Chuyện cảnh giác
Chuyện Cảnh Giác: Cảnh báo lừa đảo từ thiện trên mạng xã hội
Xuất khẩu lao động hiện là con đường mưu sinh của nhiều người. Xa xứ làm ăn nên những người xuất khẩu lao động luôn được người thân, bạn bè ở quê nhà mong ngóng, thương cảm. Nắm bắt tâm lý này, gần đây mạng xã hội xuất hiện chiêu trò lừa đảo thông báo lao động ở nước ngoài bị tai nạn qua đời, kêu gọi vận động tiền hỗ trợ đưa thi thể hay tro cốt về nước. Và đáng báo động là không ít người đã bị lừa tiền do mủi lòng cho đồng hương mà không ngại ngần quyên góp khi chưa tìm hiểu kỹ.

Đó là câu chuyện của gia đình bà Nhung. Trong lúc trò chuyện cùng người hàng xóm về vấn đề quyên góp từ thiện, ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn, hiểm nghèo được đăng tải trên mạng xã hội, bà Nhung đã vô tình thấy một bài đăng nói rằng con trai của bà – là anh Dương, đang là lao động xuất khẩu tại Nhật, bị tai nạn qua đời. Thậm chí bài viết còn có cả hình ảnh của anh Dương, và cả hình ảnh tai nạn, khiến bà Nhung bàng hoàng, đau lòng đến ngất xỉu.

Cụ thể, nội dung bài đăng:

“Anh Nguyễn Tùng Dương, quê quán ở Việt Nam, sinh năm 1990, đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Hoàn cảnh của Dương rất khó khăn, chỉ còn bố mẹ già ở quê. Tai nạn do Dương tự ngã xe nên không được bảo hiểm chi trả. Mong anh chị em và các mạnh thường quân hỗ trợ giúp đỡ để Dương nhanh được về quê hương với gia đình. Đây là số tài khoản ngân hàng của Dương ở Việt Nam, hiện do gia đình giữ…”.

Chồng bà Nhung là ông Tư thì lại bình tĩnh hơn, không vội vàng tin vào những thông tin chưa xác thực trên mạng xã hội. Mà thay vào đó, ông Tư chủ động gọi điện cho con trai ở nước ngoài và bạn bè của con để nắm thông tin, nhưng tất cả đều không nghe máy. 

Suy xét kỹ lại, ông An tiếp tục nhận ra vấn đề bất thường khi bản thân ông và vợ  là người thân của anh Dương nhưng lại không hay biết gì về chuyện con trai gặp nạn. Mà thay vào đó, bài viết lại do một người xa lạ đăng tải, số tài khoản quyên góp cũng không phải tài khoản của gia đình, thậm chí đến cả hình ảnh tai nạn cũng không rõ mặt nạn nhân. Đáng nói hơn, dù bà Nga – bạn của bà Nhung đã cố gắng liên lạc với người đăng bài viết, nhưng không nhận được hồi âm.

Lúc này, anh Dương ở nước ngoài vừa đến giờ nghỉ trưa, mở điện thoại ra xem thì phát hiện nhiều cuộc gọi nhỡ từ gia đình. Khi anh Dương liên lạc về, mọi chuyện mới vỡ lẽ, vốn chẳng có vụ tai nạn nào xảy ra, anh Dương vẫn bình an vô sự làm việc, và những thông tin trên mạng hoàn toàn là bịa đặt để trục lợi từ thiện.

Nạn nhân chia sẻ: “Thiệt đúng là chuyện chẳng ai ngờ, mình còn sống sờ sờ đây mà dám đăng lên mạng nói mình qua đời, để giả mạo kêu gọi từ thiện. Lại còn đúng họ tên, năm sinh, quê quán và cả hình ảnh của mình nữa chứ, làm gia đình, bạn bè tui lo lắng quá trời. Thật sự lúc đó tui bị sốc và rất là tức giận! Sau đó thì gia đình tui ở Việt Nam mới trình báo toàn bộ sự việc lên công an. Lúc này, phía công an họcho biết là thực tế không chỉ riêng trường hợp của tui, mà trước đó từng có vài người khác cũng gặp vụ việc tương tự như vậy, bị người ta lấy thông tin, hình ảnh đăng lên mạng nói là gặp tai nạn, qua đời để lấy lòng thương xót, trục lợi từ thiện. Quả thật rất là bất nhân”.

Có lòng muốn góp tiền từ thiện giúp người, đó là việc làm tốt. Song, dù vậy, người góp tiền từ thiện vẫn phải thực sự tỉnh táo, kiểm tra kỹ lưỡng thông tin về trường hợp của người cần được giúp đỡ, xem có đúng sự thật như bài đăng trên mạng xã hội hay không. Bên cạnh đó, cần xác thực về thông tin của người đứng ra quyên góp xem có thực sự đáng tin hay không? Hãy để những đồng tiền từ thiện của mình trở nên ý nghĩa, trao cho đúng người – đúng hoàn cảnh, chứ đừng để bản thân vô tình tiếp tay cho kẻ gian trục lợi bất chính. 

Quý vị đừng quên đón xem “Chuyện Cảnh Giác” được phát sóng vào lúc 16 giờ 40 phút Chủ nhật hằng tuần trên kênh Truyền hình Vĩnh Long 1.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục