Đời sống
Đâu chỉ trẻ con, người lớn cũng háo hức tìm về những mùa Trung thu cũ với tò he, đèn kéo quân, trò chơi trốn tìm
Nặn tò he, đốt đèn kéo quân, rủ rê chơi trốn tìm rồi tranh nhau từng vị bánh là những niềm vui nhỏ bé của bọn trẻ con ngày trước trong những đêm rằm tháng Tám.

Những ai đã có dịp tham gia những lễ hội dân gian cổ truyền của Việt Nam hẳn chẳng còn xa lạ với tò he – món đồ chơi yêu thích của trẻ con ngày xưa. Hình ảnh những nghệ nhân làm tò he với đôi tay khéo léo, thoăn thoắt bắt loại bột đủ màu sắc, chỉ trong vài phút đã tạo thành hình dáng đủ thứ con gà, con chó, mâm quả, đĩa xôi… đã in vào lòng người xem những dấu ấn khó phai – nhất là bọn trẻ con vốn mê mấy món xinh xắn mà còn độc lạ.

Để làm bột nặn tò he, những nghệ nhân sử dụng gạo nếp trộn với gạo tẻ nghiền nhuyễn, nhào với nước cho bột quyện vào nhau thật mịn, vê thành viên, pha thêm chút đường và màu sắc vào rồi mới bắt thành hình. Tò he ngày xưa còn được gắn vào vào một chiếc kèn ống. Âm thanh phát ra khi thổi kèn được xem là nguồn gốc của tên gọi “tò he”.

Tò he ngày nay được “quốc tế hóa” với phiên bản Minion, Hello Kitty và cả nàng tiên cá

Trẻ con vốn dễ vui nhưng mau chán, thổi tò he được một lúc lại chuyển sang mày mò chiếc đèn kéo quân. Dù đã được ông bà, bố mẹ cảnh báo không tự ý động đến khi chưa được cho phép, nhưng đôi lần vì háo hức ham chơi mà lén thắp lên rồi làm cháy mất một góc đèn trong sự tiếc nuối và e sợ bị mắng. Không háo hức sao được, vì mỗi khi ánh sáng dìu dịu tỏa ra và những hình bóng phản chiếu trên giấy nến bắt đầu xoay vòng là đứa trẻ nào cũng mê mẩn tít thò lò. Nếu có người lớn bày cho chơi cùng, rủ rỉ kể cho nghe những câu chuyện xưa tích cũ về sự dũng cảm kiên cường của cha ông trong thời chống giặc ngoại xâm hay đơn giản là sự tích của chính chiếc đèn được xem là biểu tượng cho lòng hiếu thảo thì niềm hân hoan ấy sẽ còn đậm đà mãi.

Trẻ con thành phố học cách trang trí đèn kéo quân

Một hoạt động khác cũng rất được yêu thích trong đêm trăng sáng là trò trốn tìm. Chỉ cần ba đứa trẻ chơi cùng là đã đủ cho một trò vui, vì kể cả có trốn kỹ vào góc nhà hay lánh ra khoảng sân vắng cũng chẳng thể giấu được những háo hức thuở bé bị bày ra dưới ánh sáng vằng vặc của vầng trăng treo cao. Lại chẳng vui được lâu, lũ trẻ quay về với bố mẹ, tranh nhau từng mẩu bánh Trung thu, ăn lấy ăn để rồi bắt chước người lớn nhấp trà tấm tắc khen ngợi chiếc bánh nướng thơm lừng.

Đã bao lâu bạn chẳng còn thấy nhớ vị thơm bùi của chiếc bánh Trung thu?

Trong dòng chảy của văn hóa hiện đại, Tết Trung thu dường như có phần trở nên hối hả hơn. Đô thị hiện đại với ánh đèn điện rực rỡ đầy sắc màu đã giấu đi vầng trăng sáng dịu, hình ảnh trẻ con xúng xính rước đèn, người lớn chia sẻ cùng nhau từng miếng bánh, cùng thưởng trà, ngắm cảnh đã dần trở thành hồi ức xa xôi. Trẻ con bây giờ dễ bị thu hút bởi những chiếc đèn nhựa đủ mọi hình dáng kích cỡ, vừa nhấp nháy đèn pin và còn phát ra vài giai điệu điện tử vui tai. Chiếc bánh Trung thu được mua vội về nhà cũng chẳng làm gợi nên cảm giác thèm thuồng như bố mẹ, ông bà chúng ngày xưa – những người mà trong giấc mơ có khi còn nếm ra được từng vị bánh, thức dậy rồi vẫn còn tiếc mãi không thôi.

Những tuần qua, khách tham quan và mua sắm ở trung tâm thương mại Saigon Center đã có dịp trải nghiệm đầy đủ các hoạt động vui Trung thu truyền thống để tìm về với ký ức tuổi thơ hay dành cho các bé thiếu nhi trong gia đình những trải nghiệm đúng nghĩa của một dịp Trung thu truyền thống.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục