Việc đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo qua mạng xã hội được kẻ gian thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Không ít người dân đã mất cảnh giác và “sập bẫy”. Giả mạo nhân viên y tế, cơ quan chức năng, gửi thư điện tử, đường dẫn liên kết có chứa mã độc nhằm đánh cắp thông tin cá nhân,… là hình thức lừa đảo phổ biến trong thời gian qua.
Tương tự hình thức này là các website giả mạo cơ quan Nhà Nước, lừa người dân khai báo thông tin, từ đó dễ dàng truy cập, chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Giả danh các nhãn hàng, thương hiệu lớn, các ngân hàng uy tín thông báo trúng thưởng, cũng là 1 hình thức lừa đảo không mới, nhưng vẫn có không ít người sập bẫy. Ngoài ra, còn có các hình thức khác đánh vào tâm lý chung của người dân, như yêu cầu điền đầy đủ thông tin để được nhận hỗ trợ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Tất cả đều rất tinh vi, hòng trục lợi qua không gian mạng.
Anh NGUYỄN MINH TRIẾT – Quận 12, TP.HCM: “Mình thường xuyên nhận được các tin nhắn thông báo trúng thưởng, tin nhắn ngân hàng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Thường thì mình sẽ cẩn thận kiểm tra lại chứ không dám cung cấp thông tin của mình.”
Chị VÕ THỊ THANH TÂM – TP. Thủ Đức, TP.HCM: “Thời gian giãn cách này mình thấy trên mạng tràn lan các đường link, nào là đăng ký gói hỗ trợ, nào là nhấp vào để nhận quà,… facebook mình cũng rất là nhiều người chia sẻ những đường link đó, cá nhân mình thì thấy khá là nghi ngờ bởi vì không rõ thông tin ai hỗ trợ, hỗ trọ ra sao, đối tượng nào, mà chỉ thấy chia sẻ tràn lan.” Nhiều trường hợp người nhận tin nhắn, nhấp vào tệp tin hoặc truy cập vào đường dẫn liên kết, ngay lập tức virus, mã độc sẽ được tải tự động và cài đặt trên thiết bị cá nhân của người dùng.
ThS NGUYỄN PHÁT TÀI, Khoa Quan hệ Công chúng và Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM: “Mã độc tức là nó can thiệp vô thiết bị của mình, nó ghi nhận thông tin của mình. Cái hệ lụy trước mắt và đầu tiên mà chúng ta có thể thấy được ngay, đó là cái thiết bị của chúng ta sẽ bị chiếm dụng, cái thứ hai là khi họ thu thập thông tin của người dùng và nếu như chúng ta cung cấp một cách quá kỹ về CMND, số điện thoại của mình, số điện thoại của người thân, địa chỉ email, tài khoản ngân hàng thì có thể họ sẽ sử dụng cái thông tin đó vào một mục đích xấu. Thậm chí là có những cái thông tin mà chúng ta tuyệt mật liên quan đến đời tư cá nhân của mình cũng bị kẻ xấu khai thác và họ sẽ cung cấp cho một đối tác thứ ba của họ thì sẽ càng khó khăn hơn”.
Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang đã thụ lý và tiến hành điều tra một vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 1,1 tỉ đồng. Bằng cách nào đó, nhóm lừa đảo đã có được thông tin của nạn nhân, sau đó gọi điện giả danh công an, buộc nạn nhân làm theo yêu cầu, dẫn tới sự việc trên. Trước đó, từng có đối tượng rao bán thông tin cá nhân của gần 10.000 người Việt trên mạng xã hội với giá 207 triệu đồng. Những giao dịch mua, bán dữ liệu cá nhân này diễn ra một cách công khai.
Luật sư PHAN HOÀ NHỰT: “Theo điều 46 của Nghị định 98 năm 2020, cũng như là điều 102 của Nghị định 15 năm 2020 về việc xử lý vi phạm hành chính đối với việc sử dụng các cái dữ liệu thông tin riêng tư trái phép, thì cái mức phạt có thể lên đến là 20 triệu đồng. Còn cái việc mà sử dụng cái thông tin này mà rao bán một cách đại trà trên mạng, xem thường pháp luật như vậy thì hành vi này tôi khẳng định là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý bởi cái điều luật 288 của Bộ luật hình sự năm 2015 về các tội danh là đưa và sử dụng trái phép các cái dữ liệu trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mức phạt có thể lên đến 7 năm tù.”
Nhằm hỗ trợ người dân, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Bộ TT&TT đã cung cấp miễn phí hệ sinh thái Tín nhiệm mạng https://tinnhiemmang.vn và Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam. Đây chính là màng lọc kỹ thuật góp phần ngăn chặn, hạn chế các vụ lừa đảo trên mạng. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo./.
Chương trình Người đưa tin 24G phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin về các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế… mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích trong đời sống, xã hội thường nhật.