Đời sống
Số lượng người tìm đến Podcast “Chữa Lành” phản ánh điều gì về sức khỏe tâm lý của giới trẻ ngày nay?
Kỷ nguyên của làn sóng podcast "Chữa lành" được mở ra đang cho ta thấy sự bất ổn về sức khoẻ tâm lý người trẻ trong xã hội ngày nay.

“Chữa lành” đang là từ khóa được tìm kiếm và sử dụng với mức độ dày đặc trên các nền tảng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube và các series Podcast trong hơn 4 năm trở lại đây, đa phần người tìm kiếm đều là những bạn trẻ có độ tuổi từ 18 – 25 tuổi. Câu hỏi được đặt ra vì sao ngày càng nhiều người trẻ có nhu cầu được chữa lành? Họ đã phải chịu những gì và mong cầu gì ở một xã hội đầy phát triển như thế này? 

“Những đứa trẻ hạnh phúc dùng tuổi thơ để ôm ấp cuộc đời, những đứa trẻ bất hạnh phải dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ”

Có thể nói, tất cả chúng ta đều đã và đang mang dáng dấp của một “đứa trẻ” bên trong (Inner Child), “Đứa trẻ” này chính là đoạn ký ức của những năm tháng đầu đời, thơ ngây, hồn nhiên, ghép nối và hình thành nên tính cách, tư duy và nhận thức của chúng ta khi trưởng thành. Nếu may mắn, chúng sẽ không cần được chữa lành khi lớn lên vì cả tuổi thơ và cuộc đời đều thuận lợi. Ngược lại, có những đứa trẻ phải lớn lên cùng các vết xước, sự tổn thương từ một tuổi thơ, một gia đình không trọn vẹn. Chúng gom nhặt tất cả những tổn thương để rồi đến một độ tuổi nào đó, chúng tự phải chữa lành cho chính mình. 

               Đại dịch Covid đã đánh thức những “Đứa trẻ bên trong”

Tính từ năm 2019 – 2022, đại dịch Covid đi qua như một cơn tỉnh mộng của hàng triệu người Việt Nam, 3 năm đó cướp đi của những “Đứa trẻ” ấy người cha, người mẹ, người ông, người bà.. Quá trình “Sinh – Ly – Tử – Biệt” nhanh đến nỗi hình ảnh bóng lưng của “Đứa trẻ” đó phải vội vàng chắp tay trước người chồng, người vợ, người cha, người mẹ, người anh, người em của mình, vẫn loay hoay trước chiếc áo quan mà nước mắt vẫn còn chưa kịp chảy. “Đứa trẻ” chợt giật mình nhận ra giá trị của “những điều bình thường” trong cuộc sống: 1 chén cơm, 1 giấc ngủ yên, 1 tấm nệm, 1 mái nhà, hay sự hiện diện của ông bà cha mẹ lại khiến cho mỗi sớm mai khi mở mắt, bỗng cảm thấy bình yên đến mức chẳng cần gì hơn như thế. 

Kỷ nguyên mới của làn sóng podcast được mở ra 

Trong những năm gần đây, có thể thấy rất rõ số lượng người trẻ ngày tìm đến những sản phẩm nghệ thuật mang nội dung chữa lành như sách, podcast, thuyết pháp ngày càng tăng và vẫn đang không có dấu hiệu giảm đi. Phải chăng họ đang sống giữa một thế giới có quá nhiều khổ đau và tổn thương? Họ bắt đầu đặt niềm tin và hy vọng được chữa lành của mình vào những số podcast chứa những chủ đề mà họ đang gặp phải, thay vì tìm một lời khuyên từ ai đó, podcast bỗng nhiên trở thành người thầy, người bạn lắng nghe và chữa lành những vết xước trong tâm hồn họ. 

Chuỗi series Podcast thu hút các bạn trẻ (Nguồn: Internet)

Một trong những nhân vật mà các bạn trẻ tìm đến để lắng nghe nhiều nhất có thể kể đến như thầy Thích Minh Niệm trong số Chữa lành là trở về với chính mình để tìm thuốc của Vietcetera, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Hoa hậu Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên, MC Khánh Vy, Giang Ơi Podcast.. với mong muốn được chữa lành và có thêm nguồn cảm hứng để thay đổi và phát triển bản thân mình, để sống một cuộc đời mà mình mong muốn. Họ có thể nghe podcast ở bất cứ đâu, khi làm việc, khi đi cà phê, khi ở một mình… 

Sự bùng nổ của podcast cho thấy sức khoẻ tâm lý của người trẻ ngày nay đang thật sự không ổn, họ đang phải gồng mình vì quá nhiều thứ, áp lực đồng trang lứa (peer pressure), không được sống là chính mình trong một xã hội đầy định kiến và khuôn mẫu, họ lạc lối trong chính gia đình của mình, sống trong “NGÔI NHÀ” mà vẫn ôm khát khao có một “MÁI ẤM” để trở về. Hơn nữa, người Việt Nam không thể định nghĩa và gọi tên những vấn đề tâm lý mà mình mắc phải, hoặc gọi chung cảm xúc đó là buồn bã hay chán nản, điều đó dường như đã ăn sâu vào tư duy của những thế hệ đi trước nên khi những bạn trẻ thế hệ này mắc phải, đa phần họ đều phải tự đối mặt và chữa lành những vết thương của riêng mình thay vì có sự đồng hành của cha mẹ.

Hoa hậu Thuỳ Tiên và sức ảnh hưởng lên những quyển sách chữa lành

Bên cạnh các chuỗi podcast thì các quyển sách có nội dung chữa lành cũng trở nên cháy hàng hơn, đây được cho là một dấu hiệu tốt khi những người trẻ bắt đầu tìm đến các phương pháp tích cực để chữa lành thay vì chọn kết thúc cuộc sống của mình. 

Hoa hậu Thuỳ Tiên trong số Podcast của Vietcetera (Nguồn: Internet)

Đáng nói, sự xuất hiện và chia sẻ của Hoa hậu Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên trong các số podcast đã có một sức ảnh hưởng nhất định đến tốc độ bán chạy của những cuốn sách. Cụ thể, khi cô chia sẻ rằng có một quyển sách đã thay đổi hoàn toàn tư duy và nhận thức của cô về vạn vật xung quanh, biến cô thành một người hoàn toàn khác và cũng góp phần làm nên 1 Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên như hiện tại, ngay lập tức, quyển “Muôn kiếp nhân sinh” của nhà văn Nguyên Phong liền cháy hàng trên khắp các trang thương mại điện tử và nhà sách.

Muôn kiếp nhân sinh – Nguyên Phong (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, Quyển “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã bán được hơn 10.000 bản sau khi số podcast của Vietcetera phát sóng, khi Thuỳ Tiên được hỏi nếu phải sống 1 mình trên hoang đảo sẽ muốn mang theo quyển sách nào nhất, cô liền trả lời “Không diệt không sinh đừng sợ hãi”. Ngay lập tức, làn sóng tìm mua quyển sách đã tăng cao chóng mặt, đa phần là những người trẻ. 

Không diệt không sinh đừng sợ hãi – Thiền sư thích Nhất Hạnh (Nguồn: Internet)

Thế mới thấy, người trẻ đang đặt rất nhiều niềm tin vào sự chữa lành của những người thành công dù lớn lên từ những tổn thương trong quá khứ. Hoa hậu thuỳ Tiên là minh chứng rõ ràng nhất của người sẽ dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ. Trong xã hội phát triển như thế này, người trẻ còn cần được chữa lành tức là họ vẫn còn mang trong mình nhiều tổn thương. Sức khoẻ tâm lý là thứ mà mọi người cần được quan tâm để có thể sống trong một thế giới dịu dàng, được chữa lành kịp thời, những đứa trẻ đều có quyền có một tuổi thơ thật đẹp để có thể vỗ về cuộc đời của mình trong tương lai sau này.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục