Người nổi tiếng
Năm ấy đã từng khóc vì “Không kịp nói yêu em”, lần này “Nhân sinh nếu như lần đầu gặp gỡ”, “mẹ kế” Phỉ Ngã Tư Tồn sẽ còn gây bao cảnh ngược tâm?
Càng chờ đợi ngày Nhân sinh nếu như lần đầu gặp gỡ lên sóng, khán giả càng xót xa nhớ lại 7 năm trước cũng từng thổn thức vì một chuyện tình bi ai của Không kịp nói yêu em. Luôn chọn cách đày ải nhân vật vào những nỗi đau khổ dày vò tột độ nhưng người “mẹ kế” này lại thành công khi chinh phục khán giả bằng những chân lý thực nhất về tình yêu, cuộc đời.

“Bi tình thiên hậu”, “mẹ kế”… là những danh xưng mà người ta dành cho Phỉ Ngã Tư Tồn. Các tác phẩm của cô đều mang đến cho người xem nỗi đau day dứt thấu tận tâm can. Cô đầy ải nhân vật của mình vào những mối tình ngang trái, ngược tâm dày vò đến tột cùng gần như không lối thoát. Họ đều là những con người quyết liệt, mạnh mẽ, thông minh và đầy dũng khí kiên cường. Ấy vậy mà đứng trước tình yêu và người mình yêu, ai rồi cũng yếu đuối, cũng tổn thương và chấp nhận xa nhau ngay cả khi con tim không hề lỗi nhịp. Đọc truyện hay xem phim chuyển thể từ các tác phẩm của Phỉ Ngã Tư Tồn mới day dứt nhận ra rằng: Cuộc đời vốn rất kỳ diệu! Bạn sẽ chẳng bao giờ biết được tại sao lại dành trọn cuộc đời cho một người. Cũng sẽ chẳng bao giờ hiểu được vì sao mình lại yêu người ấy đến thế… và cũng không biết được rằng “bao nhiêu tình yêu trên đời mới đủ những cái buông tay?”

“Không kịp nói yêu em” –  Một lần gặp gỡ là một đời cuồng si

Nhắc đến Không kịp nói yêu em, chúng ta thổn thức nhớ lại mối tình ngang trái đầy nước mắt của Bái Lâm và Tĩnh Uyển. Nếu không có cuộc gặp gỡ định mệnh trên chuyến tàu sinh tử đó, không có chiếc đồng hồ mà Bái Lâm tặng cô thì cuộc đời mỗi người có lẽ đã chẳng nhiều bi thương đến vậy. Tĩnh Uyển sẽ mãi là một tiểu thư giàu có, sống hạnh phúc bên gia đình và chàng trai thanh mai trúc mã của mình Kiến Chương. Nhưng cuộc đời chính là một hành trình và chúng ta không biết được sẽ gặp ai, yêu ai trên hành trình đó… và dĩ nhiên càng không biết được tại sao chúng ta lại yêu họ nhiều đến như vậy. Nhiều đến mức khiến Tĩnh Uyển bỏ cả cuộc hôn nhân, bỏ gia đình, cha mẹ và lý trí để chạy theo tiếng gọi của con tim, vượt qua làn tên mũi đạn đến bên chiến trường ngã vào vòng tay của Bái Lâm và đón nhận tình yêu của anh bằng tất cả thể xác lẫn tâm hồn.

Và Bái Lâm cũng thế – anh hận bản thân mình “vì quái gì mà lại yêu em đến như vậy”, yêu đến mức muốn “mang cả thiên hạ đặt trước mặt em”…. Chàng đốc quân lạnh lùng, kiêu ngạo đầy hào khí ấy lại có những khi phát điên lên chỉ vì quá yêu Tĩnh Uyển.

Yêu nhau cuồng nhiệt là thế, hi sinh cho nhau là vậy ấy thế  mà vẫn có lúc phải xa nhau chỉ vì “thời thế”. Bài toán giang sơn, mỹ nhân đặt ra trên vai Bái Lâm và khi anh lựa chọn giang sơn để Tỉnh Uyển rời xa mình cũng là lúc anh biết rằng “ngay cả dũng khí nhìn cô anh cũng không có, anh yếu đuối như thế, chỉ có bản thân anh mới biết anh yếu đuối đến nhường nào”. Số phận đưa đẩy họ gặp nhau, đưa đẩy họ lạc nhau 8 năm và cũng đưa đẩy họ tao phùng trong nghịch cảnh “tình còn nóng nhưng lòng đã nguội, yêu vẫn thế nhưng người đã xa rồi”.

Khi chuyển thể thành phim, kết thúc đã được thay đổi có hậu hơn khi để Tĩnh Uyển và Bái Lâm vượt qua bao sóng gió cuối cùng cũng ở lại với nhau trong bình yên của những ngày cuối đời. Thế nhưng, trong nguyên tác, “mẹ kế” Phỉ ngã tư tồn không nhân đạo như thế. Cô tàn nhẫn để Bái Lâm vì ghen tuông mà giết chết Đô Đô – con gái của Tĩnh Uyển để rồi anh ôm đau đớn tột cùng khi Tĩnh Uyển tự sát theo con và bảo rằng đó là con gái anh. Đối với fan nguyên tác thì cái kết đau đớn đó có thể mới chính là cái kết tâm đắc nhất. “Gieo hành vi, gặt thói quen, gieo thói quen, gặt tính cách, gieo tính cách, gặt số phận”. Vì đó là Bái Lâm, vì đó là Tĩnh Uyển, nên số phận của họ trôi đi như thế, và kết thúc như thế là hợp lý.

Phim không có tuyến nhân vật hoàn toàn phản diện mà chung quy tất cả chỉ vì một chữ tình. Nhưng chưa hề có sự nuối tiếc. Ba năm, năm năm, tám năm hay cả đời… ai cũng phải chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình. Hạnh phúc không bao giờ dành cho người cố chấp. Bị kịch là do một người tạo ra, nhưng sẽ rất nhiều người nhận lãnh. Một Tĩnh Uyển dám yêu, dám hi sinh và đánh đổi cả chữ hiếu, chữ nghĩa vì tình yêu thì dĩ nhiên cũng thừa can đảm nhận lấy cái kết bi thương.

Một Bái Lâm dám quyết liệt giành lấy tình yêu của mình, dám yêu cuồng nhiệt, dám nhẫn tâm bỏ rơi người mình yêu thì cái giá là nỗi đau khổ cả một đời cũng không hề đắt. Một Tín Chi nhân từ, cao thượng và bao dung, sẵn sàng chở che bảo vệ Tĩnh Uyển bất chấp quá khứ của cô như thế nào rõ ràng xứng đáng nhận được cái kết “chết hạnh phúc bên người mình yêu”. Một Cẩn Chi mạnh mẽ, ngoan cường và cố chấp giành bằng được thể xác Bái Lâm và kết cục phải sống cả đời bên cạnh người chồng không hề yêu thương mình là cái giá cô phải trả. Đâu là hạnh phúc, là đau khổ chỉ có tự người trải qua mới biết được. “Bạn đã bao giờ thử yêu thương một người, vì người đó mà dốc hết tình yêu, khóc cạn nước mắt cũng chưa từng hối hận? Có người hỏi: Người đàn ông như thế nào lại có thể khiến cho cậu khóc cạn nước mắt cũng cam lòng? Một người đàn ông làm cho người phụ nữ không thể quên…”

Nhân sinh nếu như lần đầu gặp gỡ – Bi kịch phải chăng là “cả đời sống trong đau khổ vì giết người mình yêu”

Bộ phim chuyển thể này đã được fan mong ngóng từ những ngày còn trong trứng nước. Vừa mới chỉ tung 2 trailer nhưng dàn diễn viên xinh đẹp, cảnh quay lãng mạn… đã khiến fan đứng ngồi không yên. Nhưng quan trọng hơn hết là khán giả mong đợi nhìn thấy một Dịch Liên Khải,  một Tần Tang trên màn ảnh để sống lại những cảm xúc thổn thức năm nào trên trang giấy mà Phỉ Ngã Tư Tồn đã mang đến trước đây. Phim hiện tại chưa được công chiếu như với sức nặng của hai vai chính, khán giả vẫn hi vọng Hàn Đông Quân và Tôn Di mang đến trọn vẹn một Dịch Liên Khải và Tần Tang như nguyên tác.

Không cay nghiệt như Không kịp nói yêu em nhưng Nhân sinh nếu như lần đầu gặp gỡ cũng giày xéo bi ai nhân vật không kém. “Đời người, thì không thể làm lại từ đầu. Bạn gặp ai trước tiên thì chính là người đó, không thể thay đồi được”. Ngày về làm vợ Dịch Liên Khải, Tần Tang vẫn mang theo một bóng hình người đàn ông khác – người đàn ông yêu cô nhưng đời này vì muốn làm vài chuyện mà phải từ bỏ vài thứ, trong đó có cô.

Bên cạnh đó, Tình yêu Dịch Liên Khải dành cho Tần Tang cũng không trọn vẹn khi anh yêu chị dâu của mình. Thế rồi bước qua những sóng gió, thăng trầm, đắng cay và nước mắt; cả hai cũng dần nhận ra tình cảm của nhau; chỉ là trớ trêu thay không ai nói với ai điều đó. Mãi cho đến khi người đàn ông từng bỏ rơi Tần Tang trở về tìm cô đã khiến các nhân vật rơi vào một cuộc tình tay ba đầy oán hận.

Một người chưa từng thất bại trước người phụ nữ nào, chưa từng bị ai cự tuyệt như Dịch Liên Khải lại có thể vì Tần Tang mà bỏ cả Dịch gia, bỏ cả Giang Tả và hi sinh cả bản thân để bảo vệ cô. Cái kết cuối cùng là ai sống, ai chết không quan trọng. Bởi đối với Phỉ Ngã Tư Tồn một cái kết hợp lý cho dù bi ai ra sao thì vẫn tâm đắc hơn một cái kết “happy ending” miễn cưỡng. Vì hạnh phúc là “thà chết cùng người mình yêu còn hơn sống cả đời bình yên bên cạnh người mình không có cảm tình”, còn bi kịch chính là “ cả đời này sống trong đau khổ vì giết người mình yêu”.

Topsao

 


Bình luận

Tin cùng chuyên mục