Phim Việt
Leon Lê: gần 20 năm Broadway tạo ra một Song Lang xuất sắc chưa từng có
Leon Lê như đã trút hết nỗi lòng, trải nghiệm và tình yêu của cuộc đời mình trong tác phẩm điện ảnh đầu tay Song Lang - một bộ phim ca nhạc hoàn hảo xen lẫn câu chuyện tình "ý tại ngôn ngoại".

Sẽ không ai dám gọi Leon Lê là một đạo diễn tay ngang nữa khi nhìn vào sản phẩm điện ảnh đầu tiên của anh ra mắt vào giữa tháng Tám này. Quá xuất sắc! Từ cách kể chuyện tinh tế, những gam màu đậm đà nóng bỏng mang lại sự bức bối giữa một mùa hè phố thị và không gian chật chội. Ở đó, hai người đàn ông đẹp như tranh vẽ, mỗi người một số phận, mỗi người mỗi cá tính rất riêng nhưng đều bi thương cô độc tận cùng, đáng thương tận cùng, đã tình cờ gặp nhau để rồi lại rẽ sang một nhánh bi thương khác…Và ở đó, còn có những phân đoạn cải lương nổi da gà, nghệ sĩ ca hay đến mức một kẻ ngoại đạo với cải lương cũng cảm thấy thật tiếc khi Leon Quang Lê đã không dựng hết cả phim toàn cải lương… Không phủ nhận có một vài đoạn thoại với Dũng “Thiên lôi” (Liên Bỉnh Phát), Linh Phụng (Isaac) còn tỏ rõ thái độ ngượng ngùng kiểu “trai thẳng” bất ngờ gặp chuyện tình đam mỹ, nhưng bộ phim cho người xem một dự cảm rằng nó sẽ sống rất lâu trong kí ức cùng với thời gian.

Tháng 08/2018, Song Lang ra đời sau nhiều trắc trở, bởi được yêu mà chẳng được tin, cho đến khi gặp nhà sản xuất Ngô Thanh Vân để được yêu và được tin trọn vẹn. Đạo diễn Leon Quang Lê, cha đẻ của Song Lang không làm các thể loại phim ca nhạc đã được vô số bộ phim kinh điển lót đường, anh chơi khó với cải lương. Chưa ai làm phim về cải lương cả. Việt Nam không có, trên thế giới cũng không. Kinh kịch thì có rồi, đủ để cho người ta hiểu nếu mang sân khấu lên phim thì sẽ thế nào. Muốn làm, phải làm cho ra chất. Kinh kịch cũng đã được cho lên “chiếu trên” trong làng điện ảnh rồi. Cải lương thì chưa. Cải lương vẫn đang nằm ở chiếu dưới trong các hình thức thể hiện nghệ thuật hiện đại, nó có vẻ như đã đi chậm so với thời cuộc, đã là old-fashion rồi.

Nhưng Leon mê cải lương quá. Cải lương nằm trong hồi ức của anh, là nơi chốn để trở về, giống như Dũng “Thiên lôi” tìm về cải lương, tìm về cặp Song Lang giữ nhịp để hồn phách không lạc đi giữa dòng đời bề bộn.

Chắc vì thế, chỉ có Leon Lê mới đủ trải nghiệm, tình yêu và sự hy sinh để làm một bộ phim với sân khấu cải lương nhỏ bé nhưng đẹp đến mê hồn của đoàn hát Thiên Lý. Chỉ có anh mới viết ra được những câu ca hợp thanh hợp điệu, vừa mang tính tự sự cao, vừa hiện đại, thể hiện tình ý đậm đà lại chẳng quá thê lương, cân xứng giữa tình và lý. Chỉ có anh mới tạo ra được một bộ phim đậm chất nghệ thuật, với quá nhiều chi tiết đặc trưng và dàn diễn viên thấm sâu vào kịch bản, với chi phí ước chừng chỉ chưa đầy 10 tỉ.

Với 10 tỉ ấy, ngoài các khoản chi thường thấy cho một bộ phim điện ảnh thông thường, Leon còn phải làm phục trang, làm mỹ thuật đặc trưng, thuê thầy dạy hát cải lương cho Isaac cả tháng… Đủ để ngưỡng mộ, chỉ có tình yêu thực sự mới làm nên điều kì diệu.

Và người xem đã được thưởng thức điều kỳ diệu ấy. Đúng như Leon đã nói, anh không chiều khán giả, vì yêu. Nếu để ý, sẽ cảm nhận rất rõ Leon yêu khán giả đến mức nào, đủ để muốn tạo ra một thứ hoàn toàn khác, vượt ra khỏi sự lưng chừng, khiến người xem muốn căng hết các giác quan để ngấm phim như tận hưởng một món ngon nhiều vị ẩn. Chưa bao giờ người ta thấy được cải lương đẹp đến thế trên màn ảnh, chưa bao giờ được nghe những câu hát cải lương cất lên mê hồn đến thế từ một giọng ca đương đại, chưa kể những khoảnh khắc chất lừ trên sân thượng với những người đàn ông đứng giữa không gian rộng lớn, cạnh những con chữ khổng lồ của thương hiệu kiểu Sài Gòn như muốn chọc thủng bầu trời, báo hiệu một cơn bão tư bản công nghiệp sắp tràn đến. Và chưa bao giờ người ta thấy đạo diễn/biên kịch “phũ” với khán giả và hai nhân vật chính đến như vậy.

Thương cho roi cho vọt“. Sự phũ phàng ấy là sự phũ phàng phải có. Để phim sẽ mãi mãi giống như một vết thương nhức nhối, chẳng lành. Dù vậy, một người mang nhiều vết thương trong mình như Dũng “Thiên lôi” vẫn mơ về một ngày gạt bỏ hết quá khứ tăm tối bước về vùng tương sáng.

“Đừng luyến tiếc quá khứ, có thể chính sự lưu luyến ấy làm ta buồn, việc gì xảy ra cũng đã xảy ra rồi, còn làm lại sao được nữa. Hãy gắng sức hoàn thành công việc của ngày hôm nay, và tận hưởng những niềm vui của ngày hôm nay” (trích lời dẫn chuyện trong phim).

Leon Quang Lê đã kể một chuyện tình thật hay, câu chuyện tình mà người này muốn lôi người kia ra khỏi vũng lầy nhưng bất lực trước cuộc đời, số phận, một chuyện tình thêm đậm đà nhờ màu sắc cải lương. Nhìn những cử động sân khấu và cách ca của Isaac, người ta thấy được sự khổ luyện, nghe bài hát cha Dũng “Thiên lôi” để lại, người ta thấy được chiều sâu nỗi lòng của người nghệ sĩ.

Song Lang là một phim mà người yêu điện ảnh nhất định phải xem, người yêu ca hát nhất định phải xem. Dù là một bài toán khó, Leon Quang Lê đã chứng minh phim hay không nhờ thể loại, nhạc hay cũng không phụ thuộc vào thể loại!

Trailer thứ hai của Song Lang

Vân Sam


Bình luận

Tin cùng chuyên mục