Xuất hiện những cơn đau thắt nhẹ nhưng bệnh nhân này không nghĩ rằng đó là dấu hiệu sớm của bệnh tim. Ông Nguyễn Mạnh Tiến – TP.Hà Nội: “Tưởng là bị dạ dày co thắt lồng ngực, nhưng vào đây mới biết là tim mạch.” Bác sĩ Phạm Nhật Minh – Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai: “Bệnh nhân vào viện do nhồi máu cơ tim nặng, sốc tim, đc can thiệp động mạch vành, tắc 2/3 động mạch vành”
Biểu hiện bệnh không rầm rộ, không ảnh hưởng rõ ràng đến sức khỏe, khiến nhiều bệnh nhân chủ quan. Các bệnh lý tim mạch phổ biến nhất là cao huyết áp, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim. Ngoài nguyên nhân chủ quan, lối sống thiếu khoa học cũng là nguy cơ khiến cho các bệnh lý tim mạch phát triển. Bác sĩ Văn Đức Hạnh – Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai: “Rất nhiều người đến trong tình trạng bệnh đã muộn rồi, biến chứng của mạch chân, mạch não… nhiều người trẻ bị bệnh mà không biết bị mắc tim mạch.”
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người Việt tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong, cao hơn cả số ca tử vong vì ung thư hằng năm. Thậm chí khoảng 25% người Việt trưởng thành đang mắc bệnh tim mạch và người mắc bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa. PGS, TS Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai: “Yếu tố nguy cơ về thói quen có hại như hút thuốc lá, lười vận động, ăn các chất mỡ, chất có đường hiện nay nguy cơ gia tăng số chết do tim mạch gấp rưỡi.”
Các bệnh lý tim mạch không thể điều trị khỏi hoàn toàn, mà chỉ có thể điều trị giảm nhẹ, điều trị triệu chứng. Tuy nhiên mỗi người dân đều có thể phòng ngừa bệnh lý tim mạch bằng cách thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là thường xuyên tập luyện thể dục thể thao./.
Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin về các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế… mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích trong đời sống, xã hội thường nhật.