Phim
Điện ảnh cải biên Việt Nam: còn nhiều thách thức!
Trong những năm gần đây, càng có nhiều tác phẩm cải biên từ những tác phẩm văn học Việt Nam. Những tác phẩm điện ảnh này cũng có lợi thế là số lượng những người hâm mộ của tác phẩm gốc trước đó. Tuy nhiên, đây cũng là "con dao hai lưỡi", khi chính điều đó sẽ tạo nên áp lực cho những nhà làm phim.

Cải biên tác phẩm văn học thành phim điện ảnh

Một bố bộ phim cải biên Việt Nam trong thời gian qua. Ảnh Internet

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam ban hành năm 2005, đã có khái niệm cụ thể về thuật ngữ “cải biên”. Theo đó, “cải biên là sửa đổi một phần nội dung, chuyển thể loại, thay đổi hình thức thể hiện trên cơ sở bản gốc hoặc một phần bản gốc của tác phẩm văn học nghệ thuật hoặc dựa trên nội dung cơ bản của tác phẩm đó để sáng tạo ra tác phẩm mới. Khi cải biên tác phẩm phải được chủ sở hữu tác phẩm gốc cho phép và phải trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc”.

Vậy cải biên tác phẩm văn học thành phim điện ảnh chính là hành động mà biên kịch, đạo diễn sửa đổi lại một phần nội dung của tác phẩm văn học, đưa câu chuyện trong tác phẩm văn học ấy lên màn ảnh rộng, hoặc có thể dựa vào nội dung cơ bản của tác phẩm để sáng tác ta một tác phẩm mới.

“Cải biên” và “chuyển thể” – đâu là cách gọi đúng?

Trong tiếng Anh, người ta sử dụng thuật ngữ “adaptation” để chỉ thao tác mà ta chuyển đổi từ một loại hình này sang một loại hình khác. Tuy nhiên, một số đề tài nghiên cứu ở Việt Nam lại dịch từ “adaptation” này thành “chuyển thể”. Điều này liệu có thực sự sát nghĩa hay không? “Chuyển thể” chỉ là thao tác ta đổi từ thể loại này sang một thể loại khác, còn nội dung thì vẫn giữ như nguyên tác. Như vậy, rõ ràng chính sự nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ này làm chúng ta hiểu sai về tính chất của những bộ phim dựa trên chất liệu gốc là tác phẩm văn học.

Trong quyển sách “Chân trời của hình ảnh (Từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp của Kurosawa Akira)”, TS  Đào Lê Na – tác giả của quyển sách, đã sử dụng thuật ngữ “cải biên” thay vì “chuyển thể” bởi vì nó mới định danh chính xác bản chất của dòng phim này.

Sách Chân trời của hình ảnh, bàn về lí luận cải biên điện ảnh. Ảnh: NXB ĐHQG-HCM

Trong quá trình tạo ra các bộ phim mà sử dụng chất liệu gốc là tác phẩm văn học, rõ ràng đạo diễn hay biên kịch đều thay đổi, thêm thắt, sáng tạo. Những sự thay đổi này xuất phát từ cách cảm nhận của nhà làm phim. Vậy thì tại sao gọi những bộ phim này là phim chuyển thể? Chính cách gọi này đã làm mất đi cũng như sự sáng tạo của nhà làm phim.

Trong bộ phim “Cánh đồng bất tận” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình được cải biên từ nguyên tác cùng tên của nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã cho người xem cảm nhận được khát khao yêu thương mãnh liệt của các nhân vật, thay vì sự ám ảnh của kiếp sống trôi nổi, lênh đênh, cô độc và khắc nghiệt của người nông dân Nam Bộ.

Phim Cánh đồng bất tận. Ảnh DANET

Do đó, thuật ngữ “cải biên” sẽ bao hàm được ý nghĩa về sự thay đổi, giúp nhà làm phim hiểu đúng để tự do thể hiện sự sáng tạo của mình. Qua đó, còn giúp khán giả có sự nhìn nhận đúng hơn về những bộ phim này mà không so sánh về tính “trung thành” so với nguyên tác. Từ đó giúp cho nền điện ảnh Việt Nam chất lượng và đa dạng hơn.

Mối quan hệ giữa kịch bản điện ảnh với tác phẩm văn học:

Nếu âm nhạc dùng giai điệu, âm thanh làm chất liệu, hội họa dùng chất liệu màu sắc và đường nét thì văn học dùng ngôn từ làm chất liệu. Ẩn chứa bên trong của mỗi tác phẩm văn học chính là sự tinh túy của từ ngữ, nơi mà từ ngữ biểu thị được dáng dấp, lời nói, biểu cảm, đưa chúng ta đi từ quá khứ đến tương lai. Văn học chính là một mảnh đất màu mỡ để các loại hình nghệ thuật còn lại có thể dựa theo và sáng tạo ra tác phẩm của mình. Bằng chính giá trị về mặt nội dung lẫn nghệ thuật, văn học hoàn toàn có thể trở thành chất liệu hoàn hảo cho điện ảnh.

Văn học và điện ảnh có sự tương tác lẫn nhau, tương tác qua lại trong quá trình tạo ra những sáng tác nghệ thuật. Có nghĩa là trong điện ảnh có yếu tố văn học và ngược lại trong văn học cũng có thể có yếu tố của điện ảnh.“Điện ảnh lấy cảm hứng, chất liệu từ mạch nguồn phong phú của kho tàng văn học, tiếp thu những thủ pháp nghệ thuật của văn học; ngược lại, với xu thế phát triển thông tin giải trí ngày nay, các thủ pháp điện ảnh đã xâm nhập vào địa hạt văn học và ngày càng chiếm một lãnh thổ rộng lớn”.

Điện ảnh cảm tác từ văn học đề tài, cốt truyện, ngôn ngữ văn chương giàu xúc cảm. Kịch bản điện ảnh cũng có thể gọi là một tác phẩm văn chương dưới dạng trình bày đặc biệt. Có thể nói, kịch bản điện ảnh đưa những câu từ trong văn học “bước đầu” trở thành hiện thực. Rõ ràng việc tạo ra các bộ phim sử dụng chất liệu từ những tác phẩm văn học giúp các nhà đạo diễn hay biên kịch dễ dàng hơn trong việc cho ra đời những bộ phim chất lượng cả về hình thức lẫn nội dung.

Phim cải biên Việt Nam còn nhiều thách thức

Tâm lý khán giả:

Trong những năm gần đây, càng có nhiều tác phẩm cải biên từ những tác phẩm văn học Việt Nam. Những tác phẩm điện ảnh này cũng có lợi thế là số lượng những người hâm mộ của tác phẩm gốc trước đó. Tuy nhiên, đây cũng là “con dao hai lưỡi”, khi chính điều đó sẽ tạo nên áp lực cho những nhà làm phim. Những tác phẩm văn học có lượng độc giả lớn qua nhiều năm, vì vậy những độc giả trung thành của tác phẩm cũng có những yêu cầu khắt khe đối với những bộ phim chuyển thể.

Thách thức lớn nhất của dòng phim cải biên ở Việt Nam hiện nay có lẽ nằm ở quan niệm của khán giả. Khi xem những bộ phim này, khán giả thường hay đối chiếu với nguyên tác, xem bộ phim có thể hiện đúng như nguyên tác hay thậm chí là đúng như những gì mà cá nhân của khán giả cảm nhận tác phẩm đó. Khi lựa chọn một tác phẩm nào đó, đạo diễn có quyền lựa chọn làm ra bộ phim như thế nào, nhân vật “giống” hay “khác” so với nguyên tác, diễn biến câu chuyện diễn ra như thế nào tùy theo cách cảm thụ tác phẩm của riêng đạo diễn hay nhà biên kịch. Việc khán giả so sánh giữa phim và sách là điều không nên, vô hình chung gây bó buộc, kìm kẹp sự sáng tạo của nhà làm phim. Việc trung thành tuyệt đối với tác phẩm, làm cho bộ phim chỉ mang tính “minh họa” cho tác phẩm. Vậy khán giả có cần xem phim nữa hay không khi nó chỉ là một cuốn truyện được thể hiện sang một hình thức khác.

Khán giả cần phải có ánh nhìn cởi mở và nhìn nhận đúng đắn về dòng phim cải biên. Cổ vũ, khích lệ tinh thần của các nhà làm phim. Đồng thời, góp ý một cách xây dựng để tạo ra những tác phẩm có chất lượng. Đưa những bộ phim nước nhà vươn ra tầm thế giới.

Bối cảnh, kinh phí sản xuất:

Phim cải biên còn gặp khó khăn trong việc tìm và dàn dựng bối cảnh. Bởi vì có những tác phẩm có mốc thời gian lùi xa thì việc tìm và tái hiện lại bối cảnh tốn nhiều kinh phí và thời gian. Chưa kể, nhà làm phim phải tìm hiểu về lịch sử của giai đoạn, tìm hiểu văn hóa của vùng miền để có những bối cảnh đúng, phù hợp và góp phần vào sự thành công của bộ phim. Sau khi phim ra rạp lại chịu áp lực về doanh thu. Theo biên kịch Thanh Hương, từng chia sẻ: Phim cải biên “có nhiều lợi thế về cốt truyện, kịch bản nhưng cũng nhiều thách thức, mạo hiểm. Những tác phẩm hoài niệm về tình yêu còn dễ kết nối cảm xúc nhưng khi đề cập đến vấn đề bức xúc, đau đáu trong xã hội nếu làm không tới sẽ khó thuyết phục khán giả”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Cải biên là gì?, Thư viện Pháp luật, nguồn: https://hoidap.thuvienphapluat.vn/hoi-dap/1E2FF-hd-cai-bien-la-gi.html

Đặng Thế Anh, Mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh. Nguồn: http://lce.edu.vn/vi/news/Tin-tuc-Su-kien-43/moi-quan-he-giua-van-hoc-va-dien-anh-647.html

Minh Khuê, Làm phim văn học: Thách thức lớn. Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/lam-phim-van-hoc-chuyen-the-thach-thuc-lon-20200421210519788.htm

Đào Lê Na (2017), Chân trời của hình ảnh (Từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp Kurosawa Akira), NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh


Bình luận

Tin cùng chuyên mục