thể phát triển đến một mức độ nào đó, sự sáng tạo của bản thân không được nhiều, ít nhiều có cảm giác con rối mặc dù lúc đầu rất vui. Càng lớn hơn, mình càng có những câu chuyện muốn kể, muốn làm. Nhiều khi đi cast một dự án hoặc làm một show chỉ vì mình muốn có công việc, chứ không phải là đam mê. Đến một độ tuổi nào đó mình tự hỏi, tại sao lại phải phí phạm thời gian như vậy khi có nhiều điều muốn làm hơn?”
Chuyển sang làm phim là một quyết định khá lớn của Leon, bởi anh biết rằng khi rời xa môi trường nhạc kịch, sẽ rất khó để trở vào. Nhưng anh muốn tự làm dự án của mình. Và ở Việt Nam, điện ảnh đã đi xa hơn sân khấu, phát triển nhanh hơn, cập nhật nhanh hơn.
Ngô Thanh Vân không phải là nhà đầu tư đầu tiên, mà là nhà đầu tư cuối cùng mà Leon Lê đưa kịch bản Song Lang. “Có một lý do mà mình rất sợ và không đưa cho Vân ngay lúc đầu, đó là Vân là một người rất quyết liệt, và nổi tiếng hay nhúng tay vô. Điều đó là không được (cười)! Sau đó Vân nói rằng “Em sẽ không chỉnh sửa gì trong kịch bản của anh hết. Anh muốn làm sao anh làm.” Và Vân đã giữ đúng lời hứa đó. Casting Vân không hề có ý kiến, trong suốt quá trình quay Vân chỉ lên set đúng 3 lần, mỗi lần 2-3 tiếng. Vân chỉ tham gia thật sự vào khoảng 1 tháng gần đây, sau khi phim đã xong hết rồi, để theo đúng kế hoạch PR. Đó cũng là điều kiện của Leon. Không phải vì nóng lòng muốn làm mà sẵn sàng bắt tay với một đối tác có khả năng làm nát bét kịch bản của mình. Mình phải sáng suốt và linh động. Bởi khi mệt mỏi, muốn làm quá, mình dễ đưa ra những quyết định sai lầm“.
Lúc đầu Leon muốn làm phim với cải lương những năm 50, 60s, có ghe thuyền ở chợ sông. Nhưng như thế hoành tráng quá, mà để ra được chất đó thì đòi hỏi sự hiểu biết thực tế về thời kì đó, thêm nữa kinh phí sẽ rất lớn. Cải lương những năm 80s thì Leon hiểu rất rõ, tự tin hơn.
“Ý tưởng Song Lang thực ra được lấy cảm hứng từ Năm Cam. Leon nghe nói Năm Cam ngày xưa rất mê cải lương, mê nghệ sĩ. Chém giết gì đó thì không biết, nhưng khi nghệ sĩ tới gần thì luôn ủng hộ. Nghệ sĩ cải lương hay ca sĩ cần tiền, Năm Cam vô cùng ủng hộ. Và rất mê xem hát, luôn mở tiệc ở nhà mời đào kép tới. Leon thấy tứ này rất hay và lại chưa có người làm. Hai thế giới đối lập, hoàn toàn trái ngược nhau, nhưng nghệ thuật mang nó lại gần nhau: Một ông trùm thuộc giới giang hồ mê cải lương, mê một người thuộc giới cải lương. Nhưng mê cô đào thì cũng bình thường quá (và kịch bản được viết 6 năm trước nhé!), nên sẽ là một ông giang hồ nhìn rất đàn ông, nam tính, mê một anh kép. Nhưng mê như thế nào? Tình yêu kiểu gì? Có rất nhiều loại tình yêu. Bây giờ phổ biến là đam mỹ, đúng là phim đam mỹ đấy, nhưng đam mỹ có nhiều cách. Có rất nhiều kiểu yêu, dù là tình yêu lãng mạn cũng đã có nhiều thể loại. Sau khi xác định những điều đó thì mở ra hướng đi cho mình.“
Thừa nhận Song Lang chịu ảnh hưởng của Vương Gia Vệ do anh mê vị đạo diễn Trung Quốc và tất cả những phim của ông. Leon nói “Khi yêu thích ai rồi, thế nào mình cũng bị nhiễm. Nhưng ăn thua là mình có thể vượt qua cái nhiễm đó mà tạo ra phong cách riêng của mình. Mình chịu ảnh hưởng chứ không bắt chước.”
Leon xác định Song Lang không phải để thỏa mãn khán giả, không chiều khán giả. “Không phải mình bất chấp khán giả, nhưng mình muốn thử thách khán giả. Vì mình yêu khán giả nên muốn cho họ những món ăn mới, vì mình tin rằng họ thông minh hơn. Hiện nay các nhà sản xuất đánh giá khán giả rất thấp. Tôi nghĩ các bạn khán giả phải nhìn vô thị trường và cảm thấy mình đang bị thiếu tôn trọng. Làm sao những phim như thế mà dám ra rạp và bạn nghĩ tôi xứng đáng được ăn món ăn đấy? Nhưng người ta cứ tiếp tục nấu những món ăn đấy vì người ta nghĩ rằng đó là khẩu vị của các bạn. Và nó sẽ còn như thế mãi, phải không? Leon cảm thấy bực mình với lần quay thêm, thêm tí xíu thỏa hiệp để thỏa mãn nhà sản xuất. Và nhà sản xuất muốn thỏa mãn cái mà họ nghĩ là khán giả muốn.”
Cuộc trò chuyện của Leon Lê tại Xinê House rất thú vị. Anh thông minh và hài hước, quyết liệt và linh hoạt. Topsao đã đưa ra một vài câu hỏi với vị đạo diễn rất mạnh về chủ đề LGBT này.
Với Song Lang, anh muốn kể một câu chuyện về cải lương hay một câu chuyện tình yêu?
– Song Lang không phải là câu chuyện cải lương. Đó là câu chuyện về một mối giao tiếp, mối quan hệ giữa các con người, là một câu chuyện tình yêu. Và tình yêu này rất lớn, bao trùm. Nhưng cải lương đóng một vai trò rất quan trọng, ngoài việc là nền chính của phim, nó còn đóng vai trò kết nối và sử dụng tứ ẩn dụ trong phim.
Anh không còn cảm thấy hứng thú với công việc cũ bởi muốn kể câu chuyện của riêng mình, và Song Lang là câu chuyện mà anh muốn kể. Vậy với việc lựa chọn điện ảnh như là hướng đi tiếp theo, anh sẽ chỉ kể câu chuyện của riêng mình hay sẽ còn kể chuyện của người khác?
– Leon muốn sẽ không chỉ làm những câu chuyện mà mình kể. Nhưng trong thời gian qua, những kịch bản mà Leon được đưa cho không đúng với dòng phim mà mình muốn làm, nên mình không nhận. Ít nhất với phim điện ảnh đầu tay, Leon muốn nó có gì đó là của mình. Charlie Nguyễn có Dòng máu anh hùng, Hàm Trần có Vượt sóng, Victor có Chuyện tình xa xứ, Leon không thể nhào vô mà làm “Em chưa 18” 2. Nó bị vô duyên. Mình phải xác định mình là ai trước đã. Vì mình không làm phim vì cần một công việc. Mình bỏ công việc để làm phim, thì việc làm phim phải có một ý nghĩa gì đó.
Nếu có một kịch bản phim đúng hướng mà Leon muốn đi, Leon sẵn sàng làm. Bởi vì viết kịch bản mệt lắm. Mình không phải là người được đào tạo về làm phim hay viết kịch bản, thành ra viết ra kịch bản ngắn lắm, viết rất mệt. Song Lang được Leon viết cùng nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc (Người nổi tiếng với tác phẩm Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ. Năm 2007, chị có xuất bản tập Một trăm câu hỏi đáp về sân khấu cải lương Nam Bộ- Sài Gòn – PV).
Liên Bỉnh Phát – diễn viên nam chính của phim có ngoại hình khá giống anh. Không biết Song Lang có phải là câu chuyện của chính anh?
– Sao ai cũng nói giống. Liên Bỉnh Phát đẹp trai hơn nhiều (cười) nói thế Phát buồn. Đó không phải là lý do Leon chọn Phát. Leon chọn Phát vì thấy Phát rất hợp vai, rất giống nhân vật Leon tưởng tượng. Chắc Leon cũng tưởng tượng mình đóng vai nhân vật đó (cười).
Trong tất cả các dự án phim ảnh của Leon, 95% phim mang DNA của Leon. Không phải là trực tiếp, nhưng chắc chắn nó mang suy nghĩ, tính cách của mình: trong những trường hợp như vậy mình sẽ xử sự như thế nào? trong trường hợp đó mình sẽ đối đáp như thế nào? Muốn hay không muốn, nó vẫn mang tính cách và trải nghiệm của mình. Trong Song Lang, có 95% là những trải nghiệm của Leon. Không hẳn câu chuyện Song Lang là về cuộc đời của Leon, nhưng những cái nhỏ nhỏ, như cảnh hai nhân vật chính ở trên sân thượng, mình đã từng trải qua cảm giác cùng một người trên sân thượng như thế, cảm giác thích nhau mà không thể nói ra, đứng cạnh nhau mà cảm thấy luồng điện… Mình hiểu được như vậy, thành ra dùng những cái đấy viết ra.
Nó thật, bởi vì mình không tưởng tượng. Ánh nhìn của Phát nhìn Isaac, mình đã từng nhìn một người khác như thế nào rồi? Có thể không hẳn là người yêu, nhưng mình hiểu trường hợp đó. Những câu thoại trong phim Dawn, 80% là chuyện thật xảy ra đối với Leon. Đối đáp trong Dawn là bê hết cuộc đối đáp của Leon trong đời. Song Lang hay Talking to My Mother cũng có những đối đáp trong đời của Leon…
Như Leon đã nói, vì không học qua trường lớp, nên Leon tự tin hơn khi kể những câu chuyện mà mình biết, để mình hiểu được nhân vật của mình muốn gì – vì ít nhiều nó nói về mình; và không ai nói mình xạo được. Không ai nói Song Lang xạo được, vì tất cả là những con người, những hình ảnh Leon đã gặp và đã thấy… Có thể người xem chưa trải nghiệm qua, nhưng tất cả những gì Leon viết là có thật.
Anh có bao giờ hỏi đạo diễn Ngô Thanh Vân, tại sao chị lại chọn kịch bản Song Lang?
– Leon không hỏi, vì hiểu, và tin là Vân thấy được tiềm năng. Vân là người thông minh, và Vân nhìn, thấy được tiềm năng của Song Lang, trong khi những nhà sản xuất khác không thấy được. Và Song Lang cũng đi theo hướng đi của Studio68, họ muốn làm cái gì đó về cổ truyền. Nhưng Vân đã tuyên bố sau phim này Vân không muốn làm thể loại này nữa. Làm nghệ thuật cực quá! (Cười). Bị hồi hộp.
Nhưng mình phải hiểu Studio68 đầu tư 70%. Đó là một con số rất lớn và tiền đó không phải tiền của Vân. Vân phải lấy danh dự của mình ra để kêu gọi. Và nếu nó rớt sẽ làm hỏng những dự án sau của Vân. Phải hiểu điều đó. Vân cũng có những đối đầu riêng của Vân, của nhà sản xuất, còn mình thì ích kỷ, chỉ muốn làm phim của mình đúng theo ý của mình thôi.
Nhưng nếu muốn 100% ý mình thì phải đi xin tiền, xin tài trợ làm, rất lâu. Còn làm theo hình thức này thì dù Vương Gia Vệ hay Steven Spielberg thì cũng phải đối đầu với những ông chủ ở trên. The Grandmaster (Nhất Đại Tông Sư) lúc qua Mỹ chiếu cũng bị cắt tùm lum, còn hơn một tiếng, xem mất đầu mất đuôi. Mình hiểu môi trường làm phim như vậy, vì đầu tư không ai muốn mất tiền.
Anh đã nói sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu kỷ luật ở Việt Nam khiến cho việc làm phim trở nên khó khăn hơn. Vậy ở đây, có ekip nào hoặc cá nhân nào anh thích làm việc cùng?
– Hiện giờ rất yêu ekip Song Lang, vì đó là ekip duy nhất Leon làm việc cùng (cười).
Là do anh đã đào tạo ra họ, hay họ vốn dĩ hay?
– Lý do tôi nghĩ vì ekip này rất mới. Các bạn rất trẻ, và lý do nhà sản xuất kêu gọi được các bạn vì các bạn đó rẻ (cười). Vì họ mới, họ trẻ, họ chưa làm nhiều, chính vì vậy nên họ rất đam mê. Và họ dễ tiếp nhận lửa từ mình. Họ chưa bị chán vì đi phim này phim kia, bao nhiêu phim nên mất lửa. Trong cái xui có cái hên. Có thể họ không có kinh nghiệm nhiều bằng những người khác, nhưng họ rất lửa.
Sau khi xem lại phim lần cuối, anh có cảm thấy hài lòng không?
– Khi mình xem lại, mình ước gì có thêm thời gian, ước gì mình thông minh hơn, nhạy bén hơn lúc ấy để làm tốt hơn thôi. Nhưng rồi xem tới xem lui quá, giờ không muốn nhìn lại nó nữa. Trong tuần này Leon cứ phải đi test phim ở rạp. Thương nó lắm, nhưng không muốn nhìn nữa. Mình cũng bị mất cảm xúc rồi. Bây giờ phải cho một người khách quan xem thôi, hoặc phải 1-2 năm sau xem lại mình mới thấy được. Còn bây giờ mình xem bị để ý kỹ thuật.
Hơi tiếc một chút, tại sao anh có một thời gian sống và làm việc lâu như vậy tại Mỹ – một môi trường cực kì ưa sự hư cấu, và ở đó trí tưởng tượng được thoải mái bay xa; vậy mà về Việt Nam anh lại rụt rè đi, bớt những yếu tố tưởng tượng cho phim như anh nói lúc đầu?
– Rụt rè vì Leon đang chơi trong sân nhà người khác, dưới luật lệ của người khác, mình phải nhập gia tùy tục chứ! Mình muốn được vô đây chơi thì mình phải theo luật lệ nhà người ta. Và điều đó sẽ cần thời gian để làm quen. Và mình cũng phải xem mình đẩy hàng rào đó được bao xa. Bởi vì mình muốn đi đường dài.
Xin cảm ơn sự chia sẻ của đạo diễn Leon Quang Lê!
Thiết kế: Hà Đỗ
H. Hương Giang