Người nổi tiếng
Phụ nữ và hành trình tìm tự do trên màn ảnh Hollywood
Thời điểm này nhắc đến quyền bình đẳng người ta nghĩ ngay đến câu chuyện rúng động về tai tiếng tình dục tại kinh đô điện ảnh. Mãnh lực đồng tiền, lạm quyền và sự yếu ớt không dám cất tiếng của những nạn nhân nữ trong kỹ nghệ giải trí càng cho thấy dẫu người người nhà nhà hô hào hai chữ bình đẳng, thì điều đó dường như chỉ hiện diện rõ nét nhất trên phim!

Hồi ức Thelma & Louise

27 năm kể từ ngày ra mắt, cho đến nay Thelma & Louise của đạo diễn kỳ tài Ridley Scott vẫn được ví như “tượng đại” đại diện cho hình ảnh người phụ nữ vùng lên, sau khi bị ép đến cuối đoạn đường. Dù dành mọi sự ngưỡng mộ cho Thelma & Louise song khán giả kịp nhận ra một sự thật chua xót: khi bị ép tới chân tường, phụ nữ mới dám phản kháng!

Trong phim, Thelma là bà nội trợ bất mãn còn Louise lao động vất vả tại một cửa hàng thức ăn nhanh. Cả hai đều có những vấn đề riêng nhưng tựu chung lại là họ không thể thoải mái sống cho ngưỡng vọng riêng. Họ chán cảnh suốt ngày phải còng lưng làm tròn thiên chức người vợ, người mẹ, người tình… lại bị bạc đãi và đối xử không ra gì, nên cùng nhau thực hiện một chuyến ngao du sơn thủy chủ yếu là để được một lần sống cho mình. Hành trình đi tìm tự do đó, diễn ra với đầy đủ mọi hỉ nộ ái ố, cười cũng cười ra nước mắt, và khi đau khổ nhất thì khóc không thành tiếng.

Thelma & Louise luôn được coi như bản tuyên ngôn cho quyền bình đẳng, nhưng sự thật cay đắng về cái kết của hai người phụ nữ lại dấy lên một góc nhìn khác về sự thiếu bình đẳng giới thời điểm đó và cho đến hiện tại.

Thông qua Thelma & Louise, tự do đôi khi là con dao hai lưỡi nếu như sự tự do ấy bùng nổ từ những góc khuất tăm tối nhất của con người. Dù được dựng lên như hai người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, muốn được vùng vẫy… song cuối cùng họ lại trở thành những kẻ phản diện, bởi chính sự đẩy đưa của xã hội.

Nói chuyện thương đau một cách nhẹ nhàng?

Có tác phẩm điện ảnh khác, khéo léo lột tả khát khao tự do của phụ nữ, đó chính là Revolutionary Road của Sam Mendes. Tuy nhiên, nhà làm phim người Anh này lại cực kỳ nhẹ nhàng trong cách xây dựng tình huống, và đặt để tầng nghĩa quan trọng ở phần sâu hơn thông qua nhân vật người vợ April. Cô là một phụ nữ trẻ đẹp, đầy hoài bão nhưng rốt cuộc bị chôn vùi trong bể khổ, ngục tù… với anh chồng Frank bạc nhược, yếu kém. April muốn cùng chồng đi đến miền đất hứa không phải là nước Mỹ, cô cũng đồng thời khát khao được lao động để làm chủ thân phận cũng như cuộc đời mình. Nhưng sống bên cạnh người chồng như Frank, April chỉ còn một lựa chọn duy nhất là cái chết.

Mặc dù chứa đựng quan điểm lỗi thời về giai cấp, về mâu thuẫn vợ chồng… song Revolutionary Road vẫn chiếm trọn cảm xúc nhờ tài hóa thân của Kate Winslet (vợ cũ Sam Mendes) và người bạn đồng nghiệp thâm tình của cô Leonardo DiCaprio. Phim tuy khép lại trong nước mắt và máu, song ekip thực hiện đã mang đến cái nhìn trữ tình, có phần lãng đãng và ảo vọng nhằm giảm thiểu tính chất ai oán bi kịch.

North Country, ra đời trước Revolutionary Road vài năm, cũng là một phim thú vị về phụ nữ và sự tự do mà họ cần có, sự tôn trọng tối thiểu mà xã hội cần dành cho họ, đặc biệt là từ phía cánh mày râu. Trong tác phẩm thuộc thể loại phim tâm lý diễn tiến chậm rãi (melodrama), mỹ nữ Charlize Theron vào vai Josey Aimes – nữ công nhân nhà mỏ bước ra từ những năm 70 thế kỷ trước, ngày ngày lao động để nuôi thân và nuôi con. Cô đã bỏ trốn khỏi người tình vũ phu vì không chịu nổi những vết xước trên thân thể và trong tâm hồn.

Thế mà Josey vẫn chưa yên, cô bị đám đồng nghiệp nam giở nhiều trò đồi bại. Không chịu im lặng, Josey quyết tâm đi tìm chân lý cho mình và những người phụ nữ khác, ngay lúc cô nhận ra chẳng ai (trong đám đàn ông) dám đứng lên bênh vực phụ nữ chỉ vì xem nhẹ họ!

Có người nói nếu North Country ra đời năm ngoái, ngay giữa dòng sự kiện Hollywood đang ra sức nâng tầm và bảo vệ phụ nữ, phim dễ dàng thắng hàng loạt giải Oscar bởi đề tài hết sức nhạy cảm và gai góc. Trong đó hình ảnh Josey Aimes hiện lên chân thực và sống động qua diễn xuất nhập tâm của Charlize Theron giúp cô được đề cử Oscar thứ hai.

Nếu như Hollywood có Into the Wild lột tả tình yêu tự do tột độ của cánh mày râu (dựa trên câu chuyện có thật) thì liền sau đó, thế giới phụ nữ cũng tự hào với sự ra mắt của Wild dựa theo tự truyện của nữ tác giả Cheryl Strayed. Strayed viết cuốn sách nhằm thức tỉnh chính chị, cũng như lay động nhiều phụ nữ gặp hoàn cảnh hiểm nghèo trong cuộc sống, giúp họ lạc quan và khát khao sống tự do hơn.

Trong Wild, diễn viên Reese Witherspoon tái hiện lại hình ảnh Cheryl Strayed trong chuyến thám hiểm tìm về thiên nhiên nhưng thực chất là cô muốn rũ bỏ tất cả những phiền toái hàng ngày để hồi phục lại niềm tin, tình yêu cho chương mới cuộc đời mình sau cái chết của mẹ và cuộc hôn nhân đầy tổn thương với người chồng cũ. Ở cuối đoạn đường, hình ảnh Strayed nhận ra lý do cô đến với cuộc sống của mình, chân lý sống tiếp là gì… gây xúc động cho người xem.

Khi phụ nữ tự do cũng rắc rối!

Hơn thập kỷ qua Hollywood đã tạo ra không ít hình tượng người phụ nữ thú vị, hấp dẫn, tự do và đầy quyền lực, nhưng đa phần đều là nữ anh hùng siêu nhiên không có thật hoặc là nhân vật từ các phim hành động giả tưởng. Từ góa phụ áo đen Black Widow của vũ trụ điện ảnh Marvel đến những nhân vật từ truyện tranh hay video games như Diana (Wonder Woman), Aeon Flux, Katniss Everdeen (Hunger Games)… luôn có trong tay sức mạnh phi thường và trở thành người hùng không kém cạnh cánh mày râu.

Thú vị nhất có lẽ là nhân vật Furiosa của phim Mad Max: Fury Road năm 2015 do Charlize Theron đóng chính. Furiosa tuy chỉ là vai phụ trong một phim hành động thuần túy, nhưng Theron đã thổi hồn vào nhân vật và biến nó trở thành biểu tượng tự do.

Trong phim, Furiosa cùng 5 người vợ nô lệ của tên đồ tể biến thái Joe trống chạy đến miền tự do mang tên đồng xanh. Tuy nhiên đi được nửa đường, Furiosa buộc phải hợp tác với kẻ thù là Max điên cũng đang tháo chạy khỏi sự truy đuổi của Joe. Chính Max cũng là người giúp Furiosa tìm thấy tự do và chính nghĩa, thoát khỏi ách nô lệ của chúa tể Joe. Điều gây sốc là sau khi phim ra mắt, nhiều nhà phê bình nam quyền chê bộ phim không tiếc lời bởi quá đề cao nhân vật nữ Furiosa như một người hùng áp đảo mọi quý ông trên phim. Sự chống đối này xuất phát từ việc khán giả quá quen với chàng Max điên huyền thoại và không chấp nhận một phim nam quyền lại… tôn vinh nữ quyền!

Gây sốc và lộ rõ bản chất Hollywood là vậy, Furiosa và Mad Max: Fury Road vẫn là bộ phim được yêu thích nhất năm đó, dù vuột mất các giải Oscar danh giá về tay The Revenant – tác phẩm đề cao sự nam tính do Leonardo DiCaprio đóng chính.

Nói thế không có nghĩa là Hollywood chống đối phụ nữ, bởi năm qua Wonder Woman thắng lớn doanh thu phòng vé. Bộ phim hành động này góp phần mở ra thế giới nữ quyền, sự tự do của phụ nữ trên màn bạc, dù vẫn còn khá khập khiễng song cũng đã dọn đường cho loạt phim nữ quyền khác như Tomb Raider (vừa ra mắt giữa tháng 3) hay Mary Queen of Scots…

Theo Phụ Nữ Ngày Nay


Bình luận

Tin cùng chuyên mục