Phim Âu - Mỹ
“First Man – Bước chân đầu tiên”: Con ngựa chiến đáng gờm cho giải Oscar xuất sắc như thế nào?
Không trống kèn truyền thông, không chào sân ấn tượng, “First man” vẫn cứ gây một nỗi ám ảnh khó tả trong lòng người xem, lặng lẽ như chính tính cách của phi hành gia Neil Armstrong.

Ngày 21/7/1969, nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong trên con tàu Apollo 11 đã trở thành người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng. Đó là kỳ tích vĩ đại về khoa học và công nghệ của nước Mỹ nói riêng và của nhân loại nói chung trong thế kỷ XX.

Chỉ một năm nữa thôi, nước Mỹ và cả thế giới sẽ kỷ niệm tròn 50 năm chuyến bay huyền thoại đã đưa 3 phi hành gia Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins tới Mặt trăng.

Một câu chuyện khám phá vũ trụ rất khác

So với chuyến tàu thảm họa Apollo 13, hành trình đặt chân lên Mặt Trăng của Neil Armstrong trên con tàu Apollo 11 khá suôn sẻ, không có nhiều yếu tố bất ngờ để thu hút người xem. Đây chính là thách thức đặt ra cho đạo diễn Damien Chazelle.

Không hổ danh là đạo diễn trẻ nhất từng giành giải Oscar, Damien Chazelle rất khôn ngoan khi khai thác sự khắc nghiệt trong nghề, những hy sinh thầm lặng của các phi hành gia – một đề tài chưa ai chạm ngõ.

Năm 1969, hàng trăm triệu người thông qua màn ảnh nhỏ đã chứng kiến thước phim đen trắng quay lại cảnh Neil Armstrong và Buzz Aldrin cắm lá cờ của nước Mỹ lên Mặt Trăng, chính thức cân bằng với Liên Xô trong cuộc đua vào vũ trụ và mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử khám phá không gian của nhân loại.

Thế nhưng ít ai biết rằng, để thực hiện chuyến đi lịch sử đó, cá nhân Neil Armstrong và những thành viên của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA đã phải vượt qua rất nhiều thử thách. Đó là triền miên những cơn nôn thốc sau bài tập vòng quay li tâm, là hàng chục tiếng đồng hồ vùi đầu trong mớ tài liệu kỹ thuật và luôn đối mặt với nguy cơ tử nạn trong từng chuyến bay.

Hơn thế nữa, bản thân họ đã phải hy sinh rất nhiều. Bước lên con tàu Apollo 11, trở thành chỉ huy là niềm vinh hạnh nhưng cũng là gánh nặng đối với Neil Armstrong. Ai cũng biết đây là một nhiệm vụ sinh tử. Đồng ý bước lên tàu, anh không chỉ chấp nhận có thể hy sinh mạng sống của mình cho khoa học mà còn hy sinh trách nhiệm của một người chồng, người bố.

Không chỉ vậy, “First Man” còn cho thấy nỗi đau thầm lặng, mất mát và đức hy sinh của người vợ của Neil Armstrong và những phi hành gia khác khi dũng cảm làm hậu phương, ủng hộ chồng theo đuổi khoa học.

Kể chuyện bằng “ngôn ngữ” của camera

Nếu như các phim siêu anh hùng cho thấy những hình ảnh hoành tráng, một vũ trụ choáng ngợp thì “First Man” lại mang đến một câu chuyện tả thực đến từng ngóc ngách. Ở những cảnh du hành vào vũ trụ, đạo diễn sử dụng góc quay chật hẹp, tối tăm, rung lắc dữ dội theo chuyển động của con tàu kết hợp cùng đủ loại âm thanh hỗn tạp của động cơ. Phương pháp này khiến người xem hồi hộp, nghẹt thở, căng thẳng như đang thực sự ngồi chung buồng lái với các phi hành gia.

Ngoài ra, theo mô tả từ cuốn tiểu sử chính thức về Neil Armstrong của James R. Hansen, phi hành gia này là một người khá kín tiếng và ít cảm xúc. Để mô tả chân thực tính cách của Neil, thay vì sử dụng lời thoại, đạo diễn đã khéo léo gợi mở ở những cảnh quay.

Đó là lúc Neil Armstrong vô thức bóp vỡ ly rượu khi nghe tin 3 đồng đội lìa đời do sự cố hay việc anh sợ phải nói lời từ giã với gia đình trước khi bước lên chuyến tàu Apollo 11, hay lúc anh buông sợi dây của đứa con gái quá cố vào khoảng đen của Mặt Trăng.

Cảnh Neil Armstrong buông sợi dây của đứa con gái quá cố vào khoảng đen của Mặt Trăng.

Cứ thế, lớp vỏ bọc thờ ơ, xa cách được lột bỏ dần. Cuối cùng, Neil Armstrong hiện ra là một người bố giàu tình cảm, một người đồng nghiệp đáng quý và là một người đàn ông có niềm tin và khát khao chinh phục vũ trụ.

Điểm sáng trong diễn xuất

Không ít người cho rằng, so với những vai diễn trước của mình, Ryan Gosling trong vai Neil Armstrong trầm lặng dường như chưa thực sự xuất sắc. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng với vai phi hành gia kiệm lời, Ryan đã diễn xuất khá “tròn trịa”.

Cụ thể là biểu cảm đặc sắc của đôi mắt xanh thẳm, đa dạng cảm xúc trong từng phân cảnh. Bằng mỗi ánh mắt, Ryan đã hết lần này đến lần khác khiến khán giả xúc động khi thể hiện sự căng thẳng sợ hãi, bình tĩnh quyết đoán, đau đớn mất mát của nhân vật.

Đôi mắt biết nói đã giúp Ryan Gosling thể hiện tốt vai diễn Neil Armstrong.

Về phía nữ diễn viên Claire Foy, các nhà phê bình đã dành nhiều lời khen có cánh cho cô trong vai diễn vợ Armstrong. Qua sự thể hiện của Claire Foy, người xem cảm nhận rõ những xung đột về mặt cảm xúc của một người vợ vừa muốn chồng mình làm nên lịch sử vừa muốn người đàn ông mình yêu chỉ là một người chồng bình thường của gia đình.

Janet Armstrong (Claire Foy) lo lắng khi nghe đài liên tục cập nhật tình hình chuyến bay của chồng.

Thông điệp sâu sắc

Ngay sau khi ra mắt công chúng tại Liên hoan phim Venice hồi tháng 9, “First Man” lập tức bị chỉ trích vì đã bỏ qua hình ảnh mang tính biểu tượng của cuộc thám hiểm – cảnh cắm lá cờ Mỹ lên Mặt trăng. Họ cho rằng bộ phim đã không trân trọng thành quả mà nước Mỹ đạt được ở chương trình Apollo trong bối cảnh ganh đua quyết liệt với Liên Xô.

Cảnh cắm lá cờ Mỹ trên Mặt Trăng không được chú trọng trong bộ phim dẫn đến nhiều chỉ trích.

Tuy nhiên, nếu tinh ý, họ đã vô tình quên mất câu nói đầu tiên của Neil Armstrong khi đặt chân xuống bề mặt Mặt trăng: “Đây là bước đi nhỏ bé của một người nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại”.

Qua câu nói của mình, Armstrong coi thành công của chuyến bay Apollo 11 và chương trình không gian do NASA tổ chức thuộc về toàn bộ loài người chứ không riêng của nước Mỹ. Sau nhiều thiên niên kỷ chỉ có thể ngắm nhìn Mặt Trăng từ khoảng cách xa vời vợi, cuối cùng con người đã chinh phục được nó, kiến tạo nên thành tựu đỉnh cao nhất trong lịch sử phát triển của khoa học vũ trụ. Đây mới chính là ý nghĩa sâu sắc nhất mà bộ phim muốn gửi gắm.

Con ngựa chiến đáng gờm của giải Oscar

Ngoài những “vũ khí” tối thượng kể trên, sẵn sàng chinh chiến cho đấu trường Oscar, “First Man” còn ghi điểm trong mắt công chúng khi đầu tư kỹ lưỡng cho phần bối cảnh quay và phục trang của nhân vật. Cố vấn Frank Hughes, người đã có mặt ở Trung tâm điều khiển trong suốt hành trình của Apollo 11 nhận xét bối cảnh quay trung tâm chỉ huy của NASA trong “First Man” được xây dựng chính xác đến từng chi tiết. Bên cạnh đó, so với những hình ảnh chụp phi hành đoàn của năm 1969, các bộ đồ phi hành gia trong phim giống thật gần như 100%.

Phục trang phi hành gia trong “First Man” được phục dựng chính xác đến từng chi tiết.

Thêm một điểm cộng cho “đứa con tinh thần” của đạo diễn Damien Chazelle là phần âm nhạc ấn tượng. Cả bộ phim như một bản giao hưởng du hành ám ảnh, lúc vồn vã dồn dập, lúc sâu lắng nhẹ nhàng, lúc lặng thinh như tờ. Đến khi khép lại, trong lòng khán giả vẫn còn đó những dư âm khó quên.

Dakmon


Bình luận

Tin cùng chuyên mục