Spotlight
Lê Hiếu: Không phải vì thất tình nên hát nhạc buồn
Một trong những giọng nam trưởng thành, được yêu mến nhất trong giới nghệ sĩ Việt phải kể đến Lê Hiếu. Khán giả trẻ đánh giá cao đã đành, khán giả đứng tuổi càng đánh giá cao anh - nam ca sĩ có cách hát đậm chất tự sự, lãng tử, trữ tình của mảnh đất Hà Thành.

Gần như có một mặc định, người hát nhạc sôi động thì tính cách trẻ trung sôi động, người hát nhạc ballad trữ tình thì đa cảm đa sầu, dễ yêu dễ vỡ. Lê Hiếu dường như là ngoại lệ của cả hai điều đó. Cuộc trò chuyện với Topsao cho thấy con người ngoài đời và trên sân khấu của anh rất khác nhau. Trên sân khấu, anh như lạc vào vào vùng trời riêng, phiêu lãng với những mảnh tình chưa khép, ngoài đời anh nhẹ nhàng, tỉnh táo, lý trí, thông minh, cân bằng, ngay cả khi bị rơi vào những tình huống khó.

Một mình đi hai hướng, nhắm vào hai đối tượng

Sau thành công bất ngờ năm 2017 với bản remix “Ngày mai em đi” đạt gần 50 triệu views trên Youtube, tại sao anh lại quay trở lại dòng nhạc xưa mà không đi tiếp con đường nhạc trẻ?

– Mình vẫn đi tiếp, nhưng những bài nhạc trẻ để dành hết vào tháng 10, tháng 11, tháng 12 năm nay. Mình sẽ đi theo con đường rất là thành công đó. Còn với album mới “Tôi với trời bơ vơ”, mình vẫn sẽ giữ dòng nhạc này. Có một lượng khán giả từ trước tới nay của dòng nhạc này, ra album nhạc xưa để phục vụ họ.

Tháng 9 mình cũng vừa ra một bài remix “Người tình phôi pha”, năm nay còn 2 bài để ra mắt nữa, một bài của Tiên Cookie, một bài của nhạc sĩ Phạm Thanh Hà. Hà ngày xưa đã viết cho Hiếu bài “Người từng bên nhau” và là tác giả cùng viết “Bùa yêu”.

Bài Hà viết riêng cho mình đã làm xong, nhưng mình vẫn muốn có thêm thời gian để kịp quay MV cả hai bài để ra, cộng thêm một version khá đặc biệt cho bài của Hà nữa. Mình đã có thêm một idea khác và làm một mix nhạc khác cho bài đó. Mình chờ cả 2 bài luôn và chờ một sự kết hợp với một nhân vật nữa.

Mình đang chạy đua với thời gian, cố gắng trong tháng 10 sẽ ra 1 một bài trước. Nhạc trẻ Hiếu chỉ ra single thôi, giống như con đường năm 2017 đã đi, một năm sẽ tung ra khoảng 2 bài.

Thật sự rất bất ngờ với hướng đi này của anh, đây có lẽ là một hướng đi mới thông minh.

– Mình cũng không rõ nhưng nhạc trẻ thì xu hướng ra single hấp dẫn hơn, mình sẽ có nhiều thời gian để tập trung vào 1 bài hát hơn. Chọn nhiều lắm, chọn từ năm ngoái đến giờ may quá cuối cùng cũng được một bài khá là ưng ý.

Như thị trường Kpop chẳng hạn, ca sĩ thường ra album và single là ca khúc chủ đề trong album đó. Còn như anh, anh sẽ ra single nhắm vào giới trẻ, và ra album để nhắm vào khán giả trung thành?

– Đúng rồi!

Đã có ai làm cách này trước đây chưa, thưa anh? Phân chia thị trường và sử dụng phương pháp riêng cho mỗi bên như vậy chưa?

– “Tôi với trời bơ vơ” là album đầu tiên mà Hiếu phân chia và cũng là album đầu tiên chỉ có nhạc xưa, còn trước đây khi ra đĩa mình chọn 1-2 bài nhạc xưa cho vào thôi. Vì lúc đó mình còn trẻ quá, ra album mà hát nhạc xưa hết thì cũng kì. Với nhạc trẻ, ra single sẽ có lợi hơn và khán giả sẽ có thời gian hơn. Vì bây giờ nhạc trẻ có quá nhiều.

Nhạc xưa thì không thể ra 1 bài mà phải flow nguyên một album. Còn nhạc trẻ thì kiểu thích nghe bật đi bật lại liên tục. Hiếu muốn đánh vào điểm nhấn đấy. Hy vọng mọi người sẽ thích hai bài cuối năm nay. Vì bài của Tiên rất hay, và bài của Hà hay theo một kiểu khác. Bài của Hà sẽ viral quần chúng hơn, còn bài của Tiên thì ca từ rất dễ thương, nhẹ nhàng, hợp với âm nhạc của Hiếu.

Giọng nam thích Soobin, Erik, giọng nữ thích Hương Tràm, Min

Trở lại năm 2017 một chút, lúc đó chưa có dịp hỏi tại sao anh lại ra mắt bản remix “Ngày mai em đi” trong khi đã vững đường ballad?

– Cũng là một sự tình cờ khi gặp Touliver, hai anh em nói chuyện, Touliver nói “Em rất thích nhạc của anh. Em có bài này đã làm rồi, nhưng lính của em hát không hay. Anh nghe thử xem có thích không?”

Lúc mình nghe xong thì thích ngay, bảo “Bài này em đưa cho anh hát nhé!”, Touliver bảo “Ok anh ạ, có gì anh cho Soobin hát cùng nhé!”. Mình bảo “Ok!”. Mình cũng thích giọng Soobin. Soobin là một trong những ca sĩ trẻ mà mình rất thích sound giọng, văn minh. Mình đồng ý ngay. Ba anh em kết hợp và không ngờ hiệu ứng tốt đến như vậy, từ đó cho mình động lực một năm ra vài bài nhạc trẻ.

“Ngày mai em đi” vốn là một bản hit nhất của mình cách đây 10 năm, remix lại nổi thêm lần nữa, khủng khiếp hơn, bởi bây giờ mạng truyền thông ghê hơn, cộng với xu hướng nhạc khá lạ tai. Nhưng như đã nói, đó là một sự ngẫu nhiên tình cờ thôi, không phải mình gọi cho Touliver để đặt hàng. Nếu mọi người biết Touliver thì sẽ biết Touliver cũng kĩ tính và không phải ai Touliver cũng làm. Đến giờ, những bài hát Touliver làm với tôi là anh em làm với nhau rất tự nhiên, không có tiền bạc gì cả.

Khi anh hát dòng nhạc trẻ sôi động, có khó khăn gì về mặt hình ảnh không?

– Không khó khăn. Nếu mình hát thiên nhiều về dòng nhạc đó, với những môi trường như sân vận động thì có lẽ mình cần phải đầu tư nhiều hơn, xây dựng hình ảnh nhiều hơn, xây dựng nhóm nhảy nhiều hơn… Nhưng vì chỉ là điểm nhấn 1-2 bài hát thôi thì cũng không có gì quá khó cả, hơn nữa cũng là bài mình đã hát rồi, mình chỉ xử lý lại theo phong cách hơi R’nB một chút, khác với bản ballad để cho tinh thần nó khác thôi.

Mình là người hát dòng nhạc xưa, là một người hát pop ballad đơn thuần, nhưng thực tế là nghe và thích nhiều dòng nhạc khác nhau, từ classic, jazz… Mình có thể hát được khá nhiều loại, nhưng để khán giả nhớ tới mình thì mình chọn dòng nhạc hợp nhất và đúng với con người mình nhất, đi lâu dài nhất.

Nhìn quanh thị trường Vpop hiện nay có thể hợp tác thì anh thích ai?

– Hiện nay, về giọng nam thì có Soobin và Erik là hai giọng mà Hiếu thấy hay, trước đây khoảng 1 thời gian thì có Hoài Lâm, cũng hơi tiếc vì dạo này không thấy bạn ấy hát nhiều. Về giọng nữ mình thấy có Hương Tràm hoặc Min cũng rất văn minh, rất hay. Đó là những người mà mình nghĩ có thể kết hợp trong thời gian sắp tới được.

Nhạc xưa được thừa hưởng từ bố

Các nhạc sĩ và nghệ sĩ đi trước đều đánh giá cao anh ở cách chọn bài rất trưởng thành so với lứa tuổi. Tại sao anh lại có gout trưởng thành như vậy?

– Thực ra mỗi người có một gout nghe nhạc khác nhau. Có thể lúc mới đi hát mình nghe nhạc hơi bị già hơn tuổi một chút. Lúc còn nhỏ, bố Hiếu đã nghe nhạc nhiều lắm rồi, mình bị ảnh hưởng. Từ lúc còn bé xíu, thấy chú Tuấn Ngọc đã bảo “con không thích xem chú này đâu, trên sân khấu chán lắm”. Lúc đấy mình còn bé, biết gì đâu, nhưng về sau càng nghe càng thấm, thấy thích. Có lẽ nhạc của mình hơi trầm vì mình nghe nhạc xưa nhiều.

Không phải do anh có nhiều lần thất tình nên nhạc buồn?

– Không. Là do những nhạc đó mình nghe từ khi 6-7 tuổi. Lúc đó bố mình có khoảng 500 cái đĩa ở nhà.

Có một độc giả nói: “Có lẽ đa phần giới trẻ khi buồn sẽ nghe Mr. Siro hay Trung Quân, riêng tôi dù sinh năm 98 nhưng mỗi khi có tâm sự luôn chọn nhạc của Lê Hiếu. Có thứ gì đó rất da diết trong nhạc của Lê Hiếu”.

– Cũng có một số lượng khán giả khi nghe bài hát buồn họ hay chọn Mr. Siro, nhạc của Hiếu hay của Trung Quân, nó cũng có màu sắc khá đặc trưng, đa phần đều rất tình và người thể hiện thì da diết.

Ngay từ ngày xưa, cách thể hiện bài hát của mình, đặc biệt với là những khán giả du học sinh, mỗi lần nghe họ thấy buồn lắm, thê thảm lắm, nhiều người bảo nghe nhạc của anh thất tình muốn tự tử luôn này. Mình mới bảo “Thôi, đừng tự tử”.

Thật ra thì âm nhạc rất vô cùng. Đa phần mình cảm thấy khi hát những bài vui lại không phù hợp với mình lắm, không hay bằng cách mình thể hiện bài hát nội tâm. Một lượng khán giả đặc trưng như thế là điều mình rất ghi nhận.

Dòng nhạc xưa nổi tiếng cần kỹ thuật khó, nhưng không hiểu sao khi anh hát có cảm giác không mất lực, rất nhẹ nhàng và dường như không tốn một chút sức nào.

– Đó là cách mình thể hiện bài hát thôi, vì cũng có những bài hát dùng nhiều kỹ thuật nhưng mình không để lộ kỹ thuật đấy ra. Chẳng hạn như trong album mới, bài sử dụng kỹ thuật là bài “Mùa thu không trở lại”. Phải hát mới cảm nhận được bài này hát khó, xuống những nốt rất khó. Những bài hát này thì chỉ chị Mỹ Linh, anh Tuấn Ngọc, anh Vũ Khanh… những người giọng rất hay, hát.

Mình hát như một người kể chuyện, một người hát tự sự, nói chuyện. Mình nói như thế nào thì hát như thế, còn thật sự, thể hiện kỹ thuật không phải là một cái gì đó quá ghê gớm cả. Mình có thể trưng trổ, có thể ngân rất dài, cầm mic rất xa… có thể làm được mấy chiêu trò đấy nhưng đối với mình nó bình thường.

Khi mọi người chạm đến một kỹ thuật nào đó rồi thì mọi người sẽ không còn quan tâm đến nó nữa. Giống như một nghệ sĩ dương cầm khi chơi, họ không bị ảnh hưởng bởi kĩ thuật, họ đi qua những thứ đó rồi. Còn giống như mình kể cả học đến 10 năm, 15 năm, mình vẫn đang mò mẫm ở phần kỹ thuật làm sao để cho tốt thôi, còn những người đó họ bay bổng trên âm nhạc của họ rồi.

Khi hát mình mất sức chứ! Tùy từng thời điểm, ví dụ 1 show buổi tối mình hát 10 – 15 bài, cũng sẽ rất mệt chứ, nhưng mình sẽ điều tiết lại, điều chỉnh lại để bài nào cần dồn kĩ thuật vào nhiều. Chứ mình vẫn có thể diễn được, nức nở hơn được… nhưng không muốn hiệu ứng đó trong hình ảnh của mình.

Anh thường tự chọn tracklist cho album của mình?

– Thường thế! Mình chọn là phần nhiều, nhưng người biên tập, người sản xuất sẽ là người nghĩ xem bài đó có hợp với mình hay không. Mình vẫn là người chọn nhưng có khi người đó nói, “Bài này hợp, anh hát đi” hoặc là “Bài này không hợp, anh đừng hát”.

Để phát triển giọng hát, sự nghiệp của mình thì ai là người anh hay lắng nghe ý kiến, tin tưởng?

– Tâm sự về âm nhạc thì mình hay nói chuyện với anh Đức Trí, Hoài Sa, những nhạc sĩ trẻ thì như Touliver, nói chuyện về những mảng riêng, dòng nhạc trẻ riêng. Thường thì mình hay làm việc với nhạc sĩ chứ ít khi làm việc với ca sĩ. Ca sĩ đồng nghiệp thì cũng một vài người. Nếu nói về chuyên môn, thỉnh thoảng trao đổi thì có anh Tuấn Ngọc. Mặc dù là hai thế hệ cách xa nhau nhưng hai anh em khá thân. Mỗi lần ra Hà Nội anh hay gọi. Hai anh em đi lang thang, cho anh nghe album rồi anh góp ý, hát hợp cái này cái kia.

Khi anh ra một album nặng tình, nhiều khi người ta sẽ nghĩ anh hẳn còn vấn vương tình cũ, nhưng anh lại nói thật ra là do muốn kết hợp với những nhạc sĩ anh yêu thích. Điều này rất lạ!

– Mọi sự kết hợp đều vì cái duyên, hoặc mong muốn của mình. Hiếu với anh Trí, anh Sa không cần phải nói nhiều, gắn kết qua âm nhạc. Nói với nhau làm cái gì là ba anh em sẽ tự động làm, tự động cách hát. Thậm chí anh Đức Trí hát rất giống Hiếu, Hiếu hát rất giống anh Trí, nhưng anh Trí ít khi hát thôi (cười). Anh Trí có một đặc điểm là khi hai anh em hát mấy bài nhạc trẻ giống nhau. Cách hát tự sự, kể chuyện.

Có nên đề nghị anh Đức Trí hát một bài trong album của anh không? Anh Trí liệu có làm không? (cười)

– Không đâu! (lắc đầu cười)

Không có chuyện tình cảm giữa ca sĩ với fan

Anh nổi danh là một nam ca sĩ được phái nữ hâm mộ. Bí quyết nào để được như vậy?

– Chắc là do âm nhạc. Âm nhạc tạo nên hình ảnh của người nghệ sĩ và âm nhạc của mình – mình nghĩ – có thể là tiếng lòng thay cho khán giả, đặc biệt là khán giả nữ. Họ nghe những bài hát của mình, cảm nhận được tình cảm trong đó, cảm nhận được tâm tư của họ trong đó, chứ không hẳn mình thu hút bởi nhan sắc hoặc cá tính. Nhan sắc của mình chắn chắn không bằng rất nhiều ca sĩ khác bây giờ mà khán giả vẫn ở lại với mình. Thậm chí bao nhiêu năm trời đi hát, bây giờ họ mang cả con cái đi nghe mình. Đó là điều rất vui, bởi vì họ yêu con người thực sự của mình. Họ không quan tâm mình làm gì, yêu ai hay làm gì, chỉ quan tâm đến sản phẩm âm nhạc của mình, mỗi lần mình hát ở đâu thì đến xem.

Nhỡ có fan thầm thương nhớ trộm anh quá đà thì anh có áy náy không?

– Không, cũng hiếm lắm, vô cùng lắm, đó chỉ là những rung động mà rung động thì dễ vỡ hết. Mình là người nghệ sĩ, đa sầu đa cảm nên không để những chuyện như thế dính vào. Chuyện giữa fan với ca sĩ không dính dáng đến chuyện tình cảm hay những chuyện đi quá xa.

Ca sĩ Lam Trường đã lấy fan của anh ấy.

– Đó là bởi vì anh Lam Trường rung động với người vợ của anh ấy bây giờ. Cô ấy đã nghe nhạc của anh Trường rất lâu rồi thì khác. Hai người gặp nhau có điện là khác. Còn hai người gặp nhau mà nhào tới, em là fan của anh, em yêu thích anh… thì khác nữa. Chứ nếu hai người bắt nhau ở một hình ảnh, khoảnh khắc nào đó,.. để họ cảm mến nhau thì chuyện đó lại bình thường.

Anh đã bao giờ thất tình?

– Ai cũng trải qua một vài đôi lần thất tình. Nói chung cũng khá cảm thấy cô đơn, chán nản, nhưng mình có nhiều cách để cân bằng cuộc sống. Đặc biệt là khi càng lớn, càng nhiều trải nghiệm, thì sẽ biết nhìn nhận cuộc sống của mình cân bằng ở chỗ nào. Mình sẽ không bị lụy quá như hồi mình còn trẻ. Lúc trẻ mình làm gì có gì? Chưa có định hướng rõ ràng, yêu và sống với tình yêu của mình, sống thật với cảm xúc rất dễ. Nhưng bây giờ mình khác rồi, trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn rồi, mình thấy cái nào là cái giá trị quan trọng trong cuộc sống của mình.

Anh có lấy những cảm xúc đó ra để hát?

– Cũng có những cảm xúc để mình lấy vào vào hát, nhưng đó chỉ là cảm xúc thôi, không phải cố định một người nào đó để đưa vào bài hát. Khi còn trẻ mình đã tưởng tượng ra những cảm xúc để đưa vào bài hát rồi.

Thời điểm hiện tại, điều gì là quan trọng nhất với anh?

– Gia đình và sức khỏe là hai điều quan trọng nhất!

Clip Lê Hiếu hát live “Giọt nước mắt ngà” – ca khúc trong album mới nhất của anh

Xin cảm ơn ca sĩ Lê Hiếu và chúc anh có thêm nhiều thành công trong sự nghiệp!

Thiết kế: Hà Đỗ
Vân Sam


Bình luận

Tin cùng chuyên mục