Thời gian qua, lợi dụng tâm lý cả tin, nhu cầu vay vốn nhanh của người dân, nhất là trong thời điểm dịch bệnh, một số kẻ gian đã thực hiện thủ đoạn lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản thông qua việc mời chào, cung cấp các khoản vay từ ngân hàng. Điều đáng nói, thông tin khách hàng mà các đối tượng này có được chủ yếu là từ lịch sử mua hàng trả góp trước đó, vì vậy mà nhiều người đã hết sức tin tưởng và rơi vào bẫy lừa đảo. Để hiểu thêm về thủ đoạn này cũng như các biện pháp đề phòng, mời quý vị và các bạn theo dõi Lời Cảnh Báo ngay sau đây.
Xuất phát từ nhu cầu vay tiền để trang trải cuộc sống trong thời điểm dịch bệnh, chị Bùi Thị Xuân Phương (ngụ tại quận Bình Tân, TP.HCM) đã được một người tự xưng là nhân viên ngân hàng hướng dẫn thủ tục vay vốn. Theo chị Phương, sau khi hướng dẫn các thủ tục cần thiết thì người này chuyển cho chị một hộp bưu phẩm, trong đó bao gồm: 1 tấm thẻ có mã số hợp đồng kèm theo quà tặng, khi được xác nhận đủ điều kiện vay, chị Phương đã chuyển gần 2 triệu đồng phí bảo hiểm theo yêu cầu của nhân viên trước đó. Sau khi nhận được phí bảo hiểm, chị Phương không những không nhận được tiền vay mà số điện thoại của nhân viên hướng dẫn cũng không liên hệ được. Không chỉ vậy, thông tin người gửi bưu phẩm không giống như những gì mà người nhân viên kia giới thiệu trước đó. Chi cho hay: “Từ lúc đó trở đi là tôi gọi điện tôi không gặp được người tư vấn cho tôi vay tiền, lúc này tôi sốt ruột thì mới nghĩ là mình đã bị lừa.”
Thời gian qua, đã có không ít trường hợp như chị Phương bị các đối tượng xấu dùng thủ đoạn giả mạo tin nhắn từ các đầu số ngân hàng (hay còn gọi là brand name) để chiếm đoạt tài sản. Không chỉ giả mạo nhân viên ngân hàng liên lạc qua điện thoại, các đối tượng còn mạo danh tin nhắn ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo. Theo đó, khách hàng của nhiều ngân hàng nhận được tin nhắn SMS từ đầu số có tên của các ngân hàng, thông báo tài khoản bị khóa, đồng thời gửi đường link giả mạo kèm theo yêu cầu đăng nhập để lấy lại tài khoản. Đường link giả mạo chỉ khác một vài chi tiết so với đường link thật của ngân hàng nên rất dễ gây nhầm lẫn. Chỉ cần click vào và thực hiện theo hướng dẫn thì số tiền trong tài khoản sẽ bị trừ đi.
Có thể nói, hình thức giả mạo này khá tinh vi, bởi nó không hiển thị số thuê bao mà chỉ hiện tên của các thương hiệu đã được đăng ký và xét duyệt từ nhà mạng. Ở nước ta và một số quốc gia khác, muốn gửi tin nhắn brandname thì phải đăng ký với nhà mạng. Song hiện nay, các tin nhắn như thế này vẫn có thể gửi đến người dân dù không được đăng ký với các đơn vị viễn thông.
Ông NGUYỄN HỮU TRUNG – Công ty Cổ phần CyStack Việt Nam cho biết: “Quy trình thường là để gửi 1 tin nhắn brand name thì người gửi phải đăng ký với các cơ quan chức năng hoặc nhà mạng, sau đó làm việc với đơn vị cung cấp dịch vụ gửi. Đơn vị cung cấp sẽ xét duyệt kiểm tra lại cái brand name đã được nhà mạng cung cấp chưa, sau đó họ mới chuyển tiếp lên nhà mạng thực hiện gửi đi.”
Ông LÊ QUANG HÀ – Công ty An ninh mạng Viettel chia sẻ: “Chúng ta hoàn toàn có thể gọi điện đến bộ phận chăm sóc khách hàng của ngân hàng để xác minh về những thông tin, đường link mà chúng ta nhận được trước khi chúng ta nhập thông tin như số tài khoản, mật khẩu, OTP…”
Trước những thủ đoạn lừa đảo kể trên, các ngân hàng đã lần lượt ra thông báo, khẳng định việc vay vốn và mở thẻ tín dụng phải được thực hiện đầy đủ theo quy trình và tuân thủ đúng pháp luật. Ngân hàng không yêu cầu nạp tiền, chuyển khoản hay thu phí trong quá trình xem xét và đánh giá khoản vay,…Do đó, người dân cần cẩn trọng, cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn tự xưng là nhân viên ngân hàng tiếp thị và hướng dẫn vay vốn.
Ngoài ra, để tránh bị lừa đảo, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, nhất là mã OTP cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào. Đồng thời, không truy cập và thực hiện giao dịch thanh toán thông qua các đường link, website lạ được nhận qua tin nhắn, email. Khi có nhu cầu vay vốn, người dân cần đến trực tiếp các điểm giao dịch của ngân hàng để được tư vấn đầy đủ.
Những chiêu thức mạo danh, lừa đảo ngày càng tinh vi không chỉ gây thiệt hại cho người dân mà còn ảnh hưởng tới uy tín của ngành ngân hàng. Do đó, khi phát hiện hoặc có dấu hiệu nghi ngờ về những hành vi lừa đảo tương tự, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời ngăn chặn và xử lý. Hy vọng thông qua chương trình, quý vị sẽ có thêm thông tin hữu ích cũng như chủ động cảnh giác trước những lời mời chào vay vốn hoặc các tin nhắn, đường link giả mạo ngân hàng, tránh vướng vào các bẫy lừa đảo.
Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin về các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế… mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích trong đời sống, xã hội thường nhật.