Spotlight
Ai đã tạo ra MV tuyệt phẩm “Em không thể” của Tiên Tiên?
Topsao gặp gỡ đạo diễn Ứng Duy Kiên. Anh là người đã thực hiện “Thật bất ngờ " (Trúc Nhân), “Talk to me” (Chipu), “Everyday” (Spacespeakers), “Có ai thương em như anh” (Tóc Tiên), “Em không thể” (Tiên Tiên), và gần đây nhất là “Chị ngả em nâng” (Bích Phương).

Có một số MV Vpop nổi bật trong thời gian gần đây bởi sự sáng tạo trong cách kể, đó là “Màu Nước Mắt”, “Anh Đếch Cần Gì Nhiều Ngoài Em” và “Em không thể”. Tuy nhiên, “Em không thể” dường như đã đi xa hơn cả, bởi sự khác biệt về màu sắc, sự hiện đại và tính cổ xưa, nét riêng tư nữa…, một MV hoàn toàn ngoài lề, chỉ đứng một mình và độc sáng.

Dưới đây là cuộc trò chuyện của một Talker Topsao – một kẻ tò mò đơn thuần, với đạo diễn Ứng Duy Kiên – người đã tạo ra một sản phẩm chưa từng có.


Đầu tiên phải hỏi đạo diễn Ứng Duy Kiên, vai trò nào thú vị hơn: Một hot boy hay một đạo diễn?

– Không biết nữa. Câu hỏi này ở hai phạm trù khác nhau nên cũng khó để trả lời, nhưng anh thích được coi là một đạo diễn.

Bởi vì hình tượng hot boy dường như sẽ ít liên quan đến những công việc nặng nhọc, nhưng anh lại chọn công việc đạo diễn, một công việc khá ôm đồm trong thế giới giải trí, từ việc nhiều task đến phải làm việc với rất nhiều người.. Tại sao anh lại chọn công việc này?

– Đơn giản vì anh thích thôi. Anh thích được làm đạo diễn, anh thích được làm cái gì liên quan đến hình ảnh, thích kể chuyện bằng hình ảnh, và anh muốn kể câu chuyện của mình, truyền tải nó bằng hình ảnh.

Kể câu chuyện của mình thì tại sao lại là MV chứ không phải là một bộ phim ạ?

– Anh nghĩ là do chưa có cơ hội và chưa tìm được một đối tác phù hợp để anh có thể làm một sản phẩm của riêng anh.

Anh có chịu ảnh hưởng của một ai đó khi muốn trở thành đạo diễn?

– Cho đến thời điểm hiện tại, anh vẫn đang đi tìm một người nào đó để mình chịu ảnh hưởng được, vì mình nên có một cái role model, một hình mẫu để mình hướng tới. Nhưng hiện tại bây giờ vẫn chưa có ai nên cứ tự đi theo con đường của mình.

Vậy anh cũng là người viết kịch bản cho những tác phẩm của mình?

– Đa phần các sản phẩm MV của anh do chính tay anh viết kịch bản, nhưng có những sản phẩm key, chủ chốt liên quan đến vấn đề nội dung thì anh hay làm việc với một bạn biên kịch tên là Nguyễn Minh Kiên. Đó là một bạn biên kịch mà anh đã làm việc với bạn ấy rất là lâu và bạn ấy đang sống ở ngoài Hà Nội.

Bạn ấy đã làm việc trên những sản phẩm nào của anh?

– Ví dụ như CATENA của chị Tóc Tiên và một số sản phẩm sắp tới anh ra mắt nữa.

Khi bắt tay vào một sản phẩm mới, anh sẽ hình dung hình ảnh trước hay nội dung câu chuyện trước?

– Anh sẽ hình thành một vấn đề nội dung trước, tìm một chủ đề và sẽ hỏi xem mong muốn của khách hàng là gì. Từ đó anh khai thác, làm sao để làm mới hình ảnh đó và kể rõ một câu chuyện nào đó phù hợp với định hướng của ca sĩ và theo sở thích của anh.

Vẫn cần có khách hàng hay sao anh?

– Nên có. Mình làm giải trí, nên phục vụ nhiều đối tượng. Không phải mình chỉ làm theo sở thích của mình. Vì nếu làm theo sở thích của mình thì anh nghĩ anh nên là khách hàng, nên tự hát, tự làm mọi thứ…

Những điều mà anh đang làm được phải chăng không thể học được ở trường lớp?

– Không, anh tốt nghiệp trường Sân khấu Điện ảnh, học khoa Quay phim. Nguồn gốc nghề nghiệp của anh là xuất phát điểm từ quay phim ra, và sau đó anh tay ngang trở thành đạo diễn. Nhưng anh có học qua một vài lớp tự học và một vài workshop của giáo viên nước ngoài.

Nếu anh không chịu ảnh hưởng của một đạo diễn nào thì anh có chịu ảnh hưởng của một phong cách nào không?

– Không. Nói chung về nghề nghiệp hiện tại của anh và loại hình mà anh đang theo là làm MV, thì cá nhân anh nghĩ là mình phải có nhiều màu, mình không nên bị bó buộc, bó chặt vào một phong cách nào nhất định cả.  Mình nên biết nhiều thứ.

Nhìn lại các sản phẩm của anh, em đã không nhận ra đó là anh làm trừ khi đọc credits. Có phải anh đã “tắc kè hoa” bản thân mình? Biến đổi mình tùy theo sản phẩm?

– Chính xác! Hợp lý! Đúng! Là như thế!

Vậy thì làm sao để nhận ra MV của anh mà không cần nhìn credits?

– Anh nghĩ với thị trường hiện tại, đối với đạo diễn nói chung, mọi người xem sản phẩm của anh mọi người sẽ nhận ra được cái nào là cái anh làm. Vì anh có những cái cách thể hiện hình ảnh mang tính chất gay gắt nhiều, tương phản nhiều và nó không giống với thị trường. Đó là cái chắc chắn.

MV nào khiến anh phải đau đầu nhất và người nghệ sĩ đã đòi hỏi anh nhiều nhất?

– Gần đây nhất thì có cái “Em không thể” của Tiên Tiên. Đó là cái anh đau đầu nhiều, vì là một bài hát anh rất thích. Anh muốn thể hiện nhiều vấn đề nội dung ở trong đấy. Dạng kiểu, nghe bài đấy xong mình cũng không thể viết được, không thể thể hiện được. Nên anh sử dụng chính những cái anh không thể hiện được – thể hiện vào bài hát đấy.

Anh có thể nói rõ hơn về cái anh không thể hiện được không?

– Thật ra khi anh làm sản phẩm cho một nghệ sĩ ở Việt Nam, anh chỉ cảm nhận được là nếu đó là một nghệ sĩ mới thì họ nên làm một cái gì đấy phô trương. Nhưng với một người như Tiên Tiên, đã có rất nhiều sản phẩm đánh dấu được màu sắc của Tiên Tiên rồi, thì thật sự mà nói chỉ cần bạn ấy đứng một chỗ hát thôi, đã đủ gây được nguồn cảm hứng và sự yêu mến của khán giả. Những người thích nghe nhạc của Tiên Tiên nghe những cái như thế. Đó là cái anh nghĩ.

Trong MV này thì Tiên Tiên cũng khác với các MV trước. Tạo hình, trang phục, đứng trong một chiếc hộp sáng… rất lạ. Đúng như anh nói là không có một chút phô trương nào và rất tinh tế.

– Thế thì cám ơn em thôi. Anh cũng khó để nói một điều gì đó khác với cả cái đấy (cười). Vì anh nghĩ những đơn giản thì sẽ là cái chạm được đến với khán giả nhất. Thỉnh thoảng lắm mình cầu kì mình phô trương một tí thôi.

Tại sao anh lại làm một MV khó để phần đông khán giả cảm nhận được như thế? Nghệ thuật của Nhật Bản vẫn được xem là số ít. Nghệ thuật tối giản vẫn được xem là nghệ thuật mới… Nếu MV không đạt được view cao thì anh có cho là mình đang mạo hiểm không?

– Anh nghĩ là anh không mạo hiểm. Anh đầu tư cùng và được làm nghề anh thích, được làm cái anh thích… Và chính việc anh được làm cái anh thích là do Tiên Tiên trao cho anh quyền đó.

Bản thân khi được trao cái quyền như thế, mình được bay hết mình. Và việc mình bay hết mình như thế rồi thì sản phẩm sẽ không giống với thị trường. Nó sẽ không bị một cái gì đấy rào cản, hay một quy tắc gì đấy…Anh nghĩ như thế nó sẽ ra được cái màu của đạo diễn, vừa ra được cái màu của người nghệ sĩ. Và sẽ tốt cho sản phẩm, tốt cho bài hát, tốt cho nghệ sĩ, tốt cho nhiều thứ lắm…

Nhỡ view không cao thì sao…, có bị xem là một lần fail?

– Bọn anh xác định ngay từ đầu: Bọn anh không cần phải có quá nhiều view. Bọn anh cần những người thích nghe thật, bọn anh cần những người chê thật, và bọn anh thích có sản phẩm thể hiện được cái tôi của mình.

Còn view nhiều bây giờ dễ bỏ tiền ra mua lắm, đâu có khó đâu, đúng không? Đấy, cho nên là cá nhân anh nghĩ là view không phải là cái quan trọng mà là cái tương tác và cái chất lượng của sản phẩm đó nó như thế nào. Anh nghĩ là như thế.

Với riêng em, về “Em không thể”, em thấy vẫn là Tiên Tiên và Touliver và màu sắc của họ. Điều khiến em ngạc nhiên nhất ở “Em không thể” chính là video chứ không phải âm nhạc.

– Anh cũng không biết. Anh nghĩ là mọi người nên ngạc nhiên, bởi vì nhờ có bài hát đấy thì mình mới có MV đấy. Nó là cái truyền cảm hứng cho mình. Nó là cái thực sự tạo nên cảm xúc cho mình để ra được những hình ảnh và những cái ideas như thế.

Đề tài của ekip Tiên Tiên đưa cho anh lúc đầu là gì ạ?

– Nó đúng với tên bài hát là hãy làm một cái gì đấy, đưa ra một nội dung gì đấy đúng với tên bài hát thôi. Đó là “Em không thể”.

Vì trong mối quan hệ của trai và gái, “em không thể” nó có nhiều thứ lắm: em không thể chia tay, em không thể chết, em không thể thế này, em không thể thế kia… Và như ở trong nội dung bài vừa rồi anh làm thì “Em không thể” ở đây chính là “em không thể chia tay anh”, em cũng không thể xóa bỏ hình ảnh của anh trong đầu của em, dù trong đầu của em có diễn ra cảnh đánh nhau, chém nhau hay như thế nào đi nữa, anh ấy chết rồi đi chăng nữa thì mở mắt ra anh vẫn ở bên cạnh nên em không thể nào quên được anh… kiểu kiểu như thế…

Nó là một cái gì đấy gây cảm hứng cho người xem. Nó không rõ ràng về cốt truyện. Nhưng anh sử dụng những hình key như lúc nãy em nói. Nó là những lát cắt, ok, nhưng anh sẽ chọn những lát cắt nó có giá trị và quý giá để link những câu chuyện với nhau. Anh nghĩ cái đấy chỉ cần xem đi xem lại nhiều lần thôi là mọi người sẽ hiểu được câu chuyện phần nào. Nó không quá khó khăn.

Nó không quá khó hiểu. Quan trọng là cách kể rất độc đáo. Nó thực sự tinh tế và vượt trội so với cái mà mọi người thường thấy, không phải là sự hoành tráng mà là sự chắt lọc rất kĩ. Em vẫn còn muốn hỏi tiếp về “Em không thể”, ví như chuyện tại sao anh lại khai thác nghệ thuật Kendo?

– Anh cảm nhận bộ môn đấy là một bộ môn thể thao mà nó có một cái gì đấy ý chí hay lắm! Anh phải giành rất nhiều thời gian để đi xem các trận đấu, và thấy các bạn í hét lên, rồi dùng sức của mình để đánh hay thể hiện sự quyết tâm của mình trong mỗi trận chiến.. Anh cảm thấy rất khoái. Thêm nữa trong bộ môn đó anh cảm thấy có sự trân trọng đối phương. Nó có một cái gì đấy cực kì lễ nghi và mình thực sự phải học hỏi từ những cái đấy rất nhiều.

Nên khi anh đem những cái đấy vào và sử dụng nó, anh nghĩ nó sẽ là một chất liệu phù hợp với Tiên Tiên. Thêm nữa nó là chất liệu mà Tiên Tiên đã dùng trước đây khá nhiều trong những sản phẩm trước của Tiên Tiên, thì việc mà link một cái gì đấy văn hóa từ một đất nước mà Tiên Tiên thích không phải là cái gì đấy quá khó khăn để mình khai thác nó. Nên anh quyết định cho cái đó vào.

Anh có phải chỉnh cho 2 bạn diễn chính về những bước chân, tư thế..?

– Có, anh phải chỉnh nhiều. Các đường mi ăng xen trong đấy anh phải chỉ rất là nhiều. Mình phải để ý xem quy trình của từng bước nó như thế nào… thì mình mới dám quay. Nếu mà tự nhiên mang một hình ảnh đại nào đấy xong mình quay thì quay sai, dễ bị chửi. Nên mình làm cái gì cũng nên có sự nghiên cứu và phải có kiến thức chính xác thì mới mang được một cái hiệu quả nhất định.

Anh có thể đảm bảo được tính chuyên môn trong MV của mình?

– Chính xác! Anh phải đảm bảo được chứ! Anh phải đảm bảo thì mới dám làm chứ không thể nào cứ làm bừa được.

Tại sao anh không nhờ một chuyên gia nào đó giám sát?

– Người mà anh nhờ làm các quy trình đó, chỉ lại cho anh những cái đó để quay là một bạn kiếm sĩ thật luôn, bạn ấy đã học 7 – 8 năm rồi thì kinh nghiệm của bạn ấy thừa để giúp anh quay được những cảnh quay đấy làm sao cho nó phù hợp.

Tại vì mình biết là mình phải quay cái gì, chứ không phải mình sẽ quay 1 cái phim tư liệu đầy đủ hết tất cả các hành động của một người kiếm sĩ. Anh biết anh cần quay cái gì là cái quan trọng: những cái thắt nút chắc nịch, những cách cầm kiếm, những cách buộc mũ vào, miết mũ các thứ… Cái đấy mình phải để ý nó mình mới quay được chứ không phải mình muốn quay gì thì quay.

Một bạn đã tập lâu rồi bạn ấy hoàn toàn có thể truyền tải được hết cho anh.

Điều mà em muốn hỏi là tại sao anh lại chọn một bộ môn nghệ thuật mà chỉ có một số ít người quan tâm như vậy?

– Cơ bản là vì anh cũng thích thôi. Thật sự là như thế. Nhìn cái bộ áo giáp đẹp, nhìn cách người ta tập và người ta thực hiện các nghi thức thực sự cuốn hút, và mình cũng muốn được như người ta, nên anh đưa hình đấy lên trên MV.

Thực sự em cảm thấy rất tuyệt vời vì anh đã chọn Kendo. Phương Tây cũng có kiếm nhưng đấu kiếm của phương Tây khác…

– Anh thích kiểu của kiếm Nhật hơn. Anh cũng cảm thấy nó ở Châu Á, nó gần với mình. Với anh thấy bộ môn đấy là bộ môn tốt trong thể thao, tốt cho sức lực, tốt cho trí óc và nó cũng là bộ môn đang được phát triển khá nhiều ở Việt Nam thời điểm hiện tại thì mình sử dụng nó cũng không có gì sai lại còn phù hợp với sở thích nữa.

Với cả xét theo thị trường thì anh cảm thấy đó là một cái mà ít người khai thác. Tội gì mình không khai thác?

Tại sao ở trong nghề người ta ít khai thác những yếu tố đắt giá và có tính nghệ thuật như vậy?

– Anh cảm nhận…, thật ra không phải cảm nhận mà anh biết được là con người ai cũng thế em ạ. Ai cũng thích một cái gì đấy đắt giá, một cái gì đó mới. Mình cứ xem xét theo thị trường thì mình thấy, cái gì đó quá bão hòa thì thể nào cũng sẽ đến lúc mình muốn tìm một cái gì đấy mới, thể hiện cho người ta xem. Ai cũng muốn thể hiện điều đấy. Nó sẽ là cái tôi của bản thân. Và nhận được cái tôi đấy thì cảm thấy sướng lắm. Anh nghĩ là như thế.


Nếu làm nhiều thứ khác biệt như thế mà không có sự đồng cảm thì có cảm thấy cô đơn không ạ?

– Cô đơn chứ! Nhưng mà may quá anh có vợ rồi, nên là về nhà vẫn kiểu cảm thấy sướng, vẫn có người đồng hành cùng với mình và ở đằng sau hỗ trợ cho mình. Còn anh cũng không quan tâm lắm, kiểu kiểu thế…

Diễn viên Hồng Xuân có phải là người đầu tiên anh phát hiện?

– Hồng Xuân gọi là người đầu tiên anh phát hiện thì không phải. Trước đó bạn ấy đã từng đóng MV ca nhạc cho một ca sĩ nào đấy. Anh làm việc với Xuân lúc anh làm cái Everyday cho Speaker. Cái đấy là cái mà lần đầu tiên anh nhìn được ra Xuân. Và anh thấy bạn ấy là một bạn rất khá về diễn cảm xúc, khuôn mặt.. và có một cái gì đấy hợp với các kịch bản của anh, nên anh gọi bạn ấy đóng cả Everyday và cả cái Em không thể này.

Anh khai thác những yếu tố nào của bạn ấy? Bởi vì em thấy bạn ấy trong MV của anh rất khác với bạn ấy trong MV của người khác. Đẹp thanh khiết và phi thực hơn.

– Thật ra thì do Xuân đẹp. Xuân đẹp thì lên hình dễ lắm, chả cần phải make up nhiều cũng đẹp. Các hình ảnh, các nét diễn xuất của Xuân mang lại thật sự nó không phải là cái gì mới. Xuân cũng nhờ sắc đẹp để có thể đóng được những cảnh kiểu như thế. Bạn ấy có một cái gì đó nó thực tế, tự nhiên. Quan trọng là tự nhiên, thì bạn ấy mới ra được những kiểu như vậy.

Anh sẽ chú trọng vào khai thác vẻ đẹp của bạn ấy hơn là diễn xuất đúng không ạ?

– Đúng! Vì anh làm với Xuân anh cảm thấy những cái vai mà anh viết vô hình chung nó hợp với bạn ấy. Bạn ấy hầu như chẳng phải diễn gì nhiều. Bạn ấy chỉ cần kích thích nhẹ một tí thôi, bạn ấy hoàn toàn có thể chảy nước mắt ra, vì nó quá phù hợp với bạn ấy, nó quá giống với bạn ấy. Bạn ấy chỉ cần tự nhiên thôi là đã ra được cái kiểu đấy rồi, thì anh chỉ khai thác các góc đẹp của bạn ấy và tạo hình cho bạn í để tốt hơn, phù hợp với nhân vật hơn thôi.

Nhân vật nam trong Em không thể, anh đã casting vai nam theo những yếu tố nào?

– Anh casting theo yếu tố là có một khuôn mặt lạ. Anh cảm thấy bạn í có một nét Châu Á thuần, không giống với các bạn nam thần bây giờ. Bạn ấy có một gương mặt mà anh cảm thấy nếu anh mà là con gái hồi cấp 2, cấp 3, anh sẽ mê. Nhìn đầu gấu, nên anh chọn bạn ấy cho clip này.

Hình tượng nam thần như anh nói, có vẻ anh và bạn í là 2 kiểu đẹp khác nhau. Thông thường người ta sẽ chọn một người giống mình hơn là một người khác mình.

– Anh nghĩ hình tượng như kiểu em nói, theo ý anh hiểu là “của anh” í, sẽ phải vào một câu chuyện khác, ở một độ tuổi khác, và có một cách suy nghĩ khác. Như kiểu thế giới mà anh tạo ra trong cái “Em không thể” thì nó rơi vào tầm học sinh cuối cấp 3. Kiểu cảm giác cô này tập trong CLB này rồi có một anh senpai nào đấy xuất hiện tới và “ơ anh ấy đẹp zai quá”… kiểu kiểu vậy. Với một cái hình tượng như thế, nên là một khuôn mặt ngổ ngáo, và nó là một gương mặt trông “chiến”, ngoài miền Bắc gọi là trông “chiến”.

Ngoài gương mặt thì hình xăm của bạn đó cũng rất ấn tượng khi đưa vào MV. Anh có lựa chọn yếu tố đó từ ban đầu?

– Không. Cái đấy chỉ là một cái tự nhiên thôi. Anh thì quan tâm đến gương mặt của bạn đấy, vì như kiểu cả bạn đấy lẫn bạn Xuân, cả hai bạn đều có 2 mặt. Để mặt lạnh thì là một kiểu nhân vật, cười lên một phát thì thành một kiểu nhân vật. Ít người ở Việt Nam có cái kiểu như thế. Họ toàn kiểu cố diễn ra cho nó vui thôi, hoặc là cố diễn ra cho nó buồn. Nhưng hai bạn đấy thể hiện cảm xúc rất rõ ràng.

Anh có bị giới hạn về thời gian không, để đạt được mức độ 100% ưng ý cho các sản phẩm của mình?

– Khó trả lời nhỉ?! Anh luôn muốn sản phẩm của mình được thoải mái thời gian và được làm cho nó tốt nhất rồi. Nhưng đúng là anh luôn luôn bị một cái hạn chế đó là thời gian luôn luôn không đủ cho mình để mình làm sản phẩm đấy.

Bởi vì nếu khi làm chỉ đơn giản là mình thực hiện đúng yêu cầu của khách hàng, quay cho đủ số hình.., quay nhanh cực. Nhưng mình hay đặt cái tôi của mình ở trong đấy, mình hay muốn thể hiện thêm nhiều thứ hơn, quay tốt nhiều thứ hơn.. Thì đấy, anh hay bị quay chậm hơn và quay được nhiều hình hơn.

Một dự án mà anh mong chờ sẽ như thế nào?

– Nó sẽ là một dự án thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đúng người, đúng sản phẩm, đúng nhạc, đúng phong cách và đúng thời điểm, để tạo ra được một cái gì đấy nó lớn và tạo thành được một trào lưu, một cái gì đấy mới, và có thể tồn tại được lâu.

Anh có chắc chắn là mình muốn một hình mẫu không?

– Anh nghĩ là nên có. Thường thì mọi người luôn muốn có một cái gì đấy để tin vào. Có người tin vào tôn giáo, có người tin vào suy nghĩ của mình, rồi có người tin vào cái này cái kia… Anh thì anh tin vào một cái gì đấy để làm gương, để được làm gương. Nên có một hình mẫu để hướng tới.

Em cảm thấy việc không có hình mẫu rất thú vị.

– Đơn giản thế này thôi. Anh chỉ cảm nhận được là mình giỏi sẽ có người giỏi hơn. Nên việc có hình mẫu và hình mẫu đấy là người giỏi hơn mình đôi khi cũng là một cái tốt và mình phải cố gắng vượt qua được cái hình mẫu đấy.

Đôi khi cái mà mọi người hỏi là bạn có hình mẫu hay không, anh muốn mình nên có một hình mẫu nhưng phải là một hình mẫu để mình vượt qua hình mẫu đấy, thì nó sẽ tốt hơn cho việc làm của mình.

Ơ! Em vẫn hy vọng anh sẽ không có hình mẫu.

– Thế hả?! Ừ thì anh sẽ để xem xem. Tìm được bản thân mình rồi thì chắc là sẽ không cần hình mẫu nữa. Sau này mình sẽ là một hình mẫu (cười).

Xin cảm ơn đạo diễn Ứng Duy Kiên vì đã trò chuyện, và chúc anh sẽ đạt được mọi điều anh mơ ước!

TOPSAO TALK với đạo diễn “Ứng Duy Kiên”, người đứng sau MV “EM KHÔNG THỂ” (Tiên Tiên x Touliver)

Artwork: Hà Đỗ
Filming: Hưng Bape
Video: Khuê Nguyễn
Content: Vân Sam


Bình luận

Tin cùng chuyên mục