Vũ Ngọc Phượng là cái tên đã được người ta biết đến qua bộ phim điện ảnh đầu tay của anh “Vẽ đường cho yêu chạy” (2015). Từ thời điểm đó, đã có thể thấy một làn gió mới trẻ trung thổi vào điện ảnh nước nhà với cách làm phim tươi mới, nước phim sáng và những câu thoại đắt giá. Dàn diễn viên trẻ trung, cá tính cũng là điểm sáng của phim Vũ Ngọc Phượng. Anh không ngại các diễn viên không chuyên, chỉ ngại các diễn viên của mình không có “chất”.
Nếu những ai đã xem “Vẽ đường cho yêu chạy”, chắc chắn sẽ khó quên sự đẹp đẽ và thơ ngây trong phim của Vũ Ngọc Phượng, sự hài hước trong những chi tiết nhỏ được lưu ý khiến cho phim trở nên cực đáng yêu. Tất cả những điểm mạnh đó đều được Vũ Ngọc Phượng đưa vào bộ phim mới nhất của mình, nhưng lần này, “100 ngày bên em” (2018) đã không còn là “Vẽ đường cho yêu chạy” (2015) nữa. Nó bi kịch hơn, buồn bã hơn, và đọng lại trong tâm trí người xem là những bâng khuâng tiếc nuối.
Tiếc cho một mối tình chất chứa những yêu thương không trọn vẹn. Tiếc cho một Nhật Minh (Jun Phạm) nhìn đơn giản, nhưng nặng nghĩa nặng tình. Tiếc cho một Ánh Dương (Khả Ngân) đến phút cuối mới phát hiện ra mình yêu Nhật Minh nhiều hơn là yêu một cuộc sống ảo trên mạng. Tiếc cho một Lê Huy (Bê Trần), phải buông tay người mình yêu để nhìn người đó bên người khác. Tiếc cho một cặp đôi, lẽ ra đã có “happy ending” – hạnh phúc mãi mãi như câu chuyện cổ tích công chúa và hoàng tử – nhưng một người đã lạc mất trong biển thời gian, để lại một người giữa cánh đồng hướng dương mỉm cười, nhưng người xem thì lau nước mắt.
Jun Phạm (Nhật Minh) vẫn còn là chàng trai trẻ con thích chọc cười khán giả, nhưng đâu đó đã thấy bóng dáng của một người đàn ông trưởng thành trong những phân cảnh giành giật Ánh Dương (Khả Ngân) với Lê Huy (Bê Trần). Cảnh hai người đàn ông găng nhau trước căn biệt thự gỗ ở Đà Lạt thực sự là một cảnh cao trào và đắt giá. Các diễn viên đều diễn rất xuất sắc và như thể vượt ra ngoài bản thân mình, từ Jun Phạm, đến Bê Trần và Khả Ngân. Ánh mắt đau đớn của Jun Phạm, sự quyết liệt và những câu thoại lạc giọng của Bê Trần, vẻ lạc lối lạc thần của Khả Ngân là những hình ảnh rất khó quên. Bộ ba nói chung và bản thân Khả Ngân nói riêng đã có những cảnh diễn để đời.
Theo lời đạo diễn Vũ Ngọc Phượng, Jun Phạm và Khả Ngân kể lại, dường như đạo diễn đã cắt đi khá nhiều những cảnh mà cảm xúc của phim được đẩy mạnh hơn. Jun Phạm đã khóc nhiều hơn, Khả Ngân cũng khóc nhiều hơn, nụ hôn sâu của hai nhân vật chính cũng kéo dài hơn. Tất cả những điều đó cũng để lại tiếc nuối cho người xem, muốn được biết đến tận cùng của nỗi đau là như thế nào.
Còn hạnh phúc? Phim có hạnh phúc. Hạnh phúc đến từ nụ cười của Ánh Dương (Khả Ngân), hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng sáng giá mà cậu em trai Minh Sơn (Gin Tuấn Kiệt) đã thổi vào. Chỉ là một vai phụ, nhưng sự có mặt của Minh Sơn cùng với diễn xuất lột tả được sự hồn nhiên, vô tư mà cũng rất nhiều tình yêu thương của cậu em trai dành cho anh chị và gia đình, đã mang lại sự ấm áp và ánh sáng cho phim vốn đã nhuốm màu bi kịch từ những phút ban đầu.
Với “100 ngày bên em”, Vũ Ngọc Phượng đã cân bằng nỗi buồn và niềm vui trong bộ phim điện ảnh thứ hai của anh. Vũ Ngọc Phượng sẽ còn tiếp tục bộ phim thứ ba của anh theo hướng nào? Đó là điều mà người quan tâm đến điện ảnh Việt sẽ tò mò, bởi nói gì thì nói, anh đã và đang dần hình thành cho mình một phong cách làm phim riêng.
Topsao