Có nhiều cách bắt tôm như chày lưới, đặt lợp, dỡ chà, nhưng câu tôm là cách mà hiện nhiều người dân sống ven các bãi cồn ở tỉnh An Giang lựa chọn. Thời điểm thích hợp để ra sông “săn” tôm là cuối năm đến tháng 2 âm lịch năm sau. Nghề câu tôm vừa là thú vui vừa giúp có thêm thu nhập.
Tôm càng xanh là sản vật thiên nhiên có giá trị kinh tế cao. Để bắt được tôm sông, thợ câu cũng lắm gian nan. Ngoài chiếc xuồng làm phương tiện, người “săn” tôm suốt ngày lênh đênh trên sông nước. Thợ câu tôm dùng mồi là trùn biển để câu.
Anh Đặng Hồng Phúc – Huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang: “Những vạt bè lâu năm có lục bình dựa, người dân chày lưới không được nên mấy chỗ đó thường có tôm ở, điểm trống trải quá thì tôm cũng ít ở. Tháng hai, tháng ba nước trong, nước êm á thì tôm có con nặng 200 gram đến 300 gram là chuyện bình thường, có con nặng hơn nửa ký luôn.”
Hiện nay, ở các bãi cồn thuộc các xã An Thạnh Trung, Long Giang của huyện Chợ Mới và Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên đêm ngày có trên dưới 20 người đi câu tôm. Một số là thợ câu chuyên nghiệp sống với nghề, số khác thì ra sông tìm thú vui.
Anh Đặng Hồng Phúc – Huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang:“Canh theo con nước thì anh em cũng đi câu đêm, câu đêm thì tôm ăn mạnh hơn, khỏi cần làm mồi cầu kỳ chỉ cần trùn biển ngắt khúc tóm vô lưỡi câu tôm ăn mình cảm giác nó ghị xuống thì là dính tôm và kéo được con tôm lên khỏi mặt nước thì thấy rất vui, lâu lâu cũng bị vuột vài con thì cảm giác thật là tiếc luôn.”
Từ cái nghề hạ bạc suốt ngày lênh đênh trên sông nước, nhưng nếu người câu tôm kiên trì, ngày nào trúng thì thu về từ 5-10 kg. Mấy năm gần đây, tôm sống trong môi trường tự nhiên cũng ít hẳn nên giá bán khá cao, người sống bằng nghề câu tôm cũng vì vậy mà cố gắng bám trụ với nghề./.
Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin về các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế… mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích trong đời sống, xã hội thường nhật.