Tin nhanh
Nỗ lực đưa nước ngọt về vùng hạn
Nắng nóng, khô hạn đang ảnh hưởng tới đời sống của hàng trăm ngàn hộ dân các tỉnh, thành ĐBSCL. Xâm nhập mặn và khô hạn kéo dài khiến nguồn nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu ở nhiều địa bàn bị cạn kiệt, thiếu trầm trọng. Hiện các địa phương ĐBSCL đang triển khai nhiều biện pháp cấp bách để đưa nguồn nước ngọt đến người dân vùng hạn. 

Giữa cái nắng gay gắt trưa tháng 4, các tình nguyện viên khẩn trương bơm, chiết nước từ các xe bồn sang nhiều xe nhỏ để lên phà sang bên kia sông, nơi hàng chục ngàn người dân “rốn hạn mặn” Tân Phú Đông đang mong chờ nước ngọt.

 Chị Lê Ngọc Vân – Xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang

“Một số đoàn mạnh thường quân đến đây hỗ trợ nước thì bà con rất là vui, thì một số bà con không có chỗ dự trữ, ấp cũng mua can để cho bà con mượn, một số nhà xa quá thì ở ấp cũng vận động anh em có xe kéo mang nước đến mỗi hộ 10 – 20 can sử dụng trong ngày.”

 Tình trạng thiếu nước đang diễn ra gay gắt ở nhiều tỉnh, thành ĐBSCL. Riêng tại tỉnh Tiền Giang, để kịp thời có nước cho người dân sử dụng, tỉnh đã mở gần 110 điểm lấy nước sinh hoạt miễn phí, kết hợp tăng công suất các nhà máy nước, bơm nước vào các ao hồ lớn để dự trữ tại các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông… và huy động nguồn nước từ thiện.

 Tỉnh Cà Mau cũng cho xe bồn, xà lan chở nước cấp cho người dân và vận động mạnh thường quân hỗ trợ nước sạch để giúp hơn 2.600 hộ đang bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình… 

 Anh Huỳnh Bảo Quốc – Mạnh thường quân ở TP.HCM

“Hỗ trợ cho tất cả bà con ở khu vực này từ đây cho đến khi nào bà có mưa xuống bà con trữ được nước thì lúc đó tụi em sẽ ngưng”

Trước tình trạng thiếu nước ở miền Tây mùa khô 2024, Quân khu 9 cũng đã cho nhiều tàu vận tải chở nước sạch chi viện các vùng hạn ở Cà Mau, Bến Tre… Ngành nông nghiệp nhiều địa phương cũng đề xuất một số giải pháp lâu dài để đưa nước ngọt về vùng hạn mặn.

 Ông Nguyễn Đức Thịnh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang

“Ngành cũng tham mưu cho tỉnh đề xuất sớm nghiên cứu dự án công Hàm Luông, đây là một cái cống vừa ngăn mặn vừa trữ ngọt mang tính chất liên vùng, thứ 2 là nghiên cứu tuyến cống trên sông Vàm Cỏ để có cơ sở đánh giá để ngăn mặn trữ ngọt cho Long An, Tiền Giang trong thời gian tới.”

 Theo dự báo, tình trạng hạn hán mùa khô 2024 sẽ còn kéo dài tới cuối tháng 5. Bên cạnh các giải pháp cấp bách của chính quyền các địa phương, người dân cũng cần chủ động có phương án sử dụng tiết kiệm nguồn nước và tích trữ nguồn nước ngọt hợp lý./.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục